Hàng hóa vận chuyển qua đường sắt bị tê liệt

21/03/2016 22:04

Nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu đường sắt tê liệt trong thời gian dài họ buộc phải chuyển hướng sang đi đường bộ hoặc biển để đảm bảo giao hàng cho khách đúng hạn.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, đại diện Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải Hoa Lâm cho biết, đơn vị này có 18 container hàng nước giải khát, nước mắm, mì gói đã được xếp lên toa chuẩn bị khởi hành ngày 20/3 ra Hà Nội, song bị kẹt tại ga Sóng Thần sau sự cố. Trong sáng nay, doanh nghiệp đã phải thuê gấp một số xe container và tiến hành dỡ hàng xuống chuyển đi bằng đường bộ.

Ông Nam cho biết, ước tính tiền thuê mỗi xe container từ 18 đến 20 triệu đồng nên doanh nghiệp sẽ phải trả tiền phát sinh cho 18 container là trên 300 triệu đồng. Thời gian di chuyển đường bộ rút ngắn được một ngày so với đường sắt.

"Chi phí chở hàng bằng đường bộ cao gấp đôi đường sắt, trước mắt chúng tôi vẫn phải bỏ tiền ra thuê xe, sau đó sẽ đề nghị ngành đường sắt hỗ trợ", ông Nam chia sẻ.

hang-hoa-van-chuyen-qua-duong-sat-bi-te-liet

Ban lãnh đạo đường sắt đang lên kế hoạch để giải quyết ùn ứ hàng hóa. Ảnh: MH.

Đại diện Công ty TNHH dịch vụ vận chuyển Max Sài Gòn thì cho biết, công ty cũng đang có vài lô hàng đang bị kẹt tại ga Sóng Thần và chờ được xử lý.

“Sau sự cố sập cầu Ghềnh chúng tôi cũng đã nhận được thông báo của ban lãnh đạo ga và họ cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trung chuyển đến ga Hố Nai (Biên Hòa) nên doanh nghiệp cũng có phần yên tâm. Tuy nhiên, hàng từ Hà Nội vào thì có phần khó khăn hơn và chi phí vận chuyển có thể sẽ tăng thêm”, đại diện Max Sài Gòn nói và cho biết, đang tạm ngưng nhận đơn đặt hàng từ khách bằng đường sắt để tránh chi phí tăng cao. Riêng những đơn hàng đã nhận từ trước thì cũng đã thông báo cho khách hàng thông cảm và nếu những mặt hàng quá cấp bách thì buộc phải chuyển hướng sang vận chuyển bằng đường bộ hoặc biển.

Cũng đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để đối phó với các sự cố, đại diện Công ty ITL cho biết, toàn bộ các lô hàng của công ty đang được tập kết ở ga Hố Nai chờ vận chuyển ra miền Bắc. Riêng với những lô hàng mới công ty đang lên nhiều phương án khác nhau nếu đường sắt tê liệt trong thời gian kéo dài.

“Đây là sự cố bất khả kháng nên doanh nghiệp cũng thông cảm cho phía đường sắt dù chúng tôi nhận khá nhiều hợp đồng vận chuyển, có những hợp đồng ký cả năm. Để đảm bảo hàng chuyển cho khách tới nơi, công ty sẽ chuyển hàng đi theo đường biển. Chi phí vận chuyển đường biển gần như ngang bằng đường sắt nên cũng không thiệt hại nhiều”, đại diện ITL chia sẻ.

hang-hoa-van-chuyen-qua-duong-sat-bi-te-liet-1

Hàng hóa được trả lại tại Ga Sài Gòn. Ảnh: Hữu Công.

Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Đình Dược, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải hành khách Sài Gòn cho biết, toàn bộ hàng hóa đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc đã phải quay trở lại ga Sóng Thần vì sự cố sập cầu Ghềnh.

“Đã có một khách hàng làm thủ tục xin tháo dỡ hàng hóa để tự chuyên chở đi bằng phương tiện khác. Các trường hợp còn lại, công ty sẽ liên hệ với chủ hàng để thỏa thuận hướng xử lý cụ thể, đồng thời, sẽ tổ chức xe để trung chuyển hàng đến ga Hố Nai và vận chuyển đi theo đúng yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, thời gian cụ thể chưa thể xác định”, ông Dược nói.

Ông cũng cho biết thêm, từ sáng đến chiều 21/3, lãnh đạo ga và ngành đường sắt cũng đã khảo sát xong thực trạng tại các ga tàu và chuẩn bị họp bàn, đưa ra hướng giải quyết trong ngày mai. Riêng một số lô hàng từ ga Hố Nai đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc cũng đang được kéo ra tàu để di chuyển theo lộ trình.

Còn tại ga Sài Gòn trong sáng nay (21/3), hàng chục tấn hàng đã xếp lên các toa tàu trước đó thì nay được nhân viên đường sắt bốc dỡ ngược xuống để chủ hàng đến nhận lại. Số lượng hàng vào khoảng 40 tấn, đa phần là quần áo, giày dép, thuốc lá, hàng điện tử... Khi đến nhận hàng, các chủ hàng đều được hoàn tiền lại 100%.

Theo thống kê của ga Sài Gòn, trung bình một ngày có 3-4 đoàn tàu với khoảng 70 toa hàng được vận chuyển từ Nam ra Bắc và miền Trung với tổng trọng lượng gần 2.000 tấn. Cước phí vận chuyển hàng bằng tàu hỏa dao động 1.800-2.000 đồng một kg trên tuyến Sài Gòn-Hà Nội.

Trưa 20/3, tàu kéo sà lan chở cát chạy từ TP HCM về Đồng Nai, khi đi qua cầu Ghềnh đã đâm gãy một mố cầu, 2 nhịp sập xuống nước. Nhiều người chạy xe máy trên cầu bị kéo tuột xuống mé nước. Nhiều lực lượng cứu hộ được triển khai để bảo vệ hiện trường, tìm kiếm người gặp nạn, trục vớt xe máy...

Tai nạn khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt. Ngành đường sắt phải dùng xe khách chuyên chở hàng nghìn hành khách từ ga Sài Gòn lên ga Biên Hòa để di chuyển và ngược lại. Tuyến đường sông qua khu vực này cũng được phong tỏa. Bộ GTVT cho biết phải mất từ 3 đến 5 tháng mới khắc phục được sự cố.

Chi cục đăng kiểm số 6 cho biết tàu kéo sà lan gây sập cầu Ghềnh, mang biển kiểm soát TP HCM, đã hết hạn đăng kiểm gần 3 tháng trước.



Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Hàng hóa vận chuyển qua đường sắt bị tê liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO