Hành khúc hào hùng, bi tráng của những chiến sỹ quân hàm xanh

(Baonghean.vn) - Nhiều câu chuyện về tình đất, tình người trên 2 tuyến biên giới Nghệ An trong suốt chiều dài xây dựng, bảo vệ biên cương được nhắc lại một cách xúc động và tự hào.

Chương trình do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp Đài PT-TH tỉnh tổ chức vào tối 28/2.

Tham dự, về phía nước bạn Lào có ông Bun ma Pu Cha Lon - Phó Bí thư, Phó Chủ tịch tỉnh Bôlykhămxay; bà Pheng Căn Nha phin - Phó Bí thư, Phó Chủ tịch tỉnh Hủa Phăn.

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An; đại diện các sở, ban, ngành liên quan; cán bộ, chiến sỹ BĐBP và đại diện chính quyền địa phương, các già làng, trưởng bản, các em học sinh và nhân dân trên 2 tuyến biên giới biển, đất liền thuộc tỉnh Nghệ An.

Các đại biểu tham dự đêm giao lưu.
Các đại biểu tham dự đêm giao lưu. Ảnh: Hoài Thu
Đêm giao lưu có sự tham dự của các đại biểu là những cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp, gắn bó với lực lượng biên phòng, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh như: Đại tá Vi Tố Định - Nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An; Đại tá Lê Như Cương - Chính ủy BCH BĐBP Nghệ An; ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, ông Vi Cảnh Toàn - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp (Tương Dương); Trung tá Đậu Đình Thành - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn; ông Lương Minh Hồng - Già làng bản Mường Piệt, xã Thông Thụ (Quế Phong); Đại tá Nguyễn Chí Tý - Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm và ma túy,  Bộ Chỉ huy BĐBP; Thượng tá Nguyễn Trường Giật - Nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP…
Nhiều tiết mục hát, múa ca ngợi hình ảnh người chiến sỹ biên phòng, tình yêu quê hương đất nước tại đêm giao lưu.
Nhiều tiết mục hát, múa ca ngợi hình ảnh người chiến sỹ biên phòng, tình yêu quê hương, đất nước tại đêm giao lưu. Ảnh: Hoài Thu

Ký ức về cuộc chiến tiễu phỉ

Đây là nội dung trọng tâm thể hiện khúc tráng ca về những năm tháng bộ đội biên phòng Nghệ An sát cánh cùng quân dân nước bạn Lào đấu tranh tiễu phỉ. Trong đó có tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Trí (người dân Lào gọi là Khăm Sình, tức là vàng mười) đã lập nhiều chiến công chiến đấu tiễu phỉ trên đất bạn Lào. 

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và tổ tự quản đường biên tuần tra khu vực biên giới.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và tổ tự quản đường biên tuần tra khu vực biên giới.

Tại buổi giao lưu, ông Vi Tố Định - Nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Lào chia sẻ  những thông tin về Anh hùng Trần Văn Trí đã hàng phục tên trùm phỉ Pò Xọ khét tiếng nhất vùng Mường Mộc; ông từng hạ 3 đồn của phỉ mà không mất một viên đạn.

Đại tá Anh hùng đã Trần Văn Trí có hơn 10 năm cùng các bộ tộc Lào bám dân, bám đất, vừa làm công tác dân vận, binh vận, vừa xây dựng cơ sở đảng, cơ sở vũ trang cho bạn, Trần Văn Trí đã biến vùng trắng của huyện Mường Mộc thành vùng giải phóng có chi bộ, có lớp học văn hóa, có cửa hàng trao đổi hàng hóa. Thông qua những đảng viên, quần chúng tích cực, Trần Văn Trí đã xây dựng được hàng chục nhân mối trong lực lượng phỉ Vàng Pao, trong đó có một số trùm phỉ của bản, của vùng.

Các đại biểu chia sẻ, giao lưu tại sân khấu. Ảnh: Hoài Thu
Các đại biểu chia sẻ, giao lưu tại sân khấu. Ảnh: Hoài Thu

Ông không chỉ hàng phục tướng phỉ mà còn đã vận động cả đồn phỉ nổi dậy đem vũ khí trở về với cách mạng. Tiếng tăm của ông làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhưng lại là niềm tự hào của đồng chí đồng đội, là nơi gửi gắm niềm tin vào bộ đội Cụ Hồ, bộ đội Pa Thét. Đến nay, hình ảnh của Anh hùng Trần Văn Trí vẫn được nhân dân Lào treo trang trọng tại các nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng như một sự tri ân sâu sắc, chân thành.

Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền - Nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An cũng khẳng định tầm quan trọng của công tác phối hợp cùng nước bạn Lào trong đấu tranh tiễu phỉ bằng nhiều biện pháp như phản gián, tấn công kết hợp đấu tranh chính trị, kêu gọi người dân hai bên vận động phỉ đầu hàng.

 
Ông Thong Đươn - Cụm trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn khẳng định "tấm gương Đại tá Trần Văn Trí sẽ luôn được người dân Lào chúng tôi biết ơn, tưởng nhớ". Ảnh: Hoài Thu.
Ông Thong Đươn - Cụm trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn khẳng định "tấm gương Đại tá Trần Văn Trí sẽ luôn được người dân Lào chúng tôi biết ơn, tưởng nhớ". Ảnh: Hoài Thu.

Ông Vi Cảnh Toàn khi được hỏi về cảm nhận đối với sự hi sinh của các chiến sỹ biên phòng cũng cho hay, mỗi chiến công của BĐBP luôn gắn với những vất vả, hi sinh, nhưng chính mồ hôi và cả máu của các anh đã góp phần làm nên một biên cương bình yên. “Không ít lần đồng bào Mông, đồng bào Thái của xã chúng tôi đã nắm chặt tay người lính biên phòng để mừng chiến công của các anh, chúng tôi cũng coi họ như người con của bản làng mà. Như ở địa bàn Tam Hợp, sau chiến dịch KT02, BĐBP lại trực tiếp bắt tay xây dựng bản điểm Huồi Sơn, và Huồi Sơn của ngày hôm nay có được thanh bình, ấm no là nhờ công rất lớn của BĐBP”- ông Vi Cảnh Toàn nói.

Ngoài câu chuyện tiễu phỉ, các địa biểu cũng có những phút giây lắng đọng khi xem những thước phim về sự hi sinh của các anh hùng liệt sỹ là bộ đội biên phòng như Và Bá Giải, Phạm Xuân Phong, Nguyễn Cảnh Dần...

Đại tá Lê Như Cương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An trao Huân chương Chiến công Hạng nhất cho Đại úy Nguyễn Đình Tài
 Đại tá Lê Như Cương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An trao Huân chương Chiến công Hạng nhất cho Đại úy Nguyễn Đình Tài

Tại trường quay, những lời chia sẻ của vợ và con trai Đại úy Nguyễn Đình Tài - chiến sỹ bị bắn trọng thương trong một lần bắt tội phạm ma túy cũng khiến nhiều người xúc động. Hiện nay Đại úy Nguyễn Đình Tài vẫn bị liệt bán thân, anh đang nỗ lực tập luyện từng ngày. Cậu con trai nhỏ của anh luôn động viên: “Bố lành chân để chở em đi chơi, đá bóng với  em”… 

Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền - nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An chia sẻ về kế hoạch tiễu phỉ KT02 của bộ đội biên phòng. Ảnh: Hoài Thu
Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền - nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An chia sẻ về kế hoạch tiễu phỉ KT02 của bộ đội biên phòng. Ảnh: Hoài Thu

“Các bản làng biên giới đều có bàn tay chăm lo của bộ đội biên phòng”

Đây là một trong những lời chia sẻ của đại diện chính quyền các địa phương biên giới về sự đóng góp của lực lượng bộ đội biên phòng trong các chương trình công tác. Một trong những thành công được các địa phương ghi nhận đó là công tác tăng cường đảng viên biên phòng về sinh hoạt tạm thời tại chi bộ thôn bản, tăng cường đảng viên biên phòng làm phó bí thư đảng ủy các xã biên giới.

Chia sẻ về nội dung này, ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn khẳng định tầm quan trọng của công tác đưa cán bộ biên phòng về sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản khó khăn, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, xây dựng bản, làng no ấm. “Các bản làng biên giới đều có bàn tay chăm lo của bộ đội biên phòng. Mong rằng thời gian tới BĐBP cũng như các cấp, ngành sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương xây dựng địa bàn biên giới ổn định, phát triển” - ông Vi Hòe nhấn mạnh.

Trên đường tuần tra biên giới.
Trên đường tuần tra biên giới.

Trao đổi tại cuộc giao lưu, Đại tá Lê Như Cương -  Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, thời gian tới, ngoài tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường đảng viên biên phòng về sinh hoạt tại cơ sở thì Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng sẽ triển khai chủ trương phân công cán bộ, chiến sỹ trực tiếp phụ trách các hộ gia đình. Dự kiến sẽ phân công 575 cán bộ, chiến sỹ phụ trách hơn 2.000 gia đình nơi các tuyến biên giới đất liền, ven biển.

Khẳng định vai trò của bộ đội biên phòng trong giúp đỡ chính quyền thôn bản củng cố tổ chức cơ sở đảng, ông Lương Minh Hồng - Già làng bản Mường Piệt, xã Thông Thụ (Quế Phong) cho biết, ông đã suốt đời gắn bó với biên giới, đồng hành với bộ đội biên phòng, đặc biệt là những đảng viên tăng cường cắm bản. Các anh không chỉ giúp dân đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự an ninh biên giới mà còn là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng biên.

Các anh bền bỉ chăm lo cho học sinh nghèo vươn lên học tốt; tặng cây con giống và hướng dẫn cho bà con làm ăn kinh tế; khám chữa bệnh, tuyên truyền các kiến thức pháp luật, văn hóa xã hội cho đồng bào với sự nhiệt tình xông xáo, không ngại khó ngại khổ….

 

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.