Hàng tỷ đồng tiền giả 500.000 được sản xuất thế nào?

Ngọc Trường 27/01/2023 06:06

Huỳnh Quốc Thái và đồng phạm mỗi ngày in khoảng 1.200 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng; rồi chuyển cho người khác cán màng, đánh bóng... trước khi mang đi tiêu thụ.

Thiết bị trong "xưởng" in tiền giả do Thái cầm đầu. Ảnh: Bảo Nam

Tối 26/11/2022, một phụ nữ ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) bán chiếc iPhone 11 Pro Max giá 10,2 triệu đồng cho 2 thanh niên và sau đó nhận ra 10 triệu đồng (mệnh giá 500.000 đồng) vừa giao dịch là tiền giả. Quá trình mua bán, 2 nghi phạm cố tình che giấu hình ảnh, biển số xe, số điện thoại.

Công an Đà Nẵng vào cuộc điều tra, 11 ngày sau bắt 2 nghi phạm là Đoàn Văn Dương (34 tuổi) và Hồ Văn Thiện (35 tuổi, cùng trú Quảng Nam), thu 62 triệu đồng tiền giả, cùng loại 500.000 đồng. Cả hai thừa nhận đã lừa mua chiếc iPhone 11 Pro Max nói trên, nguồn tiền giả từ một người ở TP. HCM.

Lần theo các manh mối, trinh sát xác định chủ mưu đường dây tiền giả là Huỳnh Quốc Thái (34 tuổi, quê Cai Lậy, Tiền Giang) song đã bỏ trốn. Đột kích "đại bản doanh" do Thái dựng ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. HCM, Công an Đà Nẵng bắt quả tang Nguyễn Thị Cẩm Duyên (35 tuổi), Nguyễn Như Phú (52 tuổi) đang vận hành các thiết bị in. Tang vật thu hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả cùng nhiều máy in màu, máy cắt, máy dập, giấy in tiền, giấy ni lông...

Ngày 30/12/2022, công an bắt thêm một mắt xích của đường dây là Huỳnh Hoàng Thương (17 tuổi, trú huyện Bình Chánh) với cáo buộc làm khoảng 1.200 tờ tiền giả, mệnh giá 500.000 đồng, tương đương 600 triệu đồng.

Nghi phạm Nguyễn Như Phú, người giúp Thái đục lỗ, cán màng, đánh bóng để tạo tiền giả "thành phẩm". Ảnh: Bảo Nam

Công an xác định Thái scan các tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng rồi cùng Duyên in tiền lên hai mặt giấy A4, một mặt in được 4 tờ tiền. Từ tháng 11/2022, trung bình mỗi ngày, nhóm này in khoảng 300 tờ A4, tương đương 1.200 tờ mệnh giá 500.000 đồng.

Tiền giả được Thái chuyển cho Phú và một người khác cán màng, đánh bóng... tạo "thành phẩm" hoàn chỉnh.

Cảnh sát cho biết, Thái cho lắp đặt dày đặc các camera xung quanh xưởng để quan sát tất cả động tĩnh 24/24h. Những người in tiền giả còn được trang bị bộ đàm riêng. Để tránh nghi ngờ của hàng xóm, nhóm này chủ yếu hoạt động vào ban đêm.

Thái thường xuyên thay đổi chỗ, mỗi nơi thuê trọ chỉ ở tầm 2-3 tháng. Công cụ in tiền được vận chuyển bí mật. Thái sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân với một tên khác để đăng ký tài khoản ngân hàng online và ví điện tử; sử dụng SIM rác khi liên lạc.

Hiện Duyên, Phú, Dương, Thiện và Thương đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi "Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả" với số lượng tiền lớn và các hành vi liên quan gồm: "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng", "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", "Tàng trữ trái phép chất ma túy".

Cơ quan An ninh điều tra Công an Đà Nẵng đang truy tìm Thái và tiếp tục làm rõ cách thức vận hành của đường dây này.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Hàng tỷ đồng tiền giả 500.000 được sản xuất thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO