Hiện thực hóa khát vọng trở thành cực tăng trưởng phía Bắc Nghệ An

Dọc theo con đường thiên lý Bắc – Nam, thị xã Hoàng Mai là điểm giao thoa giữa 2 đô thị lớn nhất của khu vực Bắc Trung Bộ là thành phố Vinh và thành phố Thanh Hóa, cận kề Khu Kinh tế Nghi Sơn – trọng điểm kinh tế quốc gia. Cảnh quan độc đáo, có núi, có rừng, có sông, có biển, TX. Hoàng Mai còn sở hữu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, với 75 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh, gần 80 giá trị di sản phi vật thể được nghiên cứu, quản lý và xếp hạng (trong đó, có 6 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh).

Với lợi thế đặc biệt đó, trong tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo tỉnh đã đề xuất và được Trung ương đồng ý thành lập thị xã Hoàng Mai vào ngày 3/4/2013 theo Nghị quyết số 47/NQ-CP của Chính phủ, trở thành đơn vị hành chính cấp huyện thứ 21 của Nghệ An, mang trong mình sứ mệnh trở thành một cực tăng trưởng của tỉnh trong tầm nhìn liên kết vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ.

Khu công nghiệp Hoàng Mai 1.
Khu công nghiệp Hoàng Mai 1.

Song giữa sứ mệnh và thực tiễn lúc bấy giờ, thị xã trẻ đứng trước bộn bề thách thức của một địa bàn có xuất phát điểm thấp, khi có 2/5 xã nghèo, 1 xã miền núi và chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; kinh tế phụ thuộc vào nông, ngư nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là đường giao thông, trường học, trụ sở làm việc và các công trình thiết yếu khác còn thiếu thốn. Ngay từ thời điểm đó, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và nhằm định hướng kịp thời để thị xã phát triển nhanh và bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11- NQ/TU, ngày 18/9/2014 về xây dựng và phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đây là cơ sở xác lập quan trọng để TX. Hoàng Mai bứt phá, phát triển và thay đổi nhanh diện mạo đô thị như ngày hôm nay.

Quá trình phát triển, thị xã Hoàng Mai luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định 3 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó: Phát triển vùng Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An: Phát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu Kinh tế Đông Nam và Khu Kinh tế Nghi Sơn. Thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, Khu Công nghiệp Đông Hồi. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thị xã Hoàng Mai. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội thị xã Hoàng Mai giai đoạn 2022 – 2025.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thị xã Hoàng Mai khảo sát tại Khu công nghiệp Đông Hồi.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thị xã Hoàng Mai khảo sát tại Khu công nghiệp Đông Hồi.

Cùng với đó, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định của quốc gia thông qua tiếp tục thể hiện sự kỳ vọng rất lớn cho thị xã. Theo đó, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu) được xác định là 1 trong 6 trung tâm đô thị của tỉnh trong định hướng “2 khu vực động lực tăng trưởng, 3 đột phá chiến lược, 4 hành lang kinh tế, 5 lĩnh vực trụ cột phát triển, 6 trung tâm đô thị” của Nghệ An. Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội thị xã Hoàng Mai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, định hướng thị xã Hoàng Mai được hoàn thành là đô thị loại III trước năm 2025, hướng tới hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại II, với chức năng chủ đạo là đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Đến năm 2030, phát triển không gian đô thị Hoàng Mai định hình cấu trúc rõ nét, mang hình ảnh một đô thị xanh – hiện đại – hài hòa đặc trưng của đô thị ven biển.

Toàn cảnh thị xã Hoàng Mai.
Toàn cảnh thị xã Hoàng Mai.

Tròn 10 năm chia tách địa giới hành chính từ huyện Quỳnh Lưu, cùng với sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh, TX. Hoàng Mai; sự tâm huyết, trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo của tỉnh, thị xã; tinh thần đồng thuận, cộng sự của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thị xã Hoàng Mai từng bước trở thành vùng kinh tế trọng điểm, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh.

Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh, bình quân đạt trên 14%/năm. Quy mô kinh tế theo giá trị sản xuất (giá so sánh) năm 2022, đạt 21.699 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với năm 2014, là địa phương có mức tăng quy mô giá trị sản xuất cao nhất, đồng thời, tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm 3 đơn vị cấp huyện có quy mô giá trị sản xuất lớn nhất của cả tỉnh. Giá trị tăng thêm bình quân tăng từ 31,75 triệu đồng/người/năm (năm 2014) tăng lên 74,9 triệu đồng/người/năm (năm 2022). Tỷ lệ hộ nghèo từ mức 7,44% (năm 2014) giảm xuống còn 0,92% (năm 2021), đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,09% theo tiêu chí mới…

Sản xuất ở Nhà máy May Vinatex; Mô hình vườn mẫu của nông dân ở xã Quỳnh Lộc; Khai thác hải sản ở Quỳnh Lập.
Sản xuất ở Nhà máy May Vinatex; Mô hình vườn mẫu của nông dân ở xã Quỳnh Lộc; Khai thác hải sản ở Quỳnh Lập.

