Ngồi trên chiếc ghế nhỏ bằng gỗ, hai tay cầm cái cuốc và liên tục xới đám cỏ dại giữa vườn rau và vườn cây ăn quả, ít ai nghĩ rằng ông Nguyễn Hồng Yên ở xóm 1, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn là thương binh mất sức 91%. Càng bất ngờ hơn khi biết người đàn ông bị mất đôi chân, chỉ còn 9% sức khỏe ấy từng một mình xây tường rào, cùng vợ chăm sóc đàn lợn hàng chục con và gây dựng cơ nghiệp cho con cái.
Có khách ghé thăm, ông Nguyễn Hồng Yên tạm gác công việc, leo lên chiếc xe lăn rồi vào nhà rót nước, trò chuyện cởi mở và thân mật. “Với mức thương tật này, lẽ ra đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường, nhưng tôi đã vô cùng may mắn khi được trở về, cho dù chỉ còn không đầy 10% sự sống. Được sống là may mắn nên tôi luôn cố gắng làm mọi việc có thể và sẻ chia với những cảnh ngộ khó khăn, xem như là sự tri ân với cuộc đời”, ông Yên mở đầu câu chuyện.
Sinh năm 1960 ở xã Lạng Sơn, từ một làng chài bên dòng sông Lam, 18 tuổi ông Nguyễn Hồng Yên lên đường nhập ngũ, cùng đơn vị chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Đây là những năm tháng gian khổ và ác liệt, hàng ngày đối mặt với quân Pôn Pốt tàn bạo để bảo vệ nhân dân dọc tuyến biên giới và nhân dân Cam Pu Chia.
Năm 1982, trên đường làm nhiệm vụ tuần tra, người lính trẻ Nguyễn Hồng Yên không may vấp phải mìn của Pôn Pốt khiến hai chân đứt lìa, trên người hàng chục vết thương. Ông Yên được đồng đội đưa về tuyến sau cứu chữa, tỷ lệ thương tật được xác định mức 91%, nặng nhất là bị mất hai chân và một vết thương rất sâu ở phổi. Có những lúc cảm nhận được cái chết đã cận kề, chỉ cần chán nản, buông sức là ra đi mãi mãi.
Sau một thời gian dài điều trị, an dưỡng ở các bệnh viện và trại điều dưỡng thương binh, ông Nguyễn Hồng Yên quyết định trở về với gia đình, với người vợ trẻ và con thơ cùng bao khó khăn chồng chất. Những năm 80 của thế kỷ trước luôn gợi nhớ về cảnh thiếu thốn, không ít gia đình rơi vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Với một người chỉ còn 9% sức khỏe, vợ không có nguồn thu nhập ổn định, lại nuôi 3 con nhỏ, có lúc ông Yên tưởng như đã đi đến “bước đường cùng”.
Nhưng với bản lĩnh của một người dạn dày trận mạc, bao lần trải qua gian khổ và hiểm nguy, người lính ấy quyết tâm gượng dậy để tiếp tục trận chiến mới. Ông chia sẻ: “Trở về trong cảnh nhà cửa ngổn ngang, khó khăn chồng chất, không biết bắt đầu “gỡ rối” từ đâu nên có lúc không tránh được nỗi chán nản. Nhưng rồi, nhớ những lần đọc sách báo, luôn khắc ghi lời Bác Hồ từng dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi đã gạt bỏ chán nản và những suy nghĩ tiêu cực để hòa nhập cuộc sống”.
Bắt đầu bằng việc vay vốn chăn nuôi lợn, một công việc thực sự nhọc nhằn, ngay cả với người có cơ thể lành lặn cũng không mấy dễ dàng. Bà Phạm Thị Loan (vợ ông Yên) là người đảm đương công việc chăn nuôi, gần như không mấy khi được ngơi nghỉ. Không đành nhìn vợ vất vả, hàng ngày ông Yên đảm nhận việc nấu cám và tắm cho lợn.
May mắn là việc chăn nuôi khá thuận lợi, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, vợ chồng ông Yên quyết định mở rộng quy mô chuồng trại, trồng thêm cây ăn quả. Mất đi đôi chân nhưng may mắn là đôi tay vẫn lành lặn và khéo léo, một mình ông tự xây bức tường rào bao quanh nhà. Tiến độ có thể chậm nhưng bức tường rào của ông Yên được xem là đảm bảo kỹ thuật, chất lượng không thua kém so với một thợ xây bình thường.
Dành thời gian đọc sách báo, tài liệu kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, ông Nguyễn Hồng Yên ngày càng tích lũy được thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi. Nhờ đó, đàn lợn và đàn gia cầm của gia đình ông phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, mang lại nguồn thu nhập ngày càng cao, giúp gia đình có tích lũy để xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi. Những năm tháng gian truân, vất vả dần trôi qua nhường chỗ cho cuộc sống no ấm, đủ đầy.
Giờ đây, các con đã khôn lớn, trưởng thành và có gia đình riêng, mức trợ cấp thương tật được tăng lên, sức khỏe đã giảm nhiều nên ông Yên và vợ không còn phải làm nhiều như trước. Những ngày nắng ráo, ông lại ra làm cỏ vườn rau, vun gốc cho những cây ăn quả và trông giữ các cháu nhỏ.
Trước đây, mỗi khi cảm thấy khỏe mạnh, ông Yên thường sắp xếp vào các tỉnh vùng biên giới Tây Nam, đến các nghĩa trang liệt sĩ để tìm đồng đội và đã giúp được một số gia đình tìm được mộ người thân. “Dù thương tật đầy mình nhưng được sống để trở về là vô cùng may mắn. Tôi luôn cố gắng sống thật ý nghĩa, xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội và sẵn lòng sẻ chia, giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn như Bác Hồ dạy bảo”, ông Yên bộc bạch.
Có nguồn thu nhập ổn định so với bà con trong vùng, ông Nguyễn Hồng Yên đã dành dụm để sẻ chia với những người gặp hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em nghèo và người già neo đơn. Từ nhiều năm nay, ông Yên được bà con xã Lạng Sơn biết đến là người giàu lòng hảo tâm, dù cơ thể mang đầy thương tật, điều kiện gia đình cũng chưa phải khấm khá nhưng năm học nào cũng có quà hỗ trợ học sinh nghèo.
Hàng năm, vào dịp khai giảng năm học mới, người thương binh Nguyễn Hồng Yên thường dành 10 suất quà tặng 10 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, ông nhận đỡ đầu cháu Lô Viết Anh, một cháu nhỏ mồ côi bố, mẹ không có việc làm ổn định, phải nhờ sự cưu mang của ông bà ngoại.
Mỗi khi bước vào năm học mới, ông Yên dành 1 triệu đồng để sắm sửa sách vở, áo quần. Tết Nguyên đán, Lô Viết Anh được nhận từ người đỡ đầu năm thì quần áo, năm thì một khoản tiền nho nhỏ nhưng chứa đựng biết bao yêu thương. Đó là động lực, tiếp thêm sức mạnh để cậu bé bất hạnh có thêm nghị lực để vượt lên hoàn cảnh, hướng tới cuộc sống tươi đẹp. Ông Yên sẽ tiếp tục hỗ trợ Viết Anh, chỉ dừng lại lúc điều kiện sức khỏe và kinh tế gia đình không còn cho phép…
Vào dịp đón Trung Thu năm nay, ông Yên dành tiền hỗ trợ mua bánh, kẹo tổ chức vui Trung Thu cho các cháu nhỏ thuộc xóm 4 và xóm 5, xã Lạng Sơn. Đây là hai xóm còn gặp nhiều khó khăn, đời sống và nguồn thu nhập của người dân còn hạn chế nên chưa có điều kiện quan tâm đến con em mình. Thương binh Nguyễn Hồng Yên muốn mang thêm niềm vui đến với các cháu nhỏ trong dịp Tết thiếu nhi, qua đó mong muốn các bậc phụ huynh quan tâm đến con em mình nhiều hơn.
Không chỉ hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh nghèo khó và bất hạnh, ông Nguyễn Hồng Yên còn chia sẻ khó khăn với người già neo đơn. Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, người thương binh chỉ còn 9% sức khỏe ấy vẫn bớt một phần chi tiêu để mua quà (gạo, dầu ăn, nước mắm) dành tặng các gia đình có người già cả, neo đơn.
Năm 2009, ông Yên nhận giúp đỡ vợ chồng cụ Phạm Viết Hóa tuổi đã cao, lại nuôi 2 con tật nguyền bằng cách mỗi tháng hỗ trợ 20 nghìn đồng. Gần đây, vợ chồng cụ Hóa được hưởng trợ cấp người cao tuổi, 2 người con tàn tật cũng được hưởng trợ cấp xã hội nên ông Yên xin dừng việc giúp đỡ hàng tháng. Nhưng vào dịp đón Tết, vợ chồng cụ Hóa vẫn nhận được món quà từ người thương binh nặng giàu lòng hảo tâm.