Kinh tế

‘Hành trình OCOP’ tiếp sức sản phẩm nông nghiệp nông thôn Nghệ An

Hoài Thu (Thực hiện) 19/08/2024 16:20

“Hành trình OCOP” là chương trình được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp cập nhật xu hướng và mô hình bán hàng trong thời đại công nghệ số.

Đại diện doanh nghiệp ở Nghệ An tham gia chương trình này, chị Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thảo dược Hằng Moon chia sẻ cùng phóng viên Báo Nghệ An về chương trình đối với nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp nông thôn trong tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

P.V: Chào chị, được biết chị là đại diện duy nhất ở Nghệ An đăng ký tham gia thành công Chương trình “Hành trình OCOP” lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Chị có thể cho biết cách tiếp cận của doanh nghiệp để được tham gia chương trình này?

Chị Nguyễn Thị Hằng: Trước hết, tôi xin giới thiệu thêm về chương trình. Đây là gameshow truyền hình do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và một số doanh nghiệp lớn trong nước phối hợp tổ chức, quy mô trên toàn quốc. Năm 2024 chương trình này được khởi động mùa đầu tiên, ra mắt vào cuối tháng 6/2024.

hang-moon-b85981bba1bfb85644e6887e5b2f1740(1).png
Ban giám khảo Chương trình “hành trình OCOP” (ảnh trên) và các phần thi của chị Nguyễn Thị Hằng. Ảnh: NVCC

Thông tin từ ban tổ chức, đây vừa là kênh tuyên truyền đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, vừa là hình thức hỗ trợ các sản phẩm nông sản Việt tới gần hơn với người tiêu dùng. Trong đó, chủ chốt là giúp các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP tăng doanh số bán hàng, cập nhật xu hướng và mô hình bán hàng trong thời đại công nghệ số.

Đối với bản thân tôi, may mắn được biết đến thông tin của Chương trình “Hành trình OCOP” thông qua giới thiệu của thầy Đàm Quang Thắng, người mà tôi đã được gặp và được học tại lớp đào tạo dành cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP do Sở Khoa học Công nghệ tổ chức cách đây 2 năm. Thầy Đàm Quang Thắng là cố vấn cao cấp Ban Khởi nghiệp Quốc gia, đồng thời là thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia nhiều năm liền. Ngoài ra, thầy Đàm Quang Thắng còn là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ CEO Hà Nội với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp. Tại chương trình “Hành trình OCOP”, thầy Đàm Quang Thắng là 1 trong 5 vị giám khảo với nhiều gói tài trợ dành cho những sản phẩm OCOP xuất sắc.

P.V: Một chương trình khá bổ ích và mới mẻ đối với những nhà sản xuất sản phẩm OCOP. Khi tham gia,“người chơi” cần đáp ứng tiêu chuẩn gì? Cách thức tham gia như thế nào?

Chị Nguyễn Thị Hằng: Về bản chất, “người chơi” ở đây chính là các sản phẩm được sản xuất, chế biến dựa trên nguyên liệu là nông sản địa phương. Và tiêu chuẩn thì trước hết đó phải là sản phẩm chế biến, sản xuất từ các nguyên liệu là nông sản địa phương, có chất lượng tốt, có tiềm năng khi gia nhập thị trường. Và quan trọng là phải đạt tiêu chuẩn và được công nhận là sản phẩm OCOP địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hàng cùng sản phẩm của công ty đạt giải Nhì của Chương trình Ảnh NVCC
Chị Nguyễn Thị Hằng cùng sản phẩm của công ty đạt giải Nhì của chương trình. Ảnh: NVCC

Khi đủ điều kiện tham gia, đăng ký thành công, người chơi trải qua 3 vòng gồm, vòng thứ nhất giới thiệu lý do mình lựa chọn sản xuất sản phẩm. Vòng thứ hai đối thoại trực tiếp với 5 vị giám khảo để thuyết phục họ tài trợ cho sản phẩm của mình. Vòng cuối cùng là “Chuyến xe OCOP” với hình thức trò chơi đồng đội, vừa xây dựng tiểu phẩm, xử lý tình huống và vừa thông qua đó để giới thiệu rõ hơn về sản phẩm của các thành viên.

Qua các phần chơi, bản thân tôi nhận thấy mình được học hỏi thêm rất nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích. Ví dụ như kỹ năng thuyết trình, xử lý tình huống trong sản xuất và kinh doanh, kỹ năng bán hàng online, xây dựng thương hiệu sản phẩm; cách tiếp cận các hệ thống bán hàng.

P.V: Chị có thể chia sẻ rõ hơn về ấn tượng và những kết quả mà sản phẩm OCOP của mình nhận được thông qua chương trình này?

