Những ai đã từng học tiếng Trung Quốc sẽ thấy được sự vất vả hơn học những ngoại ngữ khác. Thế nhưng, hai cháu ngoại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hát được dân ca Trung Quốc và đọc thơ Đường bằng tiếng Trung. Điều đó cho thấy, các cháu đã học tập cật lực lắm.
Nhắc lại về sự kiện Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ vào tháng 4/2017. Khi đó, bên cạnh những nghi thức ngoại giao trang trọng, Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã “cử” 2 cháu ngoại là con của Ivanka Trump hát dân ca Trung Quốc (trích đoạn của bài Hoa Nhài) và đọc thơ Đường tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viện nhân chuyến thăm Mỹ. Ông Trump còn chia sẻ lại đoạn video lên mạng xã hội, trang Twitter và nhận được hơn 30.000 yêu thích. Đấy, nước Mỹ to lớn, mạnh như vậy còn có những hoạt động gây ấn tượng trong ngoại giao với Trung Quốc.
Nên nhớ, trước đó, khi tranh cử Tổng thống, ông Trump luôn miệng “chửi Trung Quốc như hát hay” và từng có nhiều hành động hạn chế sự phát triển của Trung Quốc. Nhưng khi tiếp ông Tập Cận Bình đến thăm Mỹ thì chu đáo hết cỡ. Sự việc nêu trên to lớn như vậy mà ít thấy mấy ai “dè bỉu”, chê bai Mỹ?! Thế mà, ngay sau khi Ban Đối ngoại Trung ương Đảng thông báo “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình từ ngày 30/10 đến 02/11/2022”, có nhiều cá nhân, thông qua mạng xã hội “phán như kiểu hiểu biết lắm”, rằng Việt Nam không dám “xoay trục”, “nghiêng bên này, bên nọ”, xây dựng mối quan hệ “thân Trung Quốc”…
Ô hay! “Các vị” phán như thế là không hiểu gì về hoạt động đối ngoại giữa các quốc gia cả. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình là một hoạt động ngoại giao quan trọng nhằm tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và phát triển “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”. Sự kiện Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là chính khách được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời đầu tiên sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX thành công là một tín hiệu tốt lành cho việc tăng cường thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia. Đặc biệt hơn khi hai nước láng giềng Việt Nam – Trung Quốc đang phát triển đất nước theo mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa và đang duy trì ổn định, nâng tầm mối quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.
Nên nhớ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu chính nguyên vật liệu thô và máy móc cho lĩnh vực sản xuất chế biến của Việt Nam. Xét trong khối các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia. Nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá lớn nhất thế giới. Dân số của bạn hơn 1,5 tỷ người, đó là thị trường lớn nhất thế giới mà tất cả các quốc gia muốn ký kết hợp tác, cùng phát triển.
Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên dài gần 1.450km, có nhiều cửa khẩu thông thương. Hai nước cũng tổ chức xuất nhập khẩu chính ngạch thông qua 3 cảng biển thương mại lớn nhất là cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Sài Gòn. Tất cả những yếu tố thuận lợi đó là cơ hội cho Việt Nam tăng cường hợp tác phát triển.
Rõ ràng Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản. Thế nhưng, có những thời điểm, bên họ đóng cửa đường biên do dịch bệnh hoặc những lý do khác là nông sản của ta bị ùn ứ, tắc đầu ra, thậm chí phải đổ vì hư hỏng khi không xuất được. Có nhiều mặt hàng khi đang xuất sang Trung Quốc được thì giá trên trời, nhưng khi “họ” không nhập nữa thì giá “rớt như sung chín cả chùm”.
Tất nhiên, Việt Nam không chỉ xây dựng mối quan hệ ngoại giao và hợp tác phát triển kinh tế với riêng Trung Quốc, mà chúng ta mở rộng hội nhập sâu rộng với thế giới. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả các thành viên ASEAN.
Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Số liệu đó cho thấy, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc là hoạt động ngoại giao quan trọng, giống như đến thăm, làm việc với các nước các trên thế giới. Đúng không quý vị?