Hành trình không chỉ là những điểm đến
Yếu tố tiên quyết để phát huy giá trị di sản là liên kết các điểm đến tạo con đường di sản liền mạch.
Ảnh minh hoạ. |
Di sản nhiều nhưng chưa tạo thành 1 chuỗi
Điểm mạnh của Hành trình Di sản miền Trung đó là sự phong phú về loại hình tài nguyên du lịch. Vừa có di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc, vật thể, phi vật thể như Nhã nhạc Cung đình, Quần thể kiến trúc cung điện lăng tẩm, có phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ sơn vừa có di sản thiên nhiên như Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với những hệ thống hang động nổi tiếng thế giới như Sơn Đòong, Thiên Đường, có bãi biển đẹp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng như Mỹ Khê, Lăng Cô, lại có, Bà Nà để phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm.
Gần đây các hãng lữ hành đưa vào khai thác thêm những điểm đến mới như Vườn quốc gia Bạch Mã, Zipline tắm bùn Hang Chày Sông Tối, Khu du lịch cộng đồng Triêm Tây, Cơ Tu, Khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn, khu mộ Đại tướng võ Nguyên Giáp… khiến cho Hành trình Di sản miền Trung thêm phong phú và nhiều trải nghiệm mới mẻ.
Mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng, nhưng để phát huy được di sản cần phải liên kết một cách chặt chẽ hơn nữa các điểm đến với nhau để thành 1 tuyến, chuỗi sản phẩm từ đó tạo ra hành trình khám phá thú vị với khách du lịch. Do vậy, khó nhất vẫn nằm ở câu chuyện liên kết giữa các địa phương để định hình thương hiệu du lịch cho khu vực Bắc Trung Bộ.
Đánh giá về thực trạng kết nối giữa các điểm đến trong Hành trình Di sản miền Trung, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng các địa phương trong Hành trình Di sản miền Trung hiện nay đang có những chuyển biến rất tích cực. Đã hình thành những cơ chế liên kết vùng và liên kết tiểu vùng: Bắc Trung Bộ hoặc Nam Trung Bộ. Quảng Nam- Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế: 1 hành trình 3 điểm đến. Họ định hướng chung trong việc kết nối các di sản của 3 địa phương này để tạo thành chuỗi, tuyến. Đồng thời xác định, định vị các thị trường trọng tâm trọng điểm để quảng bá xúc tiến. Tiếp đó là tuyến từ Thanh Hóa – đến Phong Nha kẻ Bàng- Quảng Trị.
Còn theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) về liên kết giữa các điểm đến ở cấp độ vùng thì Quảng Bình với Phong Nha Kẻ Bàng-chính là điểm kết nối giữa Bắc và Trung Trung Bộ và chốt đinh này rất hấp dẫn.
Tùy từng tour và mục đích, thời gian của du khách các hãng lữ hành sẽ xây dựng các chương trình tour tuyến phù hợp và thuận tiện nhất cho việc di chuyển và thưởng thức tham quan các di sản, thắng cảnh.
Song, để khai thác hiệu quả nhất thế mạnh di sản, sự liên kết của ba địa phương vẫn còn thiếu nhiều yếu tố cho việc tạo dựng thành công thương hiệu du lịch đúng như ý nghĩa của thông điệp “Hành trình kết nối các di sản”. Trong khi những tỉnh mới tham gia hành trình di sản như Quảng Bình, Thanh Hóa với các địa phương còn lại vẫn đang ở vòng ngoài.
Cần trách nhiệm người đứng đầu cao nhất
Nói về tầm quan trọng của việc liên kết giữa các địa phương, để biến các điểm di sản thành chuỗi sản phẩm du lịch, ông Phan Tiến Dũng phân tích: “Nếu không có sự liên kết, các địa phương đều gặp khó khăn trong phát triển du lịch. Thứ nhất, vì miền Trung còn có những sự chia cắt về giao thông nên nếu không liên kết, việc thu hút khách đến với các vùng di sản, các sản phẩm du lịch sẽ khó khăn hơn. Thứ hai, những doanh nghiệp đầu tư nổi tiếng trên địa bàn này chưa nhiều, tính chuyên nghiệp trong việc làm dịch vụ so với 2 đầu đất nước như Hà Nội và TPHCM còn thua kém. Do vậy, nếu liên kết, mỗi địa phương có nhiều điểm chung song vẫn có thế mạnh riêng sẽ hỗ trợ, bổ sung cho nhau để tạo ra một chuỗi sản phẩm hấp dẫn du khách đến miền Trung”.
Có nhiều lý do khiến liên kết giữa các địa phương trong Hành trình Di sản miền Trung chưa thực sự khăng khít từ khác biệt về thời gian tổ chức kích cầu giữa các địa phương do mùa thấp-cao điểm của những địa phương này không trùng nhau đến “lệch pha” trong đầu tư điểm đến của từng địa phương. Các hoạt động kích cầu thường được tổ chức theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Hiện tại hầu hết địa phương mới chỉ dừng lại ở các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc tạo ra các sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Phương cho rằng vai trò của người đứng đầu địa phương rất quan trọng với sự phát triển du lịch.
“Vấn đề là các tỉnh phải đưa ra chính sách, đưa ra thông tin để kéo lữ hành vào, đẩy mạnh khai thác, cung cấp dịch vụ, đưa ra chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch. Còn việc liên kết, đưa khách tới là việc của lữ hành. Đơn cử như Hà Giang trước đây hoàn toàn là một con số không về du lịch. Nhưng với sự tư vấn hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, Hà Giang đã thay đổi rất nhiều. Lượng du khách tăng nhanh với hoa Tam Giác Mạch, Cao nguyên đá đồng Văn, cột cờ Lũng Cú... Nhưng nếu lãnh đạo Hà Giang không quyết liệt thì làm sao Hà Giang được như ngày hôm nay. Lãnh đạo cao nhất của tỉnh đã cùng đi khảo sát với Tổng cục Du lịch, không có đường chúng tôi còn phải cử xe ủi đến san lấp đường mà đi”, ông Phương chia sẻ.
Trung tuần tháng 9 vừa rồi, Tổng cục Du lịch tổ chức một chuyến Famtrip (khảo sát) các tuyến điểm của 6 tỉnh Bắc Trung bộ dọc Con đường Di sản miền Trung.
Đó cũng là câu chuyện cần phải giải quyết trong kết nối Hành trình Di sản miền Trung bởi mọi ý kiến đóng góp của doanh nghiệp cũng chỉ để xếp vào ngăn kéo nếu không lãnh đạo địa phương không giải quyết. Vì muốn thu hút du khách thì ngoài tuyến điểm hấp dẫn thì đường xá đi lại cần thuận tiện, hành trình cần ngắn lại, di chuyển nhanh hơn, tiện lợi hơn, dịch vụ, hạ tầng (khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí) và giá tour phải giảm xuống. Để có mức giá hấp dẫn để hút khách thì cần có chính sách thu hút đầu tư như hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, mặt bằng sạch…, ông Phương nhấn mạnh.
Ai cũng quảng bá địa phương mình nhiều tiềm năng du lịch, ai cũng nói muốn đẩy mạnh phát triển du lịch nhưng chừng nào lãnh đạo địa phương của 6 tỉnh trong Hành trình Di sản miền Trung chưa ý thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình thì chưa thể có sự liên kết thực sự để tạo thành một chuỗi thành trình thú vị, hấp dẫn như đáng lẽ ra nó phải thế.
Theo Chinhphu.vn
TIN LIÊN QUAN