Chị Nguyễn Thị Hằng: Tôi khá bất ngờ và rất vui mừng vì mình may mắn được tham gia “Hành trình OCOP”. Nội dung gây ấn tượng nhất đối với tôi, và có lẽ là đối với tất cả 19 thành viên đến từ các tỉnh, thành trong cả nước tham gia chương trình này là vòng “Chốt CEO”, còn gọi là vòng gọi vốn. Đây là vòng chơi yêu cầu đại diện doanh nghiệp có sản phẩm OCOP thuyết phục các thành viên ban giám khảo đồng ý tài trợ cho sản phẩm của mình. Mỗi vị ban giám khảo đều là đại diện cho các doanh nghiệp lớn, nhà phân phối, chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Bản sao BNA_2032
Chị Nguyễn Thị Hằng hướng dẫn công nhân thu hoạch tía tô đảm bảo kỹ thuật, chất lượng để sản xuất trà búp tía tô. Ảnh: Hoài Thu

Tôi tham gia chương trình này ngày 12/7 và may mắn được công nhận đạt giải Nhì. Quan trọng hơn, đó là tôi được nhận các gói tài trợ của cả 5 vị ban giám khảo. Nói cách khác, với sản phẩm của mình, tôi đã thuyết phục được 5 vị giám khảo đồng ý tài trợ giúp sản phẩm của tôi phát triển và tham gia sâu hơn vào thị trường trong cả nước thông qua “vòng gọi vốn”.

“Vốn” của chương trình chính là các khóa đào tạo kỹ năng, kiến thức và cơ hội tham gia các kênh tiếp thị, phân phối sản phẩm đến từ các vị giám khảo. Và chính những thành công của vòng gọi vốn, ngày 19/8 tôi được nhận cơ hội ra Thủ đô Hà Nội để xúc tiến các bước tham gia phân phối sản phẩm của mình tại các hệ thống siêu thị trong nước đối với sản phẩm tinh dầu răng miệng và trà búp tía tô của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hằng Moon.

P.V: Chị có thể nói rõ hơn về những lợi ích khi được nhận tài trợ của các thành viên ban giám khảo. Từ đó rút ra bài học gì cho bản thân cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP?

bna_2006.jpg
Thông qua Chương trình “Hành trình OCOP", trà búp tía tô là 1 trong 2 sản phẩm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thảo dược Hằng Moon được tham gia phân phối tại hệ thống các siêu thị lớn trên cả nước. Ảnh: Hoài Thu

Chị Nguyễn Thị Hằng: Các gói tài trợ của ban giám khảo rất cần thiết, bổ ích cho một doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời đại công nghệ số lên ngôi. Các gói tài trợ tôi đã nhận được từ ban giám khảo đó là: Gói tài trợ hàng chục triệu đồng đào tạo kỹ năng tiếp thị bán hàng trên nền tảng TikTok, khóa học xây dựng kênh TikTok, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên nền tảng này. Đối với gói tài trợ này, tôi lựa chọn khóa hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm tinh dầu răng miệng trên nền tảng TikTok.

Tiếp đó khóa học về xây dựng chiến lược phát triển bền vững sản phẩm OCOP. Hiện tôi đã hoàn thành xong khóa học này và bắt đầu thực hiện. Một vị giám khảo thì tài trợ bằng hình thức cho phép sản phẩm của tôi được tham gia vào kênh bán hàng OCOP mà ông đã xây dựng và có thương hiệu, có doanh số bán hàng “khủng” trên phạm vi toàn quốc và nhiều nước trên thế giới. Kênh này chỉ bán các sản phẩm OCOP Việt Nam và chủ yếu bán online. Thêm một gói tài trợ khác tôi nhận được là khóa đào tạo, hỗ trợ chăm sóc kênh bán hàng trên Shopee và TikTok hiện đang trong quá trình thực hiện.

Và cũng thông qua Chương trình “Hành trình OCOP”, những doanh nghiệp được tham gia học hỏi, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng về ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra còn được tạo cơ hội gặp nhiều đối tác kinh doanh, được tiếp cận các hệ thống tiếp thị, phân phối sản phẩm trên cả nước. Đây cũng chính là điều mà những cá nhân, công ty kinh doanh sản phẩm OCOP hiện nay đang rất thiếu và rất cần được hỗ trợ.

bna_2065-d9322b59c61c9e62fbc62deff23e8f4b.jpg
Chị Nguyễn Thị Hằng thực hành các kỹ năng quảng bá sản phẩm, bán hàng online sau khi tham gia chương trình “Hành trình OCOP”. Ảnh: Hoài Thu

P.V: Cảm ơn sự chia sẻ của chị. Chúc chị và công ty sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh!

Mới nhất

x
‘Hành trình OCOP’ tiếp sức sản phẩm nông nghiệp nông thôn Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO