Hàng trăm hộ dân ở Nghệ An khốn đốn vì vỡ tín dụng đen
(Baonghean.vn) - Kể từ ngày giám đốc doanh nghiệp bất ngờ tuyên bố vỡ nợ, nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn.
Vỡ tín dụng đen hàng chục tỷ đồng ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Mặc dù không được phép huy động vốn nhưng một doanh nghiệp tư nhân ở Yên Thành vẫn tự phát hành sổ tiết kiệm, nhận tiền của hàng trăm người dân rồi tuyên bố “vỡ nợ”.
Bà Hạnh (trú xóm 4, xã Sơn Thành) kể bà với vợ chồng ông Trần Văn Phúc (xóm 10A, xã Bảo Thành), vốn là bạn bè lâu năm. Trước khi chuyển đến Bảo Thành để kinh doanh vàng bạc, ông Phúc sinh sống từ nhỏ ở Sơn Thành, gần nhà bà Hạnh. “Cũng chỉ vì tin tưởng bạn bè, không ngờ bây giờ chúng nó lại trở mặt với tôi như vậy”, bà Hạnh nói, khuôn mặt lộ rõ vẻ uất ức.
Bà Nguyễn Thị Hạnh. Ảnh: T.H |
Bà Hạnh có cô em gái của chồng sinh sống nhiều năm nay ở Đức. Mỗi lần tích góp được chút tiền, người em này thường gửi về quê nhờ gia đình anh trai giữ hộ.
Việc chuyển tiền thông qua Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên, do ông Trần Văn Phúc làm giám đốc. “Cứ mỗi lần cô ấy chuyển ngoại tệ về, tôi lại ra đó lấy nên vợ chồng ông Phúc biết được gia cảnh chúng tôi”, bà Hạnh kể.
Biết gia đình bà Hạnh đang có nhiều tiền nhàn rỗi, vợ chồng ông Phúc thuyết phục bạn mang tiền đến gửi. “Ông Phúc bảo gửi ở đây cũng như ngân hàng, là chỗ bạn bè, lại thấy nhiều người cũng gửi nên có bao nhiêu tôi cho hết vào đấy”, bà Hạnh kể. Cũng như hàng trăm hộ khác, sau mỗi lần gửi tiền, bà Hạnh được phát một cuốn “sổ tiết kiệm” giống với cuốn sổ do ngân hàng phát hành. Trong đó có cả con dấu của doanh nghiệp.
Từ năm 2013, bà Hạnh bắt đầu gửi tiền ở doanh nghiệp mà người bạn làm giám đốc. Mỗi lần đến thời hạn nhận lãi suất, vì cũng chưa cần dùng đến, bà Hạnh lại tiếp tục lấy số tiền này gửi tiếp. Đến nay, tổng số tiền mà bà đang gửi ở đây lên đến hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 42.700 euro, 1.000 đô la mỹ và 34 triệu đồng.
Lần cuối cùng ông Đào gửi tiền vào doanh nghiệp này là tháng 12/2016, chỉ ít ngày sau thì nghe tin vỡ nợ. Ảnh: T.H |
Cuối năm 2016, nghe tin bạn mình tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng chi trả, bà Hạnh như chết đứng. “Từ đó đến nay tôi chẳng làm được việc gì. Trong đầu suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện tiền”, bà Hạnh nói. Nhiều lần đến nhà bạn để đòi nhưng không được, bà thất vọng ngồi luôn ngoài đường. Gia đình sợ gặp chuyện, lại phải đi tìm để đưa về. Bà Hạnh nói rằng, có những hôm, bà thất thần đi bộ dọc đường “như một người điên”.
Trong khi đó, chồng của người cô ở bên Đức biết chuyện, thường xuyên uống rượu về trách mắng vợ. “Gia đình tôi làm nông thì làm gì có nhiều tiền, đó phần lớn là của em chồng. Hơn một năm nay, cô ấy điện về liên tục, bảo gia đình bên đó đang rất căng thẳng vì chuyện này, tôi cũng chẳng biết phải ăn nói thế nào”, bà Hạnh nói.
Để mất tiền, chồng bà Hạnh cũng thường “tiếng bấc, tiếng chì”, trách móc vợ. “Không khí gia đình lâu nay cũng vì chuyện đó mà rất nặng nề”, bà Hạnh kể, nước mắt giàn dụa trên gò má.
Cũng lâm vào cảnh như bà Hạnh, ông Lê Anh Đào (62 tuổi, xóm 4, Sơn Thành), nói rằng, toàn bộ số tiền hơn 130 triệu mà ông mang gửi vào doanh nghiệp này đều không phải của gia đình. Đó là số tiền của anh, chị, em ông Đào giành dụm, gửi về nhờ ông xây nhà cho một người em. Ông Đào có một người em gái bị tật nguyền, không có gia đình.
“Có người em thì ở nước ngoài, có đứa ở miền Nam gửi về để góp vào làm nhà cho cô ấy. Vì lúc đó dự định chưa xây, tiền cũng không để làm gì nên khi được Phúc vận động thì tôi mang gửi vào đó”, ông Đào kể. Ông Phúc với ông Đào vốn là bà con họ hàng của nhau. Lần cuối cùng ông Đào gửi tiền vào doanh nghiệp này là tháng 12/2016. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, khi ông đang vào miền Nam ăn cưới người thân thì bất ngờ nghe tin vỡ nợ.
Theo tìm hiểu, đến nay đã có khoảng 200 hộ dân ở nhiều xã thuộc huyện Yên Thành, Nghi Lộc gửi đơn đến công an tố cáo vợ chồng ông Phúc chiếm đoạt tiền. Tổng số tiền mà người dân ước tính lên đến 70 tỷ đồng. Khu vực này vốn có rất nhiều con em đi xuất khẩu lao động, vì vậy khoản tiền nhàn rỗi từ nước ngoài chuyển về khá lớn.
Sổ tiết kiệm mà doanh nghiệp này phát hành rất giống sổ của ngân hàng. Ảnh: T.H |
Những nạn nhân này nói rằng, chẳng phải vì tham tiền lãi suất, bởi gửi ở đây cũng không cao hơn ngân hàng là bao. Phần lớn chỉ vì quá tin tưởng. Để có số tiền đó, nhà thì do con cháu gửi từ nước ngoài về, người thì dành dụm, vay mượn chuẩn bị cho con đi xuất khẩu lao động, gửi tạm ở đây để đến khi con bay được thì rút ra đóng phí. Có người tuổi cao, con cháu cho ít tiền để dưỡng tuổi già, chắt chiu được ít tiền cũng mang ra gửi mong có chút tiền lãi chi tiêu hàng ngày…. Trong số tiền mà người dân đã gửi vào Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên, có người ít thì vài chục triệu, nhưng có người lên đến hơn 1,6 tỷ đồng.
Trước đó, như Báo Nghệ An đã phản ánh, nhiều năm nay Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên do ông Trần Văn Phúc làm giám đốc đã tự sản xuất sổ tiết kiệm để huy động vốn của hàng trăm người dân. Tuy nhiên, vợ chồng ông Phúc sau đó trở mặt, bất ngờ tuyên bố “vỡ nợ”, không chịu trả tiền cho họ. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, việc huy động vốn và phát hành sổ tiết kiệm của doanh nghiệp này hoạt động trái phép, vi phạm Luật các tổ chức tín dụng.