Xã hội

Hàng trăm học sinh trường Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An vẫn mong ngóng ký túc xá

Tiến Hùng 07/09/2024 14:55

Đã 2 tháng kể từ khi UBND tỉnh có thông báo kết quả xử lý đơn thư tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, nhưng hộ giáo viên từng mượn đất nhà trường dựng nhà vẫn không chịu trả lại mặt bằng, khiến dự án xây dựng ký túc xá chưa thể hoàn thành. Trong khi đó, hàng trăm học sinh vẫn đang phải chen chúc sống tạm trong nhà ăn hay các dãy nhà học.

Phụ huynh bức xúc

Những ngày đầu tháng 9, bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh ở các huyện vùng cao đã trực tiếp dẫn con, em xuống Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An để nhận phòng ký túc xá. Tuy nhiên, điều khiến càng phụ huynh thất vọng là dù đã bước vào năm học mới, nhưng nhiều em vẫn phải ở tạm trong các dãy nhà học chật chội, thiếu thốn đủ thứ.

“Cứ tưởng năm học này có ký túc xá rồi. Vào nhìn phòng con ở mà thấy thương, nóng nực, chật chội lắm. Không hiểu sao xây dựng lâu đến như vậy”, chị Vi Thị Hoàng, một phụ huynh ở huyện Tương Dương có con trai theo học lớp 11 nói.

Năm học này, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh có 735 học sinh. Trong đó, toàn bộ nam sinh khối 11 và khối 12 vẫn phải chen chúc trong các dãy nhà học. Còn các nữ sinh khối 11 và khối 12 thì được bố trí ở trong nhà ăn của trường. Chỉ có khối 10 mới nhập học, được ưu tiên ở trong dãy nhà ký túc xá cũ.

“Ở tạm trong dãy nhà học này, không chỉ nóng bức, chật chội và chuyện vệ sinh rất bất tiện. Vì phòng học thì không có nhà vệ sinh bên trong như các phòng ký túc. Bọn em muốn tắm giặt hay đi vệ sinh đều phải sử dụng chung ở bên dưới. Vừa đi rất xa, có khi lại phải xếp hàng chờ. Chỉ mong ký túc xá sớm xây dựng để được vào ở”, một nam sinh lớp 12 tâm sự. Em này nói rằng, việc phải ở tạm suốt thời gian dài, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập cũng như sinh hoạt.

Học sinh chen chúc trong nhà tạm chờ ký túc xá xây dựng
Học sinh chen chúc trong nhà tạm chờ ký túc xá xây dựng. Ảnh: Tiến Hùng

1 năm trước, dự án xây dựng ký túc xá được khởi công, 2 dãy nhà ký túc xá cũ được xây dựng từ 40 năm trước bị đập bỏ. Để cho các em ở tạm, nhà trường đã ngăn đôi các phòng học. Nhiều gian chỉ rộng chưa đầy 20m2 nhưng có tới 20 em. Ngoài ra, nhà ăn của trường cũng được cải tạo, để cho các em nữ khối 11 và 12 vào ở. Trong một số phòng, đồ dùng sinh hoạt của các học sinh xếp chồng lên nhau, chiếm gần hết lối đi lại. 2 học sinh phải chen nhau ngủ trên chiếc giường đơn rộng chưa tới 90cm. Hàng trăm học sinh phải sử dụng 1 nhà vệ sinh.

“Khi biết nguyên nhân dự án xây dựng ký túc xá mới bị đình trệ vì giáo viên không chịu bàn giao đất đã mượn, chúng tôi rất bức xúc. Không hiểu sao vụ việc lại kéo dài như vậy mà không giải quyết dứt điểm được. Xuống nhìn thấy cảnh các cháu sinh hoạt trong gian nhà tạm chật chội, thiếu thốn và bất tiện như thế, không thể cầm lòng được. Sinh hoạt như thế thì sao mà học được”, một phụ huynh đến từ huyện Quế Phong bức xúc.

Sau thời gian dài vận động, 4 hộ đã chịu rời đi, chỉ còn gian nhà của ông Nguyễn Văn Kỳ.
Sau thời gian dài vận động, 4 hộ đã chịu rời đi, chỉ còn gian nhà của ông Nguyễn Văn Kỳ. Ảnh: Tiến Hùng

Cần sớm xử lý dứt khoát

Vụ việc mượn nhà tập thể, mượn đất nhà trường để xây nhà nhưng sau đó không chịu trả lại của giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã được UBND tỉnh và các cơ quan liên quan nhiều lần có kết luận. Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các giáo viên chuyển ra nơi khác, bàn giao lại mặt bằng cho nhà trường.

