Lùm xùm ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh
Nhiều tháng nay, gần 800 học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An phải sống chen chúc trong những phòng ký túc xá tạm. Trước đây, những học sinh này ở trong 2 dãy nhà được xây dựng từ 40 năm trước. Cuối năm 2023, để có mặt bằng xây dựng ký túc xá mới, 1 dãy nhà ký túc xá cũ đã bị đập bỏ. Vì thế, gần 300 học sinh nam được chuyển lên ở tạm trong các phòng thuộc tòa nhà thực hành chức năng, còn hơn 400 học sinh nữ dồn vào các phòng ở dãy nhà ký túc xá cũ còn lại.
Dự kiến, tòa nhà ký túc xá mới sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2024. Tuy nhiên, dự án này lại đang bị đình trệ suốt nhiều tháng qua, nguyên nhân chỉ vì một số giáo viên được nhà trường cho mượn khu tập thể để ở, nhưng không chịu trả lại mặt bằng như đã cam kết trong hợp đồng mượn nhà từ trước.
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh được thành lập từ năm 1984 và được UBND tỉnh cấp đất ở vị trí hiện tại từ đó đến nay. Do nhiều giáo viên nhà xa và thiếu chỗ ở, nhà trường đã xây khu tập thể cho họ ngay trong khuôn viên trường học. Kể từ đó, nhiều thế hệ giáo viên thay phiên nhau ở miễn phí tại các dãy nhà tập thể. Trường hợp nào đã có điều kiện để mua nhà ở ngoài, sẽ bàn giao lại cho nhà trường, để trường cho người khác mượn.
Đến năm 2005, để xây dựng nhà ăn cho học sinh, hầu hết các phòng của 2 dãy nhà tập thể này bị đập bỏ, chỉ còn lại 3 gian phòng. Năm 2006, sau khi nhà ăn xây dựng xong, nhận thấy còn nhiều giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo nhà trường đã họp xét và cho 3 hộ giáo viên được ở tại 3 gian phòng của dãy nhà tập thể còn sót lại. Ngoài ra, còn có 2 giáo viên khác là thầy Nguyễn Văn Kỳ và cô Sầm Thị Sơn được nhà trường cho mượn khoảnh đất trống ngay cạnh, để 2 gia đình xây một gian nhà nối tiếp với 3 gian ký túc xá cũ. Kinh phí xây mới do gia đình tự bỏ tiền.
Trong hợp đồng được ký kết ngày 25/6/2006 có nêu rõ 5 giáo viên này phải cam kết “không cơi nới quá khu vực đã quy định; thời gian sử dụng cho đến khi nào nhà trường có nhu cầu thì báo trước ít nhất 12 tháng để các hộ gia đình tìm chỗ ở…”.
Trong số 5 giáo viên ký hợp đồng mượn nhà tập thể năm 2006, chỉ có một trường hợp trả lại nhà vào năm 2012 khi đã xây được nhà riêng ở bên ngoài. Gian nhà này sau đó được bàn giao cho gia đình khác mượn. Còn lại các hộ khác, có người dù về hưu và trở về quê sinh sống từ 15 năm trước, có người đã xây nhà riêng bên ngoài từ lâu nhưng vẫn không chịu trả lại gian nhà tập thể cho nhà trường.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kiều Hoa cho biết, sau khi lên làm hiệu trưởng, nhận thấy các dãy nhà ký túc xá cho học sinh xây dựng từ năm 1984 quá xuống cấp, nhà trường đã xin nguồn vốn để đầu tư xây dựng lại.
Năm 2019, sau khi đã xin được nguồn vốn để đầu tư, tôi đã làm việc với 5 hộ gia đình, đề nghị họ chuyển đi trong vòng 1 năm để nhà trường lấy mặt bằng xây dựng dãy nhà ký túc xá cho học sinh như đã cam kết trong hợp đồng. Lúc đó, chỉ có 1 hộ gia đình không có ý kiến gì. Các hộ còn lại thì xin thời gian 3 năm để thu xếp chuyển đi. Nhà trường đồng ý với thời hạn 3 năm”.
Bà Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh
Tuy nhiên, khi đã quá thời hạn 3 năm, đến tháng 10/2023, dự án được khởi công nhưng 5 hộ gia đình vẫn không chịu bàn giao mặt bằng để xây dựng. Phía đơn vị thi công đã phải nhiều lần phát văn bản tới chủ đầu tư than phiền về việc chậm bàn giao mặt bằng, khiến công nhân phải chờ việc và nguy cơ bị cắt nguồn vốn đầu tư do chậm tiến độ. Sau hàng trăm cuộc làm việc và vận động, đến cuối tháng 3/2024 thì 3 hộ gia đình mượn nhà tập thể của trường mới đồng ý chuyển đi để bàn giao mặt bằng. Còn lại 2 hộ kiên quyết không bàn giao mặt bằng, dù nhiều đoàn kiểm tra đã được thành lập và cũng đã có kết luận toàn bộ diện tích đất những hộ này đang ở đều thuộc khuôn viên nhà trường, yêu cầu các hộ khẩn trương di dời.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND thành phố Vinh đã có văn bản kết luận, toàn bộ diện tích đất mà các gia đình giáo viên này đang ở đều nằm trong khuôn viên nhà trường, thuộc quyền quản lý của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà trường. Các hộ gia đình đang sử dụng đất là theo hợp đồng cho mượn các gian nhà tập thể giữa nhà trường và các giáo viên ký năm 2006. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản trả lời đơn thư, đồng thời yêu cầu 5 hộ dân khẩn trương di dời tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng thi công dự án. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn 2 hộ dân chưa chịu bàn giao.
Mượn nhà tập thể nhưng không trả
Tại Trường THPT Hà Huy Tập (phường Lê Lợi, TP. Vinh), nhiều năm nay cũng tồn tại một ngôi nhà nằm lọt thỏm trong khuôn viên nhà trường. Đây chính là gian nhà tập thể của trường, nhưng bị giáo viên chiếm dụng, tự cơi nới, cải tạo, thậm chí còn cho thuê. Đó là căn nhà mà ông Nguyễn Đức Cảnh - cựu giáo viên dạy Văn của nhà trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, căn nhà này thuộc dãy nhà tập thể do Trường THPT Hà Huy Tập xây dựng từ năm 2003, để cho các giáo viên sử dụng. Dãy nhà tập thể này trước đây có 11 gian phòng, mỗi gian rộng khoảng 40m2. Sau khi xây dựng xong, ông Nguyễn Đức Cảnh được bố trí ở gian phòng đầu tiên, giáp với bờ rào cạnh đường Nguyễn Đình Chiểu. Bên hông gian phòng này còn có khoảng đất trống khá rộng. Toàn bộ dãy nhà tập thể nằm hoàn toàn trong khuôn viên nhà trường.
Năm 2009, ông Cảnh về hưu nhưng vẫn được nhà trường tạo điều kiện, tiếp tục ở lại căn nhà tập thể này. “Trong quá trình sinh sống ở gian nhà tập thể, nhân lúc toàn trường đang đi nghỉ ở xa, ông Cảnh đã tự ý cải tạo, nới rộng diện tích, chiếm luôn cả khoảng đất trống bên cạnh để xây và mở cổng hướng ra đường Nguyễn Đình Chiểu”, một lãnh đạo nhà trường kể. Từ gian nhà tập thể chỉ vỏn vẹn khoảng 40m2, hiện nay diện tích căn nhà lên đến gần 90m2, với chiều rộng bám đường Nguyễn Đình Chiểu gần 13m.
Năm 2020, Trường THPT Hà Huy Tập xây dựng sân bóng đá cho học sinh, nên tiến hành đập bỏ dãy nhà tập thể để lấy mặt bằng. Sau khi nhận được thông báo từ phía nhà trường, những hộ gia đình ở dãy nhà tập thể lần lượt chuyển ra ngoài. Chỉ còn gia đình ông Cảnh từ chối di dời. Khi nhà trường huy động máy móc đến tháo dỡ, ông phản ứng. Chính vì vậy, việc phá dỡ đành phải dừng lại cho đến nay.
Theo ông Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập, gần đây do học sinh sử dụng xe điện nhiều, chiếm diện tích lớn nên nhà xe của trường không đủ. Nhà trường có kế hoạch xây dựng thêm nhà xe, tuy nhiên mặt bằng xây dựng lại vướng căn nhà tập thể mà ông Cảnh đang sử dụng. Vì thế, nhà trường rất muốn giải tỏa căn nhà tập thể này.
Theo ghi nhận của phóng viên, căn nhà tập thể mà ông Cảnh đang sử dụng có vị trí khá đẹp, ngay cạnh ngã ba tấp nập. Gần đây, ông còn treo biển cho thuê ki-ốt ngay trước cửa nhà. Trao đổi với phóng viên, ông Cảnh thừa nhận, ông không có giấy tờ pháp lý gì về căn nhà này. “Giờ hoàn cảnh khó khăn, lương hưu thấp, mỗi tháng chỉ hơn 7 triệu đồng nên phải cho thuê để kiếm ít đồng”, ông Cảnh nói.
Nói về lý do từ chối chuyển đi, ông Cảnh cho rằng, ông là người có công với nhà trường, là một trong những giáo viên đầu tiên dạy ở trường. Trước đây, hiệu trưởng cũ từng hứa cho ông ở đây.
Ngày trước hiệu trưởng nói cứ ở đây thì tôi ở. Cách đây mấy năm, nhà trường có hứa mua chung cư. Nhưng bây giờ có mua cho tôi thì tôi cũng không đồng ý, không bao giờ tôi chuyển”.
Ông Nguyễn Đức Cảnh - cựu giáo viên Trường THPT Hà Huy Tập