Phan Bội Châu – Tầm nhìn vượt thời đại

Phan Bội Châu xuất thân là một nhà nho, nhưng ông không đi theo con đường của các nhà nho truyền thống: đi học, đi thi, gặp thời thì ra làm quan, giúp vua, giúp nước, không gặp thời thì về ở ẩn, giữ mình trong sạch giữa chốn bụi trần. Phan Bội Châu sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Nghệ, nơi đất đai cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt. Đặc điểm tự nhiên này tạo cho người Nghệ Tĩnh tính cách cần cù, tiết kiệm, chịu thương, chịu khó, rất chăm lo việc học hành.

Về lịch sử, xứ Nghệ trong nhiều thế kỷ là miền biên viễn phía Nam của nước Đại Việt. Trong những cuộc xung đột với kẻ thù, người Nghệ luôn là những người lính tiên phong trong chống giặc và mở rộng lãnh thổ. Xứ Nghệ cũng là nơi sản sinh cho đất nước nhiều bậc anh hùng hào kiệt. Nhưng cũng do những đặc điểm của địa – văn hóa này, cũng từ xa xưa, người Nghệ, đặc biệt là các nhà nho bị coi là gàn và bảo thủ. Giáo sư Đặng Thai Mai có nhận xét sâu sắc về tính cách Nghệ: “Can đảm đến sơ suất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, và tằn tiện đến…”cá gỗ!”(1). Giáo sư Phan Ngọc thì cho rằng: “Người Nghệ rạch ròi đến mức khô khan, cực đoan đến mức bảo thủ. Biểu hiện bên ngoài của văn hóa ấy là gàn. Xét về mặt thao tác luận, gàn là theo mô hình trong óc, coi mô hình trong óc hơn thực tế”(2).

Đường vô Xứ Nghệ. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh Hải
Đường vô Xứ Nghệ. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh Hải

Bước vào những năm đầu của thế kỷ XX, trong bối cảnh ngột ngạt của xã hội thuộc địa, Phan Bội Châu đã thể hiện sự vượt thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp, bảo thủ của nhiều nhà nho lúc bấy giờ, hướng ra thế giới bên ngoài để tìm con đường cứu nước mới. Lịch sử đã giao cho ông trọng trách của người tìm đường, lại được gặp gỡ những ngọn gió lớn của thời đại, ông đã thể hiện khát vọng đổi mới mạnh mẽ, dám đứng lên làm cách mạng bằng một con đường khác, cách thức khác. “Nhà nho vốn là nhân vật nông thôn, chỉ thích hợp với chế độ phong kiến phương Đông. Cuộc vận động duy tân, dân chủ hóa của nhà nho là việc trái với bản chất, trái với quy luật của chính nhà nho, không những đòi hỏi ở họ sự cố gắng vượt bậc, mà còn đặt họ trước những khó khăn không thể vượt qua”(3).

Từ một nhà nho, Phan Bội Châu đã trở thành nhà chính trị, “người chí sĩ cách mạng”, lãnh tụ của nhiều tổ chức cách mạng. Cũng như nhiều nhà nho duy tân lúc bấy giờ, Phan Bội Châu nhìn thấy hai vấn đề lớn của dân tộc: Độc lập, chủ quyền dân tộc và canh tân, phát triển xã hội. Nước Nhật cùng màu da vàng, thành công trong cải cách duy tân, lại vừa là người chiến thắng trong chiến tranh Nga – Nhật là nơi ông tìm đến. Con đường “Đông du”, đưa các thanh niên ưu tú sang Nhật học tập rồi trở về cứu nước là con đường mà ông đặt nhiều kỳ vọng. Hàng trăm thanh niên đã vứt bỏ mộng khoa bảng, từ biệt xóm làng, gia đình, quê hương, hăm hở xuất dương sang Nhật, trong đó có nhiều thanh niên xuất sắc quê xứ Nghệ: Hoàng Trọng Mậu, Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Thức Đường, Bùi Chính Lộ…

Ở nước ngoài, Phan Bội Châu tìm cách tiếp xúc với rất nhiều chính khách nổi tiếng, với mục đích tìm chỗ dựa, tìm sự hỗ trợ cho phong trào cách mạng trong nước: Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên, Khuyển Dưỡng Nghị, Thiển Vũ… Và trong hơn 20 năm hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu đã liên tục điều chỉnh, thay đổi đường lối, giải tán, cải tổ nhiều tổ chức do ông sáng lập. Dù ở phương diện này, có người cho rằng, ông đã thiếu đi “những nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc về lý luận cách mạng”, nhưng đồng thời cũng thể hiện là “một người táo bạo, tìm đường không mỏi” (chữ dùng của Trần Đình Hượu) trong sự nghiệp cứu nước của mình.

Một số lưu học sinh của phong trào Đông Du (1905-1908). Ảnh: Tư liệu
Một số lưu học sinh của phong trào Đông Du (1905-1908). Ảnh: Tư liệu

Cách nhìn mới về thời cuộc, về con đường cách mạng và tương lai dân tộc đã tạo nên một sắc thái, một bút pháp khá mới mẻ trong thơ văn Phan Bội Châu những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đây là bài thơ “Du Đại Huệ sơn cảm chiếm” viết năm 1892:

Ngã vị đăng sơn thì,
Chúng sơn dữ ngã tề,
Ngã ký đăng sơn thì,
Ngã thi chúng sơn đê.

Dịch nghĩa:

Khi ta chưa lên núi,
Muôn ngọn núi đều bằng ta.
Lúc ta đã lên núi rồi,
Muôn ngọn núi đều thấp hơn ta.

Bước sang những năm đầu thế kỷ XX, ý chí cứu nước và khát vọng lên đường đã tạo nên những bài thơ mang một tầm vóc mới, vừa quyết liệt, vừa phóng khoáng, lãng mạn, thể hiện rõ rệt trong hai bài “Xuất dương lưu biệt” và “Chơi Xuân”. “Xuất dương lưu biệt” được Phan Bội Châu làm vào một đêm tối cuối năm 1904, khi gia đình, bạn bè và đồng chí tiễn đưa ông lên đường, chuẩn bị ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Câu thơ có nhiều từ ngữ, hình ảnh cũ, nhưng đã thể hiện hình tượng nhân vật trữ tình kiểu mới: Con người tuyên chiến với định mệnh, phủ nhận sách vở thánh hiền, hướng đến những chân trời mới lạ.

Làm trai phải lạ ở trên đời, Há để càn khôn tự chuyển dời. Trong khoảng trăm năm cần có tớ, Sau này muôn thuở, há không ai? Non sông đã chết, sống thêm nhục, Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài, Muốn vượt bể Đông theo cánh gió, Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

(Tôn Quang Phiệt dịch)

Bài thơ thể hiện một ý chí quyết liệt: Non sông đã chết rồi, cuộc sống là thừa: (Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế, Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si). Nhân vật trữ tình thể hiện thái độ phủ định mạnh mẽ những quan niệm lỗi thời, kể cả những sách vở được xem là chân lý thánh hiền. Hai câu thơ cuối: Nguyện trục trường phong đông hải khứ/ Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi, thể hiện một cảm hứng lãng mạn bay bổng. Nhân vật lên đường đặt mình trong tầm vóc vũ trụ, thể hiện mình như một con người khao khát chinh phục không gian, đến với những chân trời mới trong một tư thế chủ động, quyết liệt. Còn “Chơi Xuân” được Phan Bội Châu viết vào khoảng đầu năm 1905, sau khi ông cùng Nguyễn Thành và 20 đồng chí khác thành lập Duy Tân hội ở Quảng Nam và đang chuẩn bị cho kế hoạch Đông du. Ông viết “Chơi Xuân” theo thể hát nói. Bài thơ là một tuyên ngôn về lẽ sống, hành động của nhân vật. Bài thơ cũng thể hiện cái nhìn mới ngược chiều với không khí bi quan của thời đại. Nhân vật trữ tình tuyên bố đầy tự tin, mạnh mẽ:

Sinh thời thế phải xoay nên thời thế, Phùng Xuân hội, may ra ừ cũng dễ, Nắm địa cầu vừa một tý con con, Đạp toang hai cánh càn khôn, Đem Xuân vẽ lại trong non nước nhà…

Khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Khu Lưu niệm Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Khu Lưu niệm Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Xứ Nghệ là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là quê hương của những làn điệu dân ca nổi tiếng như: hát giặm, hát ví, hát phường vải, ca trù. Nhiều giai thoại kể rằng, Phan Bội Châu rất thích hát giặm, hát phường vải. Có thể nói, Phan Bội Châu được nuôi lớn bởi truyền thống đấu tranh bất khuất và dòng sữa thơm ngọt của văn hóa, văn học dân gian quê nhà.

Trên các bước đường cách mạng, Phan Bội Châu luôn ý thức sức mạnh của văn chương, sử dụng văn chương phục vụ sự nghiệp cứu nước của mình. Đương thời, Phan Bội Châu rất tâm đắc hai câu thơ của Viên Mai:

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch,
Lập thân tối hạ thị văn chương.

Thứ văn chương mà ông muốn đoạn tuyệt là văn chương cử tử, sáo rỗng, xa rời cuộc sống. Còn trong thực tế, Phan Bội Châu rất có ý thức, rất nhất quán dùng văn chương để “khua chiêng gõ trống”, làm vũ khí tuyên truyền, thức tỉnh lòng người:

Mõ chuông là cái lưỡi này,
Lôi đình trên ngọn bút này nổi lên.

(Gọi hồn quốc dân)

Bức hình Phan Bội Châu bên Bến Ngự (Huế). Ảnh: Tư liệu
Bức hình Phan Bội Châu bên Bến Ngự (Huế). Ảnh: Tư liệu

Phan Bội Châu đã nhiều lần sử dụng văn chương nhằm thực hiện mục đích chính trị của mình. Khi còn ở trong nước, ông viết “Song Tuất lục” ca tụng phong trào văn thân chống Pháp ở Nghệ Tĩnh. Bài phú “Bái thạch vi huynh” tạo cơ hội cho ông làm quen với giới trí thức Huế, từ đó kết nối với những người đồng chí hướng. Những năm ở nước ngoài, ông càng ý thức đầy đủ hơn về việc dùng văn chương để tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng. Vừa lo công việc của tổ chức, ông vừa viết sách giới thiệu Việt Nam, cách mạng Việt Nam ra bên ngoài: Việt Nam vong quốc sử (1905), Việt Nam quốc sử khảo (1908), viết thư, làm thơ cổ động gửi về nước: Hải ngoại huyết thư, Kính cáo toàn quốc phụ lão văn, Thư gửi Phan Châu Trinh, Ai cáo Nam Kỳ phụ lão thư… Trong thời gian ở Bến Ngự, Phan Bội Châu viết nhiều sách giáo dục lòng yêu nước như “Nam quốc dân tu tri”, “Nữ quốc dân tu tri”, viết nhiều thơ, phú đăng báo, nhất là trên tờ “Tiếng dân”.

Chính bầu nhiệt huyết cứu nước cháy bỏng cùng với ngòi bút tài năng đã tạo nên những câu văn, “câu thơ dậy sóng”, có tác dụng kích động lòng người một cách trực tiếp. Thơ Phan Bội Châu hùng tráng, hào sảng, có khả năng tác động mạnh mẽ đến người đọc, kích động lòng người. Sức tác động ấy mạnh mẽ đến mức có thanh niên mới 15, 16 tuổi là Nguyễn Thức Đường đọc xong “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” đã quên ăn, quên ngủ, chỉ nghĩ chuyện cứu nước, cứu nhà. Hay ông Tán Thuật lừng lẫy một thời, cuối đời ở nước ngoài chán nản, lẩn trốn thế sự trong khói thuốc đèn bàn, nhưng đọc “Việt Nam vong quốc sử” đã khơi lại được bầu nhiệt huyết sôi động trước kia, tiếp tục liên hệ với các đồng chí, tích cực hoạt động cứu nước cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Một số tác phẩm của Phan Bội Châu.
Một số tác phẩm của Phan Bội Châu.