Sau thời gian dài, với hàng trăm cuộc làm việc, đến nay đã có 4 hộ gia đình chịu rời đi, trả lại mặt bằng. Chỉ có duy nhất hộ gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ vẫn chưa chịu rời đi. Ông Kỳ là hộ giáo viên đang sinh sống trên đất của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, dù về hưu đã 15 năm nhưng đến nay vẫn không chịu bàn giao mặt bằng để nhà trường xây dựng ký túc xá cho học sinh khiến dự án này đang bị chậm tiến độ.

Một lãnh đạo nhà trường cho biết, trước đó ông Kỳ yêu cầu phải được bồi thường mới chịu rời đi. Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh có các kết luận xác định đây là đất của nhà trường, ông Kỳ không hề có quyền lợi đối với thửa đất này thì ông tiếp tục đòi bồi thường tài sản trên đất, đồng thời phải cấp đất ở không thông qua đấu giá cho ông.

“Sau đó, khi trao đổi với nhà trường, ông Kỳ hứa khi nào UBND tỉnh có văn bản cho phép ông được cấp đất ở không thông qua đấu giá, chỉ cần nhìn thấy văn bản là ông rời đi. Sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý rồi, nhưng ông ấy vẫn không chịu. Ông vừa đòi tiền vừa đòi phải bàn giao đất không thông qua đấu giá đã”, vị lãnh đạo nhà trường nói.

Do giáo viên không bàn giao mặt bằng nên dự án xây dựng ký túc bị chậm tiến độ.
Do giáo viên không bàn giao mặt bằng nên dự án xây dựng ký túc bị chậm tiến độ. Ảnh: Tiến Hùng

Ngày 5/7/2024, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương cho phép UBND thành phố Vinh tiếp tục áp dụng Quyết định số 78/QĐ-UBND ngày 27/10/2014, để lập hồ sơ giao 1 lô đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ ông Nguyễn Văn Kỳ. UBND tỉnh cũng giao UBND thành phố Vinh chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xét duyệt đối tượng đủ điều kiện để được giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện nay, việc này đang được UBND TP Vinh tiến hành xét duyệt.

Trước đó, để xây dựng ký túc xá mới, từ năm 2019, nhà trường đã làm việc với 5 hộ gia đình, đề nghị họ chuyển đi trong vòng 1 năm để nhà trường lấy mặt bằng xây dựng dãy nhà ký túc xá cho học sinh như đã cam kết trong hợp đồng. Theo lãnh đạo nhà trường, lúc đó, các hộ này xin thời gian 3 năm để thu xếp chuyển đi. Nhà trường đồng ý với thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, khi đã quá thời hạn 3 năm, đến tháng 10/2023, dự án được khởi công nhưng 5 hộ gia đình vẫn không chịu bàn giao mặt bằng để xây dựng. Dù nhiều đoàn kiểm tra đã được thành lập và cũng đã có kết luận toàn bộ diện tích đất những hộ này đang ở đều thuộc khuôn viên nhà trường, yêu cầu các hộ khẩn trương di dời.

Liên quan trường hợp tương tự xảy ra ở Trường Tiểu học Phú Sơn (huyện Tân Kỳ) mà Báo Nghệ An có bài phản ánh, một lãnh đạo huyện Tân Kỳ cho biết, huyện đang giao các phòng ban liên quan, phối hợp với xã Phú Sơn xử lý, trả lại đất cho trường.

"Đây là đất của trường, phải trả lại cho trường, không cá nhân nào được sở hữu. Có thể phải hỗ trợ gia đình những tài sản đã xây dựng, còn đất thì nhất quyết phải trả lại. Việc xã và trường cắt đất cho bảo vệ là trái thẩm quyền. Trong quá trình xử lý, trước đây ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm", vị này nói. Trước đó, trường này cho bảo vệ mượn 20m2 đất trong khuôn viên để làm quán cắt tóc ngay gần cổng trường. Sau đó mảnh đất này được chuyển cho con trai người bảo vệ là cán bộ xã Phú Sơn. Sau nhiều năm, hiện diện tích nhà, công trình phụ và ki ốt kinh doanh đã lên đến 156m2, chưa kể 61m2 đã được đền bù trong dự án kênh mương và đường giao thông trước đó.

Mới nhất

x
Hàng trăm học sinh trường Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An vẫn mong ngóng ký túc xá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO