'Hành trang' của Cửa Lò và 4 xã huyện Nghi Lộc khi sáp nhập về thành phố Vinh
Thị xã Cửa Lò và 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong (Nghi Lộc) đều có các thế mạnh về kinh tế riêng, là sự bổ sung cần thiết cho thành phố Vinh. Đặc biệt, cả Cửa Lò và 4 xã trên đều đã tự cân đối được ngân sách.
Vùng đất Cửa Lò ngày nay gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của huyện Nghi Lộc. Đến năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 113/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An, gồm 5 phường: Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Tân, Nghi Thủy, Thu Thủy và 2 xã: Nghi Hương, Nghi Thu với tổng diện tích tự nhiên là 29,12 km2.
Ngày 12/3/2009, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 234/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An là đô thị loại III.
Năm 2010, các xã: Nghi Hương và xã Nghi Thu được công nhận thành 2 phường có tên tương ứng theo Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ.
Sau khi thành lập các phường, thị xã Cửa Lò có 7 phường trực thuộc và hoạt động ổn định cho đến ngày nay, gồm: Nghi Hương, Nghi Thu, Nghi Tân, Nghi Thủy, Thu Thủy, Nghi Hải, Nghi Hòa.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 31/12/2023, dân số của thị xã Cửa Lò là 77.813 người, trong đó, dân số thường trú 61.808 người, dân số tạm trú đã quy đổi 16.005 người.
Thị xã Cửa Lò đã được xác định cùng với thành phố Vinh là 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An; trong đó, dịch vụ và du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn.
Thị xã Cửa Lò có bãi biển xanh, sạch, là đô thị du lịch biển có sức hút mạnh mẽ. Tiềm năng Cửa Lò không chỉ là du lịch mà còn là dịch vụ. Du lịch biển là trọng tâm nhưng các hoạt động sản xuất - thương mại - dịch vụ liên quan tới du lịch mới chính là hoạt động mang lại doanh thu và lợi nhuận.
Năm 2023, ngành công nghiệp - xây dựng đạt 6.219,27 tỷ đồng; ngành thương mại - dịch vụ đạt 4.780,68 tỷ đồng; ngành nông - lâm - thủy sản đạt 628,55 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã đạt 1.224,24 tỷ đồng, tổng chi ngân sách đạt 809,78 tỷ đồng.
Xã Nghi Xuân có diện tích tự nhiên là 6,16 km2. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 31/12/2023, xã có tổng dân số là 11.884 người; trong đó, dân số thường trú là 11.252 người; dân số tạm trú quy đổi là 632 người.
Nghi Xuân có lượng lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp tăng mạnh với trên 2.200 người; đồng thời, xã luôn tạo điều kiện, khuyến khích và giữ vững các ngành nghề truyền thống như: hộ rèn, mộc, sản xuất rượu... và phát triển nhiều ngành nghề mới như: hàn xì, sản xuất gạch ba banh, cơ khí, mộc…
Năm 2023, tổng thu ngân sách của xã Nghi Xuân đạt 28,5 tỷ đồng; tổng chi ngân sách đạt 28 tỷ đồng.
Xã Phúc Thọ có diện tích tự nhiên là 6,12 km2. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 31/12/2023, xã có tổng dân số là 10.409 người; trong đó, dân số thường trú là 10.204 người; dân số tạm trú quy đổi là 205 người.
Xã Phúc Thọ có thế mạnh là các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn với các ngành nghề truyền thống như: mộc, xây, sơn, thợ cơ khí. Tổng thu ngân sách năm 2023 của xã Phúc Thọ là 25,5 tỷ đồng; tổng chi ngân sách năm 2023 là 25 tỷ đồng.
Xã Nghi Thái có diện tích tự nhiên là 9,5 km2. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 31/12/2023, xã có tổng dân số là 11.006 người; trong đó, dân số thường trú là 10.738 người; dân số tạm trú quy đổi là 268 người.
Trên địa bàn xã phát triển các ngành nghề truyền thống như: làm mỳ, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng,...; đồng thời, còn có thêm nhiều ngành nghề khác như: hàn xì, may mặc.
Năm 2023, tổng thu ngân sách của xã là 35,2 tỷ đồng; tổng chi ngân sách là 35,2 tỷ đồng.
Xã Nghi Phong có diện tích tự nhiên là 10,34 km2. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 31/12/2023, xã có tổng dân số là 11.831 người; trong đó, dân số thường trú là 10.827 người; dân số tạm trú quy đổi là 1.004 người.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động; có khoảng 45 doanh nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các ngành nghề truyền thống như: xây dựng, cơ khí,... phát triển nhanh; các xưởng mộc; cơ sở khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng... tăng mạnh, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 400 đến 500 lao động.
Phát huy lợi thế vùng phụ cận thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, điều kiện giao thông thuận lợi, người dân đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ. Các loại hình dịch vụ như: vận tải, sửa chữa ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, may mặc, kinh doanh vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, việc làm, xuất khẩu lao động, ăn uống, bán lẻ hàng tạp hóa... phát triển mạnh và đa dạng. Trên địa bàn có khoảng 487 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại.
Năm 2023, tổng thu ngân sách xã Nghi Phong đạt 29,85 tỷ đồng; tổng chi ngân sách đạt 29,85 tỷ đồng.
Thành phố Vinh khi chưa mở rộng có diện tích tự nhiên là 104,99 km2. Theo số liệu thống kê của tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 31/12/2023, quy mô dân số của thành phố Vinh là 457.726 người, trong đó, dân số thường trú 382.371 người và dân số tạm trú đã quy đổi 75.355 người.
Tổng giá trị sản xuất tính theo giá hiện hành năm 2023 đạt 101.685,72 tỷ đồng. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng đạt 47.580,64 tỷ đồng, chiếm 46,79%; ngành thương mại - dịch vụ đạt 53.260,16 tỷ đồng, chiếm 52,38%; ngành nông - lâm - thủy sản đạt 844,92 tỷ đồng, chiếm 0,83%.
Năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 7.879,615 tỷ đồng; tổng chi ngân sách Nhà nước là 4.417,476 tỷ đồng.
Hôm nay, ngày 1/12/2024, Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 có hiệu lực. Toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị xã Cửa Lò và 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong (Nghi Lộc) được nhập vào thành phố Vinh. Sau khi sắp xếp, thành phố Vinh có diện tích tự nhiên là 166,22 km2 và chính thức trở thành đô thị biển. Quy mô dân số của thành phố Vinh vượt nửa triệu người (580.669 người).