Theo lời giới thiệu của đồng chí Kha Văn Tám – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An, chúng tôi tìm gặp chị Hoàng Thị Ngọc Ánh vào một sáng tháng Năm dịu mát ngay khi chị vừa trở về từ Thủ đô Hà Nội. Vẫn vẹn nguyên sự xúc động, chị chân thành chia sẻ: “Trở thành 1 trong 133 điển hình được gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Phủ Chủ tịch vào ngày 13/5 và được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như “một giấc mơ có thật” đối với một người lao động có thành tích, cống hiến còn nhỏ bé như tôi. Thật quá đỗi bất ngờ và hạnh phúc! Đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là sự động viên, khích lệ tôi tiếp tục phấn đấu, rèn luyện!”.
Trực tiếp trò chuyện và nghe chị trải lòng về hành trình vươn lên từ nữ công nhân bình thường trở thành Chủ nhiệm xưởng may quần áo của một công ty lớn, mới thấy khâm phục ý chí và nghị lực vượt khó của người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé nhưng tràn đầy năng lượng. Là con cả trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, tốt nghiệp THPT, dù rất muốn học đại học nhưng Hoàng Thị Ngọc Ánh phải gác lại ước mơ, xin vào làm công nhân ở một công ty may đóng trên địa bàn thành phố Vinh để hỗ trợ bố mẹ nuôi 3 em gái ăn học. “Mới đầu cũng thấy chạnh lòng, tủi thân vì bạn bè đồng trang lứa học đại học còn mình chỉ là cô thợ may, nhưng rồi tôi tự nhủ làm bất cứ công việc gì, ở vị trí nào đều phải luôn chăm chỉ, nỗ lực. Nếu mình không cố gắng thì em mình phải nghỉ học, nên càng khó khăn càng phải vươn lên. Niềm động viên lớn lao là giờ ba cô em gái (hai người tốt nghiệp cao đẳng, 1 người tốt nghiệp Đại học) đều đã trưởng thành, trong đó có hai em cũng làm việc trong ngành may mặc” – chị Ánh chia sẻ.
Năm 2011, cuộc đời của cô thợ may Hoàng Thị Ngọc Ánh có bước ngoặt mới khi chị xin vào làm ở Công ty TNHH Haivina Kim Liên đóng tại Khu Công nghiệp Nam Giang (Nam Đàn). Nhờ chăm chỉ và thạo việc nên chỉ sau 1 tháng, từ công nhân bình thường Ngọc Ánh đã được cất nhắc lên vị trí Phó dây chuyền, rồi Trưởng dây chuyền sản xuất. Và sau đó 1,5 năm cô được tín nhiệm giao phụ trách quản lý, vận hành 5 dây chuyền sản xuất ở xưởng may quần áo của công ty, mỗi dây chuyền gồm 60 – 70 công nhân.
Trong suốt quá trình công tác, mặc dù 2 con còn nhỏ, chồng mới đầu làm cùng công ty sau đó đi xuất khẩu lao động nước ngoài, gia đình nội ở xa, ba mẹ con ở với ông bà ngoại nhưng Ngọc Ánh luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, gương mẫu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả công việc, bản thân chị luôn tìm tòi, khắc phục cái khó, nâng cao nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng và không ngừng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Trăn trở với suy nghĩ là làm thế nào để các thiết bị vận hành an toàn, chính xác, hiệu quả, lâu dài; đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, Hoàng Thị Ngọc Ánh đã phối hợp cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn rút ngắn thời gian sản xuất mà vẫn đảm bảo chất lượng được công ty công nhận như: Sáng kiến cải thiện công may trên áo, cụ thể là dùng máy lập trình to để may khóa thân trước của áo vừa cải thiện được chất lượng vừa nâng được sản lượng nhiều hơn 20% so với dùng máy một kim; Sáng kiến tách công đoạn may áo và thân áo thành hai công đoạn độc lập, sử dụng hai loại máy phù hợp với chất liệu và sớ vải khác nhau, sau đó mới lắp ghép mang lại sản lượng cao hơn 17% so với cách cũ là gộp chung thành một công đoạn và sử dụng cùng một loại máy, vừa mất nhiều thời gian, vừa không chỉnh được máy theo đặc thù từng loại vải. Hay sáng kiến cải thiện lại sơ đồ chuyền may, thay vì chuyền trưởng là người kiểm soát sản lượng cả dây chuyền sản xuất, nay chia nhỏ công đoạn thành nhiều nhóm, mỗi nhóm cử ra một người kiểm tra rồi báo cáo lại cho chuyền trưởng. Khi áp dụng thực tiễn vừa kích thích được tinh thần tự giác của công nhân vừa giúp người quản lý nắm bắt nhanh hơn vấn đề xảy ra ở từng nhóm…
