Hiệp Hòa, lời hứa chưa thành…

Việc xây dựng Nhà bia tưởng niệm những người đã khuất sau vụ tai nạn cống Hiệp Hòa đến với Báo Nghệ An qua lá đơn kiến nghị của ông Nguyễn Bá Bình. Ông Bình nguyên là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, thương binh chống Mỹ, sinh ra trên đất Cát Văn, huyện Thanh Chương nhưng hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong đơn kiến nghị, ông viết:

“Xã Cát Văn là địa phương có nhiều mất mát về người trong vụ sập cống Hiệp Hòa. Thỉnh thoảng về quê, tôi được biết về những nguyện vọng tha thiết của bà con nên đã có đơn, thư kiến nghị, gửi tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Nhận được đơn, thư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có văn bản trả lời, và đã giao các cơ quan chức năng xử lý. Cụ thể như Công văn số 5258 CV/TU ngày 5/6/2018 của Tỉnh ủy; Công văn số 202/ĐĐBQH ngày 7/7/2020 của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Công văn số 5677/UBND-VX ngày 2/8/2018 của UBND tỉnh…

Ông Nguyễn Bá Bình tại khu mộ những người đã mất tại cống Hiệp Hòa được đặt tại nghĩa trang xã Thanh Liên.
Ông Nguyễn Bá Bình tại khu mộ những người đã mất tại cống Hiệp Hòa được đặt tại nghĩa trang xã Thanh Liên.

Tại Công văn 5677/UBND-VX của UBND tỉnh đã khẳng định: “Để ghi nhớ sự kiện này và tưởng niệm những người đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh, ngày 5/6/2018, Tỉnh ủy Nghệ An đã có Công văn số 5258 CV/TU đồng ý chủ trương để Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức lễ cầu siêu và xây dựng bia chứng tích công trình cống Hiệp Hòa”; “Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An tiến hành khảo sát, chuẩn bị các thủ tục theo quy định, triển khai kêu gọi các tập thể, cá nhân chung tay ủng hộ để tiến hành xây dựng bia chứng tích công trình cống Hiệp Hòa, dự kiến hoàn thành trong năm 2019”.

Vậy nhưng đã nhiều thời gian trôi qua, cử tri vẫn chờ mong kết quả, nhưng việc xây dựng bia chứng tích vẫn chưa được thực  hiện. Vì vậy, tôi viết đơn này, với mong muốn nguyện vọng chính đáng của người thân của những người đã khuất, những đồng đội của họ, và cử tri được thực hiện…”.

Khu vực cống Hiệp Hòa, nơi xảy ra vụ tai nạn lao động ngày 3/1/1978.
Khu vực cống Hiệp Hòa, nơi xảy ra vụ tai nạn lao động ngày 3/1/1978.

Kết nối với ông Nguyễn Bá Bình, qua điện thoại được nghe giãi bày rằng cá nhân ông cũng có một người em gái mất tại vụ sập cống Hiệp Hòa ngày 3/1/1978. Thương nhớ em, nhưng ông luôn nghĩ đó là một rủi ro không một ai mong muốn, để chưa một lần quy trách nhiệm cho tập thể, cá nhân nào. Ông nói: “Đó là giai đoạn quê hương đất nước vô cùng khó khăn. Cống Hiệp Hòa bị bom Mỹ đánh phá hư hỏng, việc tu bổ hệ thống thủy lợi để phục vụ phát triển nông nghiệp là cần thiết, cấp bách. Vì vậy, khi sự cố không may đã xảy ra thì không nên trách cứ ai…”. Đồng thời tâm tư, sau khi tai nạn xảy ra, Đảng, Nhà nước các cấp cũng đã quan tâm, chỉ đạo khắc phục hậu quả, đã tặng Bằng ghi công và chế độ chính sách cho những người bị nạn. Hiện nay các thân nhân được nhận 540.000 đồng/tháng/thân nhân một người hy sinh. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nguyện vọng mong chờ được giải quyết, như công nhận Liệt sĩ cho những người đã khuất vì họ hy sinh cho sự nghiệp xây dựng quê hương; xây dựng bia chứng tích tại công trình để vừa tưởng niệm những người đã mất vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau; đồng thời xem xét, có chế độ hỗ trợ cho một số nạn nhân đặc biệt khó khăn do tai nạn này…

Người thương binh chống Mỹ năm nay đã 72 tuổi trầm giọng: “Dù không sống tại quê hương nhưng tôi luôn nhớ về sự kiện năm 1978, vì vậy, đã viết cuốn “Hồi ức Hiệp Hòa”. Thấy rằng, dựng bia chứng tích là việc nên làm, và có điều kiện để làm, nên tôi đã viết đơn kiến nghị. Năm 2018, khi biết Tỉnh ủy đồng ý chủ trương xây dựng bia chứng tích và tổ chức Lễ cầu siêu cho 98 người đã khuất, tôi rất mừng. Lần về thăm quê năm 2021, tôi được đơn vị thi công công trình Bara Đô Lương cho xem thiết kế nhà bia chứng tích thì càng mừng hơn. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay nhà bia vẫn chưa được xây dựng…”.

Bìa cuốn sách “Ký ức Hiệp Hòa”.
Bìa cuốn sách “Ký ức Hiệp Hòa”.

Lần tìm thông tin, vào ngày 5/6/2018, việc xây dựng bia chứng tích cống Hiệp Hòa năm 1978 được Tỉnh ủy đồng ý cho chủ trương tại Công văn số 3257-CV/TU. Nội dung cụ thể như sau: “Xem xét Công văn số 1278-CV/BTGTU ngày 29/5/2018 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tham mưu đề xuất tổ chức lễ cầu siêu và xây dựng bia chứng tích công trình cống Hiệp Hòa năm 1978, Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến: Đồng ý chủ trương để Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ cầu siêu và xây dựng bia chứng tích cống Hiệp Hòa năm 1978 như đề xuất tại Công văn số 1278-CV/BTGTU ngày 29/5/2018 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Thông báo để Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và các đơn vị liên quan biết, thực hiện”. Tối 9/6/2018, Đại lễ cầu siêu 98 người hy sinh ở cống Hiệp Hòa năm 1978 đã được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An và Tỉnh đoàn phối hợp thực hiện. Còn để bia chứng tích cống Hiệp Hòa được xây dựng, tại Văn bản 505/UBND-BTD ngày 26/6/2020, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT nhiệm vụ xem xét, lập dự án thực hiện.

Vào ngày 17/12/2021, Sở NN&PTNT có Văn bản số 4767/SNN-QLXD  xin ý kiến UBND tỉnh về phương án xây dựng hạng mục Bia tưởng niệm cống Hiệp Hòa thuộc gói thầu KC1-Hợp phần 1-Dự án JICA2. Tại đây, Sở NN&PTNT dự kiến xây dựng Bia tưởng niệm cống Hiệp Hòa trên nền đồi thoải, cạnh đường quản lý vận hành kênh chính phía bờ phải, hướng trục chính tựa sơn nhìn về hướng Bắc. Đồng thời đưa ra 2 phương án xây dựng, trong đó phương án 1 xây dựng Khu nhà bia tưởng niệm với tổng diện tích 400m2, dự kiến kinh phí hơn 1,76 tỷ đồng; phương án 2 gồm xây dựng Khu nhà bia tưởng niệm, khu vực phụ trợ cảnh quan và bãi đỗ xe cho khách về dâng hương với tổng diện tích khoảng 3.900m2, dự kiến kinh phí hơn 4,49 tỷ đồng; nguồn vốn lấy từ chi phí hạng mục sửa chữa cống điều tiết Hiệp Hòa thuộc gói thầu KC1.

Công văn số 3257-CV/TU ngày 5/6/2018 của Tỉnh ủy và các văn bản liên quan việc xây dựng bia chứng tích Cống Hiệp Hòa năm 1978.
Công văn số 3257-CV/TU ngày 5/6/2018 của Tỉnh ủy và các văn bản liên quan việc xây dựng bia chứng tích Cống Hiệp Hòa năm 1978.

