Hệ giá trị văn học nghệ thuật soi rọi, dẫn hướng cả người sáng tạo và tiếp nhận
Hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ là căn cốt, là nguồn sáng soi rọi, dẫn dắt đội ngũ sáng tác, quảng bá và công chúng văn nghệ; là thước đo giá trị đích thực của tác phẩm theo tinh thần tự nguyện, tự do, dân chủ, nhân văn.
LTS: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là những vấn đề rất hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm xây dựng. Việc xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên, khó hơn nữa là việc triển khai thực thi những giá trị đó trong đời sống thực tiễn.
Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" nhằm nhìn lại một năm thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra tháng 11/2021.
Báo VietNamNet giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương về xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam gắn liền với hệ giá trị văn học, nghệ thuật.
Đội ngũ văn nghệ sĩ luôn đóng vai trò quan trọng, có tính quyết định đến sự phát triển của văn học, nghệ thuật, bởi đây là lĩnh vực của sáng tạo, tài năng, trách nhiệm, cống hiến. Nói cách khác, sự hơn thua, thành bại của nền văn học, nghệ thuật đều phụ thuộc vào tài năng, bản lĩnh, trách nhiệm, ý chí đổi mới của đội ngũ này.
Hành trình cùng sự nghiệp đổi mới đất nước, sự đổi mới nền văn nghệ nước nhà, phong cách, cá tính sáng tạo, không gian và điều kiện sáng tạo, quảng bá tác phẩm của các văn nghệ sĩ ngày càng trở đa dạng, phong phú, rộng mở hơn.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. |
Đó là quá trình đổi mới tư duy, nhận thức, cảm hứng sáng tạo, nhất là tư duy nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật, hình thức biểu đạt, giúp các văn nghệ sĩ tìm tòi và định hình hướng đi riêng, được giới chuyên môn và công chúng trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao.
Quan niệm nghệ thuật về con người có những tìm tòi, đổi mới quan trọng, hướng đến khám phá và biểu hiện những vấn đề thế sự, đời tư với góc nhìn đa diện, sâu sắc và nhân văn hơn. Có thể nói, văn nghệ Việt Nam hiện nay vừa có sự kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của thời kỳ chiến tranh, cách mạng hang chục năm trước, vừa tiếp thu và tiếp biến những giá trị, tinh hoa văn hóa nhân loại, từ đó góp phần nhanh chóng đưa văn học, nghệ thuật hòa nhập với tư duy nghệ thuật hiện đại của thế giới.
Trong bước đổi thay chung đáng mừng đó, đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã có những bước chuyển đáng chú ý, đồng hành cùng sáng tạo và thụ hưởng nghệ thuật, đã và đang xuất hiện đội ngũ các cây bút trẻ giàu đam mê, nhiệt huyết, tăng cường kết nối, tiếp cận thông tin, tri thức hiện đại, nhạy bén với cái mới và định hình rõ hơn cá tính sáng tạo. Tất nhiên, đây là lĩnh vực khó, nên chúng ta chưa thể bằng lòng và cần kiên trì đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, cổ vũ họ.
Cùng với những tín hiệu vui đã nêu, cũng xuất hiện những điều cần quan tâm và cả sự lo lắng nữa. Đó là một bộ phận không nhỏ văn nghệ sỹ hiện nay bộc lộ những hạn chế, yếu kém, tụt hậu, có thể gây cản trở cho sự phát triển lành mạnh của văn học, nghệ thuật nước nhà.
Nhiều người trong đó vẫn bằng lòng với cách viết, cách làm cũ; xa rời thực tiễn sôi động, mới mẻ; bút pháp, thi pháp dễ dãi, lạc hậu; chạy theo thị hiếu khá tầm thường của một bộ phận công chúng. Sự bất cập về số lượng, chất lượng, cơ cấu, sự phân bố, đào tạo đội ngũ kế cận,... là những lý do khiến chúng ta chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Tình trạng già hóa đội ngũ, ở cả lực lượng sáng tác, lý luận, phê bình, biểu diễn và sự hẫng hụt của thế hệ tiếp nối tuy đã được nêu ra ở nhiều diễn đàn nhưng chưa được khắc phục một cách thỏa đáng. Thế hệ văn nghệ sĩ trẻ (có người gọi là “thế hệ thứ tư, thứ năm”) tuy được đào tạo bài bản, được giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài nhưng có người thiếu sự chọn lọc trong tiếp thu, chưa xác định đúng mức trách nhiệm công dân, không nắm bắt được dòng mạch chính của văn nghệ nước nhà, dẫn tới việc cho ra đời những tác phẩm thiếu gắn bó sâu sắc với thực tiễn đất nước và mong mỏi chính đáng của công chúng.
Đã có những văn nghệ sĩ né tránh những vấn đề lớn lao của đất nước, những vấn đề cơ bản của đời sống và thiếu sự gắn bó với lý tưởng thẩm mỹ xã hội cao đẹp; chạy theo các đề tài nhỏ mọn, thậm chí tầm thường, dung tục.
