Hiến kế để du lịch Nghệ An chuyển mình
Để du lịch Nghệ An chuyển mình mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Báo Nghệ An ghi nhận những ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý về vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn Nghệ An

Nghệ An sở hữu tiềm năng du lịch lớn với các bãi biển đẹp, văn hóa truyền thống phong phú và cảnh quan thiên nhiên đa dạng. Tuy nhiên, tỷ trọng du lịch Nghệ An chỉ chiếm 4% tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn. Đây sẽ là thử thách lớn để đạt mục tiêu đến năm 2030 "du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác; đóng góp 9 - 10% vào GRDP của tỉnh" như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Nguyên nhân chính nằm ở việc thiếu các dự án lớn từ nhà đầu tư chiến lược.

Do đó, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh cần xây dựng cơ chế đặc thù như miễn giảm thuế, ưu tiên cấp phép xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp… Đồng thời, việc nâng cấp hạ tầng phải đi đôi với phát triển dịch vụ đi kèm. Ví như tuyến phố đi bộ ở TP. Vinh cần thêm trung tâm mua sắm, khu ẩm thực đêm để giữ chân du khách.
Ông Trần Ngọc Khoan - Giám đốc Điều hành Khách sạn Lam Giang Nghệ An

Năm 2005, Nghệ An từng đăng cai Năm Du lịch Quốc gia, nhưng sau 20 năm, chúng ta vẫn chỉ là điểm dừng chân, chưa giữ được chân du khách, chưa tạo được dấu ấn như Hội An hay Huế. Đây là điều hết sức đáng tiếc, khi mà tỉnh chưa thể khai thác, phát huy giá trị những tiềm năng du lịch sẵn có. Ví như Nghệ An sở hữu kho tàng di sản văn hóa tâm linh phong phú với hàng chục đền, chùa cổ và lễ hội được công nhận di sản quốc gia. Tuy nhiên, du lịch tâm linh tại địa phương vẫn phát triển rời rạc, thiếu chiến lược tổng thể, chưa thực sự là đòn bẩy để phát triển ngành Du lịch nói chung.

Tôi cho rằng, để khai thác tiềm năng du lịch, tỉnh cần tập trung xây dựng các tour chuyên đề đặc sắc, kết hợp tham quan di tích với trải nghiệm lễ hội và sử dụng công nghệ số để giới thiệu di sản tới du khách quốc tế. Nếu làm tốt điều này, du lịch tâm linh hoàn toàn có thể trở thành một ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp lớn cho tổng doanh thu du lịch.
Bà Cao Thị Thanh - Giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Nghệ An

Hiện nay, các sản phẩm du lịch của Nghệ An chưa đủ nổi bật so với các tỉnh lân cận. Tính mùa vụ rõ rệt khiến hoạt động kinh doanh tập trung vào một số thời điểm nhất định trong năm, tạo ra sự thiếu ổn định và khó khăn trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là các hướng dẫn viên quốc tế, đang thiếu hụt nghiêm trọng; việc phải thuê nhân lực từ các tỉnh, thành khác vừa tốn kém, vừa giảm sức cạnh tranh. Ngoài ra, điểm du lịch miền Tây Nghệ An dù hấp dẫn nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách nước ngoài do thủ tục hành chính chưa thuận lợi.

Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các hướng dẫn viên du lịch quốc tế, cần được đặt lên hàng đầu. Nghệ An cần tăng cường đào tạo chuyên sâu, đặc biệt, hướng tới các thị trường khách quan trọng như Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục cấp visa cũng cần được đẩy mạnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách quốc tế đến Nghệ An.
Ông Nguyễn Đức Hiển – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An

"Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điều kiện tiên quyết là Nghệ An cần thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính mạnh để triển khai các dự án lớn, các dịch vụ cao cấp. Cùng với đó, cần đầu tư đồng bộ từ sân bay, hệ thống đường sá, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn cho tới các khu vui chơi, giải trí. Chỉ khi có hạ tầng đủ mạnh, Nghệ An mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng vốn có của mình.

Chỉ khi có một nền tảng hạ tầng đủ mạnh, chúng ta mới có thể khai thác hết tiềm năng sẵn có. Đồng thời, tỉnh cũng cần đẩy mạnh liên kết với các điểm đến trong khu vực, thiết kế các tour liên vùng như tour xuyên Việt hoặc tour xuyên biên giới Việt – Lào qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, phát triển du lịch thể thao và xây dựng thương hiệu du lịch an toàn để giữ chân du khách lâu hơn.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: "Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp từ chính sách đến hành động"

Chúng tôi cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ với mục tiêu cao nhất là đưa du lịch Nghệ An phát triển mạnh mẽ. Sắp tới, Sở sẽ xây dựng nghị quyết về phát triển du lịch để trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành, qua đó, đề ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, nguồn nhân lực.
Công tác truyền thông cũng sẽ được đẩy mạnh thông qua các kế hoạch cụ thể nhằm quảng bá hình ảnh Nghệ An rộng rãi tới du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như tour du thuyền trên sông Lam gắn với khai thác Dân ca ví, giặm; thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái tại các huyện miền Tây Nghệ An.

Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình hoạt động, hình thành "liên minh du lịch", cùng đầu tư vào sản phẩm chung thay vì cạnh tranh đơn lẻ. Các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, dịch vụ du lịch và các điểm du lịch có thu phí cần đưa ra các chính sách ưu đãi về giá dịch vụ đối với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về Nghệ An. Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành cần chủ động xây dựng các tour du lịch liên kết giữa các điểm đến trong tỉnh, giữa Nghệ An với các tỉnh lân cận, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… nhằm kết nối Nghệ An vào chuỗi các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng./.