Xét đề nghị của Sở NN& PTNT, ngày 21/12/2021 UBND tỉnh có ý kiến tại Văn bản số 9957/UBND-NN: “Giao Sở NN&PTNT rà soát, cập nhật tình hình thực hiện của hạng mục nêu trên; cung cấp hồ sơ, tài liệu và làm việc với các Sở, ngành, đơn vị: Xây dựng, VH&TT, Tỉnh đoàn, UBND huyện Đô Lương và các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ thủ tục và triển khai thực hiện hạng mục: Bia tưởng niệm cống Hiệp Hòa thuộc gói thầu KC1 – Hợp phần 1 – Dự án JICA2 đảm bảo kịp thời, đúng quy định hiện hành của Nhà nước và không trái với quy định của nhà Tài trợ; tham mưu UBND tỉnh thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền”.

Chỉ vài ngày sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, các Sở Xây dựng, VH&TT và Tỉnh đoàn đều có văn bản phúc đáp Sở NN&PTNT, trong đó thống nhất lựa chọn phương án 1 và đưa ra một số góp ý để công trình này được đảm bảo an toàn, phù hợp thuần phong mỹ tục, phát huy được cảnh quan không gian, tạo được mỹ quan… Tuy nhiên, đến ngày 21/10/2022, Sở NN&PTNT quyết định tạm dừng việc xây dựng công trình Bia tưởng niệm cống Hiệp Hòa do “chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định” (Văn bản số 3805/SNN-QLXD  ngày 21/10/2022 của Sở NN&PTNT).

Bản vẽ phối cảnh nhà bia chứng tích cống Hiệp Hòa năm 1978.
Bản vẽ phối cảnh nhà bia chứng tích cống Hiệp Hòa năm 1978.

Theo một cán bộ có trách nhiệm của Sở NN&PTNT, cũng trong tháng 10/2022, Sở đã có báo cáo UBND tỉnh về việc dừng thực hiện xây dựng “Bia tưởng niệm cống Hiệp Hòa”. Nguyên do vì việc thực hiện hạng mục này chưa phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và không phù hợp với mục tiêu tổng quát của dự án. Trao đổi với ông về chủ trương của Tỉnh ủy năm 2018, và việc UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT tại Văn bản 505/UBND-BTD ngày 26/6/2020, để hỏi: Sở NN&PTNT có dự kiến gì cho việc xây dựng bia chứng tích cống Hiệp Hòa trong tương lai? Câu trả lời nhận được là sẽ báo cáo, xin ý kiến của lãnh đạo Sở để sau đó trao đổi lại…

Ngày 9/6/2018, Báo Nghệ An có đưa các thông tin về Đại lễ cầu siêu 98 người hy sinh ở cống Hiệp Hòa. Ở lễ cầu siêu, ông Phạm Tuấn Vinh, Bí thư Tỉnh đoàn đã khắc họa lại nỗi đau xé lòng của vụ tai nạn lao động năm 1978; khẳng định “Sự kiện cống Hiệp Hòa để lại cho Đảng bộ, Nhân dân Nghệ Tĩnh và những người thân, gia quyến của những người đã ngã xuống nơi đây nỗi đau day dứt vô bờ bến. Hơn 40 năm đã qua, cống Hiệp Hòa vẫn còn đó, dòng nước mát vẫn ngày đêm cuộn chảy, tưới tắm cho những cánh đồng Đô Lương – Yên Thành – Diễn Châu – Quỳnh Lưu thêm những mùa màng bội thu, đã góp phần tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình an cho quê hương”. Và hứa với anh linh những người đã khuất “sẽ kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân chung tay góp sức, ủng hộ triển khai xây dựng bia chứng tích để tưởng nhớ và ghi danh những con người đã ngã xuống nơi mảnh đất này vào ngày 3/1/1978…”.

Ngôi miếu nhỏ bên đường, cạnh cống Hiệp Hòa.
Ngôi miếu nhỏ bên đường, cạnh cống Hiệp Hòa.

Sau 5 năm, Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Tuấn Vinh đã chuyển công tác, hiện là Bí thư Thị ủy Thái Hòa. Nhưng nhắc đến Đại lễ cầu siêu 98 người hy sinh ở cống Hiệp Hòa, ông vẫn canh cánh trong lòng việc bia chứng tích cống Hiệp Hòa chưa được xây dựng. Ông tâm tư: “Tôi nay đã nhận công tác khác, nhưng luôn mong chờ ngày bia chứng tích cống Hiệp Hòa được xây dựng hoàn thành. Thấy rằng cần phải khởi động, xây dựng bia chứng tích để tưởng niệm, ghi danh những người đã khuất…”.

Cũng trên Báo Nghệ An, ngày 3/1/2021 có bài viết “Hiệp Hòa, nỗi niềm chưa thỏa” của tác giả Anh Đặng. Tác giả là người sống cùng thời kỳ, nên bài viết của ông đầy xúc cảm, dày dặn, nhắc về hào khí của hàng vạn thanh niên nam nữ tham gia lao động xã hội chủ nghĩa tại các công trình đại thủy nông; sự cố đau lòng ngày 3/1/1978 tại cống Hiệp Hòa; và sự cần thiết thực hiện những niềm mong của người thân những người đã khuất, đồng đội và người dân….

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Thanh Chương Đặng Anh Dũng cùng bạn dâng hương tưởng niệm 98 người đã mất tại cống Hiệp Hòa.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Thanh Chương Đặng Anh Dũng cùng bạn dâng hương tưởng niệm 98 người đã mất tại cống Hiệp Hòa.

Anh Đặng là bút danh của nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, ông Đặng Anh Dũng. Hỏi căn nguyên viết bài báo “Hiệp Hòa, nỗi niềm chưa thỏa”, ông Dũng nghẹn ngào: Tôi biết về nguyện vọng của thân nhân những người đã khuất tại công trình Hiệp Hòa năm ấy cũng như cử tri Thanh Chương, đặc biệt là cử tri xã Cát Văn, địa phương có đến 37 người đã khuất trong vụ tai nạn tại cống Hiệp Hòa. Bản thân tôi cũng là người con đất Cát Văn, em gái tôi cũng bị tai nạn ở đó nhưng may mắn được cứu thoát. Bạn bè tôi nơi đây, cũng có một số người đã mất, họ mãi mãi không trở về. Những lần về quê hương tiếp xúc cử tri, hay sau này, tôi được tham gia gặp gỡ hàng năm của những người từng tham gia lao động xã hội chủ nghĩa tại cống Hiệp Hòa, tiếp xúc với rất nhiều người, từ Tổng đội trưởng đến người liên lạc viên… thì quả thật, niềm mong của họ đã thôi thúc tôi phải viết…

* * * * *

Rằm tháng Ba, chúng tôi cùng nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương Đặng Anh Dũng và bạn của ông xuôi về Hòa Sơn, Đô Lương thăm lại cống Hiệp Hòa. Đi trên tuyến quản lý, vượt qua đoạn kênh xuyên núi về đất Yên Thành, thấy nước sông Lam vẫn ngày ngày hiền hòa xuôi chảy để làm nên những mùa vàng bội thu. Trước ngôi miếu nhỏ dựng chênh vênh trên mô đá ven đường, cùng dâng nén tâm hương, ông Đặng Anh Dũng nghèn nghẹn: Bưng bát cơm thơm nhớ ơn người đã khuất. Công lao của các anh chị, xin mãi mãi khắc ghi…

Tuyến kênh dẫn nguồn nước sông Lam xuyên qua cống Hiệp Hòa xuôi về hướng Yên Thành, Diễn Châu.
Tuyến kênh dẫn nguồn nước sông Lam xuyên qua cống Hiệp Hòa xuôi về hướng Yên Thành, Diễn Châu.