Khi văn học, nghệ thuật được giải phóng khỏi “chủ nghĩa đề tài”, thì ở chiều ngược lại, không ít nghệ sĩ lại không xác định đúng thiên chức của mình trước dân tộc, trước thời đại, trước dòng mạch nhân văn của văn học, nghệ thuật; còn hạn chế, thậm chí lệch lạc trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của đời sống hiện thực, chưa cắt nghĩa, lý giải được đầy đủ ý nghĩa, sâu sắc, nhất tính phong phú và phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử của đất nước hiện nay.
Không ít những “nghệ sĩ thị trường” muốn nổi tiếng, muốn “đánh bóng” tên tuổi đã dùng scandal, hành xử thiếu văn hóa ngoài đời và trên không gian mạng, gây bức xúc trong công chúng. Sự thiếu hụt đội ngũ sáng tác, quảng bá, lý luận phê bình chuyên nghiệp, có bản lĩnh và trách nhiệm dẫn đến tình trạng nghiệp dư hóa các lĩnh vực này, làm sai lệch, thậm chí đảo lộn, nhiễu loạn giá trị thẩm mỹ và nhân văn trong đời sống văn học, nghệ thuật.
Vun đắp nền văn nghệ dân tộc, nhân văn, dân chủ
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trau dồi và nâng cao chiều sâu và bản lĩnh văn hóa, vốn sống, vốn hiểu biết, trách nhiệm công dân, trách nhiệm người nghệ sĩ trước đất nước và nhân dân mình.
Tất nhiên, bối cảnh mới sẽ không thể quay trở lại trạng thái “thống nhất” trên một nền tảng mỹ học như trước đây mà sự lựa chọn xu hướng sáng tạo sẽ ngày càng trở nên phong phú, đa dạng.
Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ, bài bản, hiệu quả nhằm tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian tới. Theo chúng tôi, cần quan tâm đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa lý tưởng, khát vọng sáng tạo, cống hiến, cùng các cơ quan văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ xác định một cách đúng đắn, rõ ràng mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Khi nói chuyện trong buổi bế mạc Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (tháng 2/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra yêu cầu: “Già trẻ, gái trai, Nam - Bắc tất cả chúng ta đoàn kết; các ngành văn nghệ đoàn kết; đoàn kết nhằm vào mục đích chung phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chúng ta làm thế thì văn nghệ sĩ nhất định sẽ tiến bộ hơn nữa, đồng thời có lực lượng mà giúp đỡ nhân dân tiến bộ hơn nữa”.
Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ là yêu cầu căn bản để văn nghệ phát triển; đồng thời cơ sở cho sự đoàn kết ấy chính là một lý tưởng, mục tiêu chung chứ không phải chỉ là sự tập hợp, kết nối mang tính hình thức. Trong bối cảnh hiện nay, định hướng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng có ý nghĩa sâu sắc hơn.
Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đây là bước tiến mới trong tư duy lý luận của Đảng qua các kỳ Đại hội đối với nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, việc huy động rộng rãi đội ngũ văn nghệ sĩ để xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới có ý nghĩa quan trọng, là sự cụ thể hóa lý tưởng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, đồng hành cùng dân tộc, tạo động lực cho hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Các giá trị được lựa chọn phải xuất phát từ nền tảng vững vàng của văn hóa, văn nghệ dân tộc, trên cơ sở hiểu biết đầy đủ, thấu đáo các giá trị tốt đẹp của cha ông, từ đó sàng lọc kỹ càng, tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật của thế giới, vun đắp một nền văn nghệ dân tộc, nhân văn, dân chủ, hiện đại gắn bó máu thịt với đất nước, nhân dân, hướng đến những giá trị vĩnh cửu chân - thiện - mỹ.
Hệ giá trị, dòng chủ lưu tư tưởng như thế sẽ là cội rễ, là nguồn sáng soi rọi con đường canh tân, tập hợp và đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ một cách tự nguyện, tự do, dân chủ, thực chất và bền vững.
Thứ hai, cùng với việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, cần triển khai các giải pháp cụ thể nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ chỉ đạo, quản lý về văn hóa, văn nghệ về bản chất, đặc trưng, vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật nói chung, đội ngũ văn nghệ sĩ nói riêng đối với sự phát triển bền vững đất nước.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức công tác tư tưởng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, phối hợp hiệu quả, linh hoạt giữa hình thức thường xuyên và đột xuất, toàn thể và cá biệt trên tinh thần trao đổi, đối thoại thẳng thắn, dân chủ, chân thành, trách nhiệm, vừa chủ động cung cấp thông tin vừa lắng nghe kịp thời, đầy đủ để điều chỉnh, định hướng cho đội ngũ văn nghệ sĩ thực sự đồng hành cùng đất nước trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật, đặc biệt là những tài năng trẻ và ở những lĩnh vực đặc thù.
Thứ sáu, đổi mới và quan tâm hơn nữa đến chế độ, chính sách cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ. Đó là chế độ lương, phụ cấp, các điều kiện hoạt động cần thiết vì nhiều năm nay, lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức.