Hàn Quốc bắt tay Trung Á thúc đẩy “Chính sách phương Bắc mới”
(Baonghean) - Từ ngày 16/4 - 23/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt đầu chuyến công du 8 ngày đến 3 quốc gia Trung Á là: Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan.
Tăng cường hợp tác kinh tế, thắt chặt lòng tin cũng như nâng tầm đối tác chiến lược là mục tiêu mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc đặt ra trong chuyến thăm lần này. Với vị trí địa chiến lược nằm giữa trung tâm châu Á, theo giới quan sát, 3 điểm đến lần này của Tổng thống Hàn Quốc đều là các đối tác quan trọng trong sáng kiến “chính sách phương Bắc mới” mà nước này đang thúc đẩy.
Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi năm 2017. Nguồn: Getty |
Không để chậm chân!
Không thể phủ nhận, 3 nước Trung Á là Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan có một vị trí địa chiến lược cả về kinh tế và quân sự; là trung tâm của khu vực châu Á, nằm giữa Nga và Trung Quốc. Với nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, dễ hiểu các nước Trung Á này nhiều năm qua đã trở thành khu vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…, thậm chí còn cạnh tranh gay gắt tầm ảnh hưởng.
Cần nhắc lại, Trung Á là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ mang tính lịch sử từ Nga. Trong khi đó với Trung Quốc, những năm gần đây, Trung Á đang mở rộng nhanh chóng hoạt động thương mại với Bắc Kinh. Hay như Mỹ ngay từ năm 1999, Washington đã muốn xây dựng khu vực này thành “con đường tơ lụa”, đưa Trung Á trở thành một khu vực kinh tế năng động, kết nối giữa Afghanistan với những quốc gia ở Trung và Nam Á… Trước cuộc đua ngày càng nóng bỏng, rõ ràng, Hàn Quốc chắc hẳn cũng không thể chậm chân!
Chuyến thăm 3 nước Trung Á lần này là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Moon Jae-in đến khu vực này kể từ khi nhậm chức hồi năm 2017. Một chương trình phong phú và dày đặc đã được lên kế hoạch trong suốt 8 ngày của chuyến đi. Tại điểm dừng chân đầu tiên là Turkmenistan, Tổng thống Moon Jae-in sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedow, thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác và thịnh vượng song phương.
Một cuộc gặp nhằm nâng tầm đối tác chiến lược cũng sẽ được tổ chức với Tổng thống Shavkat Mirziyoyev tại điểm dừng chân thứ hai là Uzbekistan. Không bỏ lỡ cơ hội tăng cường lòng tin và hợp tác đôi bên cùng có lợi với Chính phủ mới của Kazakhstan, Tổng thống Moon Jae-in cũng sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống mới của nước này là Kassym-Jomart Tokayev.
Ngay trước chuyến thăm, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng đã thông báo khẳng định, chuyến công du lần này nhằm mục tiêu phát triển mối quan hệ dài lâu và bền vững giữa Hàn Quốc với 3 nước Trung Á. Trong đó, một trong những cầu nối quan trọng chính là sự gắn kết về mặt lịch sử và văn hóa với cộng đồng người gốc Hàn đông đảo tại đây.
Đôi bên cùng có lợi
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và mục tiêu thắt chặt quan hệ với các đối tác Trung Á. Nguồn: Yonhap |
Các nước ở khu vực Trung Á vốn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tuy nhiên cũng có thực tế, địa hình của các nước này có nhiều núi cao và sa mạc. Bởi vậy, muốn nâng cao năng lực sản xuất, chính phủ các nước này cần phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực và cũng như đầu trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để thích ứng. Nắm được nhu cầu này, Hàn Quốc đã không bỏ qua cơ hội trở thành đối tác hiệu quả của các nước trong khu vực.