Đặc biệt, từ một vùng đất mà nền kinh tế chỉ dựa vào nông, ngư nghiệp, nay TX. Hoàng Mai đang dần trở thành “tọa độ” được các nhà đầu tư trong và ngoài nước chọn làm nơi “rót vốn” đầu tư. Từ năm 2014 đến nay, thị xã có 48 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 19.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đi vào hoạt động ổn định tạo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước và giải quyết việc làm, thu nhập cho nhân dân như: Tôn Hoa Sen, May Vinatex, May thêu Dong-A, Bánh kẹo Hải Châu II, Tổ hợp dịch vụ và khách sạn Mường Thanh, chợ Hoàng Mai,… Trải qua chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, hiện nay TX. Hoàng Mai hiện có 3 khu công nghiệp bao gồm: Khu Công nghiệp Đông Hồi; Khu Công nghiệp Hoàng Mai I, Khu Công nghiệp Hoàng mai II đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư. Riêng Khu Công nghiệp Hoàng Mai I tổng diện tích 264.77 ha… đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, như: Tập đoàn Ju Teng, Tập đoàn Hoa Lợi. Từ một địa bàn có xuất phát điểm thấp, đến cuối năm 2020, thị xã Hoàng Mai chính thức được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, sớm trước 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Một góc trung tâm thị xã Hoàng Mai.
Một góc trung tâm thị xã Hoàng Mai.

Cùng với phát triển kinh tế – xã hội, trong quá trình xây dựng, TX. Hoàng Mai cũng để lại những dấu ấn đậm nét, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội; qua đó, thể hiện sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, kịp thời của Đảng. Từ 16 tổ chức cơ sở Đảng, 3.147 đảng viên, 1 tổ dân phố chưa có chi bộ và 7 thôn, tổ dân phố có nguy cơ không còn chi bộ từ khi thành lập. Đến nay, toàn đảng bộ có 33 tổ chức cơ sở Đảng, trên 4.000 đảng viên, 100% thôn, tổ dân phố có chi bộ.

Cùng đó, công tác tổ chức, cán bộ và xây dựng Đảng được Ban Thường vụ Thị ủy quan tâm, có cách làm khác biệt, sáng tạo trên cơ sở nguyên tắc, Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng. Khi mới thành lập, hệ thống tổ chức thị xã chưa đồng bộ, cán bộ vừa thiếu, vừa thiếu kinh nghiệm công tác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, việc thành lập các tổ chức trong hệ thống chính trị, việc tuyển chọn, sắp xếp, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dần đi vào ổn định.

Thị ủy Hoàng Mai gặp mặt các đảng viên kết nạp dịp kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã.
Thị ủy Hoàng Mai gặp mặt các đảng viên kết nạp dịp kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã.

Nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đảng viên, đặc biệt, ở những địa bàn vùng đặc thù, trong các doanh nghiệp tư nhân; từ đó, công tác phát triển đảng viên hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Thành lập 5 chi bộ ngoài quốc doanh trực thuộc Thị ủy; thành lập Chi bộ Hội Nghề cá đầu tiên trên địa bàn tỉnh với 15 đảng viên là các ngư dân thường xuyên đánh bắt thủy sản xa bờ, chi bộ trở thành lực lượng nòng cốt trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đề án trợ cấp cho đảng viên được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng trở lên không được hưởng các chế độ thường xuyên của Nhà nước được đảng viên ghi nhận. Thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo 71 về giải quyết các vụ việc bức xúc, tồn đọng kéo dài trong nhân dân; lượng hóa để giao việc cụ thể cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở và cán bộ, viên chức… Tất cả góp phần quan trọng xây dựng niềm tin trong nhân dân và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai trao đổi với đảng viên Chi bộ Hội nghề cá.
Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai trao đổi với đảng viên Chi bộ Hội nghề cá.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Quỳnh Thiện.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Quỳnh Thiện.

Những kết quả đã đạt được của thị xã Hoàng Mai trong 10 năm qua là minh chứng cho những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc tích cực và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân thị xã. Kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển với niềm tự hào, phấn khởi trước những thay đổi toàn diện, trên mọi lĩnh vực, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân càng thấy rõ trách nhiệm đối với sự phát triển của thị xã. Chặng đường tới, với tâm huyết, khí thế mới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị xã quyết tâm đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, ý chí khát vọng vươn lên, nắm bắt thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động, sản xuất, tiếp tục tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xây dựng thị xã Hoàng Mai phát triển nhanh và bền vững, hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào cuối năm 2025; khẳng định vị thế quan trọng của mình trong sự phát triển chung của tỉnh Nghệ An.


Ảnh: Hồ Long – Thanh Lê – CTV
Thiết kế – Kỹ thuật: Thục Linh