Thơ văn Phan Bội Châu chính là sức mạnh tác động, lan tỏa từ trái tim đến với trái tim. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng, thơ văn Phan Bội Châu là “cả một pho tình cảm phong phú và vĩ đại”. Phan Bội Châu luôn luôn đề cao yếu tố tình cảm, cảm xúc trong tác phẩm, ngay từ nhan đề: Lưu Cầu huyết lệ tân thư (Lá thư mới viết bằng lệ máu từ đảo Lưu Cầu), Ai Việt Nam (Xót thương Việt Nam), Hải ngoại huyết thư (Bức thư viết bằng máu gửi từ nước ngoài về)… Tình cảm được thể hiện trong tác phẩm có lúc hào hùng, tràn đầy nhiệt huyết như trong Chơi Xuân, Xuất dương lưu biệt; có lúc lại đau đớn xót xa: “Hồn cố quốc vẩn vơ vơ vẩn/ Khôn tìm đường dò nhắn hỏi han/ Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn/ Khói tuôn khí uất, sóng cồn trận đau” (Hải ngoại huyết thư); có khi thì mạnh mẽ, quyết liệt: “Hòn máu nóng chất quanh đầy ruột/ Anh em ơi, xin tuốt gươm ra” (Hải ngoại huyết thư); lúc lại ngậm ngùi, cay đắng: “Biết nói cùng ai, cười với bóng/ Ông xanh xanh hỡi thấu chăng ông?” (Tự trào).

Thế nhưng, dù nhiều lần thất bại, Phan Bội Châu vẫn luôn giữ niềm tin vào các thế hệ hậu sinh, vào tương lai của đất nước. Ông khích lệ mọi người: “Còn trời còn đất còn đây đấy /Ai nấy chia nhau gánh một phần” (Tặng thanh niên). Ông động viên, khuyến khích thế hệ trẻ: “Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi/ Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần/ Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn/ Đúc gan sắt mà dời non lấp bể/ Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ” (Bài ca chúc Tết thanh niên). Về hình thức, Phan Bội Châu sáng tác bằng nhiều thể loại: Thơ Đường luật, hát nói, truyện, ký, tự truyện… Ông vận dụng chúng một cách linh hoạt, sáng tạo, miễn là phù hợp với mục đích chính trị của mình. Vì thế, có nhiều tác phẩm thật khó có thể xác định nó thuộc một thể loại nào. “Việt Nam vong quốc sử” vừa mang đặc điểm của bút ký, vừa có màu sắc sử học. “Trùng Quang tâm sử” vừa là lịch sử, vừa là tiểu thuyết luận đề. “Kềnh và Càng” giống truyện ngụ ngôn… Tuy chưa có nhiều cách tân, sáng tạo trong thi pháp, nhưng Phan Bội Châu cũng đã cống hiến cho văn học nước nhà những tác phẩm mang màu sắc hiện đại, góp phần dân tộc hóa và dân chủ hóa một số thể loại văn học.

Nhà của cụ Phan Bội Châu tại Huế (ngôi nhà tranh), nhà thờ (trái) và phòng trưng bày (phải) hình ảnh, hiện vật liên quan đến Phan Bội Châu. Ảnh: Tư liệu
Nhà của cụ Phan Bội Châu tại Huế (ngôi nhà tranh), nhà thờ (trái) và phòng trưng bày (phải) hình ảnh, hiện vật liên quan đến Phan Bội Châu. Ảnh: Tư liệu

Trong tâm thức của người dân Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng, Phan Bội Châu là một nhà nho yêu nước, nhà hoạt động chính trị, nhà tư tưởng, nhà văn. Ông là ngọn đuốc sáng cách mạng khoảng 20 năm đầu của thế kỷ XX, tác giả của nhiều thơ văn có ảnh hưởng sâu rộng đến cả một thế hệ. Ông mãi mãi là tấm gương sáng về nhân cách, bản lĩnh và khí phách của một con người, một dân tộc. Phan Bội Châu tự nhận mình là con người thất bại, không về đến đích, nhưng ông để lại bài học lớn, là tấm gương tuyệt đẹp cho hậu thế. Đó là bài học, tấm gương về lòng yêu nước thiết tha, cháy bỏng, về sự quyết liệt trong hành động, về niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

_____________

(1) Đặng Thai Mai, Văn thơ Phan Bội Châu, NXB Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 37.

(2) Chuyển dẫn từ Ninh Viết Giao, Về văn hóa xứ Nghệ, tập 2, NXB Nghệ An, 1996, tr. 21.

(3) Trần Đình Hượu – Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời (1900-1945), trong sách Văn học Việt Nam (1900-1945), NXB Giáo dục, 1998, tr. 135.