Còn nhớ hồi cuối năm 2017, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định hỗ trợ nguồn vốn vay 500 triệu USD trong vòng 3 năm cho Uzbekistan thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF). Hai bên cũng đã nhất trí việc Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc hỗ trợ tài chính quy mô 2 tỷ USD cho các dự án hợp tác hai nước tại Uzbekistan. Mới đây hôm 27/3, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Phó Thủ tướng Uzbekistan Elyor Ganiev tại Seoul cũng đã viết tiếp lộ trình tăng cường hợp tác kinh tế song phương giữa hai bên. Uzbekistan còn là quốc gia có nhiều người gốc Hàn Quốc sinh sống nhất với con số khoảng 200.000 người.
Trong khi đó với Turkmenistan, thời gian qua, hai bên cũng đã tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế với nhiều dự án hàng tỷ USD. Điển hình như hợp đồng hiện đại hóa hạ tầng cơ sở lọc dầu tại Turkmenistan trị giá 940 triệu USD hay một hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất khí đốt tại nước này trị giá 3,89 tỷ USD, vốn được ký kết thực hiện từ năm 2015. Chính phủ Turkmenistan cũng kỳ vọng, Hàn Quốc sẽ có thêm nhiều công ty tham gia vào các dự án phát triển tại khu mỏ khí Galkynysh - nơi có trữ lượng lớn thứ hai thế giới. Với những nền tảng tốt đẹp như vậy, không có lý do gì các bên không tiến tới các hợp đồng, thỏa thuận mới giữa Hàn Quốc và các nước Trung Á trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Moon Jae-in!
Nhiều mục tiêu chiến lược
Không chỉ đặt trọng tâm trao đổi hợp tác về kinh tế, thực tế, các nước Trung Á trong đó có Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan là một phần trong “Chính sách phương Bắc mới”, từng được Tổng thống Moon Jae-in giới thiệu trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ 3 tổ chức hồi tháng 9/2017 tại thành phố Vladivostok của Nga. Theo Tổng thống Hàn Quốc, Triều Tiên vốn có quan hệ ngoại giao với 5 nước Trung Á, bởi thế, hâm nóng quan hệ với các nước này cũng là một hướng đi của Hàn Quốc nhằm tìm kiếm nhiều hơn tiếng nói ủng hộ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đặc biệt trong bối cảnh, hồ sơ Triều Tiên thời gian qua đang có nhiều tín hiệu khả quan từ nhiều phía.
Trong khi đó về phía các nước Trung Á, có một thực tế là kể từ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, các quốc gia mới nằm trong không gian hậu Xô viết đã thành lập cơ chế Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Mục tiêu của cơ chế này là nhằm tạo ra một thể chế có đủ khả năng giải quyết các vấn đề an ninh, kinh tế và năng lượng trong khu vực đồng thời dần thoát khỏi sự ảnh hưởng của nước Nga. Bởi thế, cũng dễ hiểu khi thời gian qua, các nước Trung Á điển hình như Kazakhstan liên tục nâng tầm quan hệ với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay Trung Quốc. Tất nhiên, đối tác Hàn Quốc với nền kinh tế phát triển hàng đầu khu vực cũng là một trong những lựa chọn tốt để các nước Trung Á đa dạng hóa mối quan hệ, tìm kiếm những thỏa thuận hợp tác để có thể tự chủ hơn nữa về mọi mặt.
Thế nhưng mặt khác theo giới phân tích, dù có lợi thế địa chiến lược là trung tâm tranh giành ảnh hưởng, các quốc gia khu vực Trung Á hơn bao giờ hết cần thận trọng, tránh rơi vào vòng luẩn quẩn, nguy cơ bất ổn trong các cuộc đối đầu giữa các nước lớn. Vì thế có lẽ, không chỉ trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lần này mà trong nhiều cái bắt tay khác, các nước Trung Á sẽ không quá ưu ái mà nghiêng về bên nào. Và rằng, tận dụng lợi thế và lựa chọn những thỏa thuận hợp tác có lợi nhưng không quá phụ thuộc, có thể nói sẽ là nước cờ phù hợp nhất của các nước Trung Á trong bối cảnh hiện nay!.