“Các sáng kiến cải tiến đều xuất phát từ thực tế công việc và tôi chia sẻ với đồng nghiệp cùng bàn bạc, tìm giải pháp tốt nhất để vượt qua khó khăn, trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng thành công vừa có thể nâng cao năng suất lao động, đem lại giá trị tiết kiệm cho công ty, vừa có tác dụng động viên khích lệ công nhân hăng hái lao động sản xuất… Đó cũng là cách để những người lao động như chúng tôi cụ thể hóa việc học tập, làm theo Bác gắn với công việc hằng ngày của mình làm lợi cho công ty, cho người lao động”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Với những nỗ lực của bản thân, trong các năm 2021-2022, Ngọc Ánh đều đạt danh hiệu nhân viên xuất sắc của năm, được công ty tặng Giấy khen vì có nhiều đóng góp trong xây dựng các sáng kiến kinh nghiệm. Nhận xét về Ngọc Ánh, ông Cho Sơng Chun – Giám đốc xưởng quần áo thuộc Công ty TNHH Haivina Kim Liên cho biết: “ Đó là một nhân viên thông minh, mẫn cán, giàu ý tưởng, khi được chỉ dẫn hoặc gợi ý một công việc cụ thể nào đó, cô ấy có thể làm nhiều hơn chúng tôi mong đợi…”.
Không chỉ là tấm gương nỗ lực vượt khó trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, chị Hoàng Thị Ngọc Ánh còn là cán bộ công đoàn năng nổ, nhiệt tình được nhiều người yêu mến. 11 năm là Ủy viên BCH Công đoàn công ty, chị luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua “xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà trong nữ công nhân lao động”; đầu tàu tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động từ thiện nhân đạo do công ty và công đoàn tổ chức.
Đặc biệt là các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ công nhân tai nạn rủi ro, có hoàn cảnh khó khăn. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Phương ở xã Kim Liên, trước đây là công nhân thuộc dây chuyền 9, bản thân ốm yếu, gia đình sống trong ngôi nhà tranh tre nứa lá. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của đồng nghiệp, bên cạnh đề xuất công ty hỗ trợ 80 triệu đồng giúp chị Phương xây nhà, chị Ngọc Ánh và các đồng nghiệp còn hỗ trợ ngày công, động viên chị Phương về mặt tinh thần để vượt khó vươn lên.
Là người phụ trách trực tiếp tại xưởng may nơi chủ yếu là công nhân nữ, lại là cán bộ công đoàn, ngoài việc giúp đỡ, hỗ trợ công nhân trong công việc, Ngọc Ánh cũng thường xuyên quan tâm lắng nghe tâm tư, tình cảm của chị em để nắm bắt và xử lý kịp thời những vấn đề xảy ra. Bởi chỉ cần một người lơ là sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất. Bản thân chị luôn tâm niệm mình cũng đi lên từ vị trí một người thợ nên phải có sự thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ công nhân lúc khó khăn, càng giảm được khoảng cách giữa người quản lý với công nhân thì công việc càng thuận lợi.
Trong câu chuyện với chúng tôi, người phụ nữ nghị lực ấy cũng chia sẻ rằng: Được góp mặt trong buổi gặp thân mật của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các tấm gương tập thể, cá nhân xuất sắc được lựa chọn từ các cấp công đoàn, đại diện cho hàng triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực, vị trí công tác khác nhau tại Phủ Chủ tịch. Bên cạnh đó còn được tham dự Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận số 01 và biểu dương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giúp chị học hỏi, mở mang được nhiều điều.
Đặc biệt khi nghe Chủ tịch nước nhắc đến lời thơ của một nhà thơ Nga: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời, mỗi số phận chứa một phần lịch sử” cùng sự gửi gắm: “Dù ở vị trí nào mà chúng ta có tấm lòng, có trách nhiệm, có khát khao cống hiến, chúng ta đều trở thành người có ích cho đất nước”, Ngọc Ánh hiểu rằng: Học tập Bác không phải là cái gì đó xa vời hay to tát mà ở chính tinh thần trách nhiệm của mình với công việc hàng ngày.
“Tôi thầm hứa khi trở về sẽ vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống và công việc nhiều hơn, xây dựng tình đoàn kết, cộng sự, tương thân, tương ái; nuôi dưỡng tinh thần yêu ngành, yêu nghề; tạo sự lan tỏa cho công nhân trong dây chuyền do mình quản lý để thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, áp dụng sáng kiến kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của giai cấp công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”, chị Ánh bày tỏ.