Hàng trăm ha mía đổ rạp sau mưa lốc tại huyện Anh Sơn
Huyện Anh Sơn đang tập trung chỉ đạo người dân dựng lại những diện tích mía có thể sinh trưởng tiếp, đồng thời, liên hệ với các nhà máy để có thể giải cứu mía cho người dân.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Anh Sơn xuất hiện mưa lớn kèm theo giông lốc đã gây thiệt hại đối với cây trồng, đặc biệt là nhiều diện tích mía sản xuất bị đổ rạp, khó có khả năng phục hồi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng ở xóm 2, xã Hoa Sơn (Anh Sơn) có 5 sào mía, khoảng 2 tháng nữa có thể thu hoạch để nhập cho nhà máy, tuy nhiên, hiện nay, trên 80% diện tích đã gãy đổ hoàn toàn.
Ông Hoàng cho biết: Sau cơn giông lốc ngày 7/9 vừa qua, gia đình ra kiểm tra thì hầu hết diện tích mía đã đổ rạp. Đáng buồn nhất là mía đang trong thời kỳ sinh trưởng mạnh, tuy nhiên, khả năng cứu rất thấp khi nhiều cây gãy ngang thân, bật gốc, có dựng dậy cũng không thể sống được, vụ mía năm nay coi như mất trắng.
Theo thống kê của chính quyền xã Hoa Sơn, toàn xã có 111 ha mía sản xuất thì có đến 40 ha bị đổ rạp sau mưa lốc những ngày qua, khó có khả năng phục hồi.
Không chỉ xã Hoa Sơn mà nhiều địa phương khác cũng có diện tích mía gãy đổ lớn như Hùng Sơn, Tam Sơn, Đức Sơn, Bình Sơn…
Ông Lê Văn Trí – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Anh Sơn cho biết: Toàn huyện hiện nay có 1.400 ha mía nguyên liệu, tuy nhiên, sau các trận giông lốc thì có đến 600 ha bị gãy đổ. Đây là diện tích cây trồng bị thiệt hại nặng nhất trên địa bàn hiện nay.
Hiện huyện đang chỉ đạo các địa phương huy động người dân dựng dậy diện tích bị gãy đổ mà vẫn có khả năng sống tiếp. Đối với diện tích không thể cứu được, huyện cũng đang liên hệ với các nhà máy đường để “giải cứu” cho người dân, tuy nhiên, cái khó ở đây là mía vẫn đang còn non, độ đường chưa đủ để đáp ứng các chỉ tiêu sản xuất. Một phương án nữa là huyện đang liên hệ với các công ty bò sữa để thu mua thân cây làm thức ăn chăn nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
“Bên cạnh diện tích mía gãy đổ thì sau đợt giông lốc vừa qua, trên địa bàn huyện Anh Sơn cũng xuất hiện điểm sạt lở bờ sông dài 400 mét tại xã Tam Sơn, nhiều diện tích đất trồng mía nguyên liệu có nguy cơ trôi theo dòng nước nếu không có giải pháp kè chắn kịp thời”, ông Trí cho biết thêm.