Giáo dục

Hiệu quả phong trào sáng chế thiết bị dạy học tại Nghệ An

Thanh Nga 26/08/2024 17:16

Phong trào tự chế tạo thiết bị dạy nghề đã có từ hàng chục năm nay. Điều này vừa đáp ứng được nhu cầu dạy và học, vừa mang lại nguồn tri thức mới cho thầy và trò trong quá trình tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao.

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn

bna_giai-nhat-vh...-1545770310315acee847909f1ba03931.jpg
Thiết bị tự làm của Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc giành giải Nhất tại hội thi. Ảnh: tư liệu của Minh Quân

Thực hành Điện công nghiệp là sản phẩm đạt giải Nhất của Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Nghệ An năm 2024. Đây là sản phẩm được đánh giá cao bởi tính tiện ích và ứng dụng cao trong đào tạo nghề điện lạnh. Nhóm tác giả Bùi Thành Đông, Phạm Trọng Định (giáo viên Trường Trung cấp DTNT Nghệ An) đã lên ý tưởng thiết kế và hoàn thiện sản phẩm trong 6 tháng.

Bộ giải phẫu chẩn đoán thú y tham gia Hội thi
Bộ giải phẫu chẩn đoán thú y đạt giải Nhì Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Nghệ An năm 2024. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thiết bị Thực hành điện công nghiệp ra đời đã giải quyết được rất nhiều khó khăn trong việc thực hành các modul liên quan đến bài học thực hành. Nếu như trước đây học sinh phải mất cả tháng trời để hoàn thiện được 3-4 modul thì nay chỉ cần mất hơn 1 tuần để hoàn thành. Bởi khi ứng dụng thiết bị này học sinh hoàn thiện bài học nhanh hơn, tính hiệu quả vì thế cũng cao hơn. Thầy giáo Bùi Thành Đông cho biết: “Thiết bị Thực hành điện công nghiệp là tích hợp của nhiều thiết bị thực hành khác, nó ra đời vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tiết kiệm được thời gian trong tổ chức đào tạo của nhà trường. Đồng thời, kích thích được trí tò mò của học sinh nên tính hiệu quả đạt được cao hơn rất nhiều”.

Ngoài Thiết bị Thực hành điện công nghiệp đạt giải Nhất, tại hội thi năm nay, Trường DTNT Nghệ An còn có bộ giải phẫu chẩn đoán thú y đạt giải Nhì.

Thiết bị này giúp cho học sinh nhận diện nhanh hơn, rõ hơn bệnh của động vật nuôi và từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Cái hay, cái tiện lợi của bộ giải phẫu này là nó tích hợp với ứng dụng công nghệ 4.0. Nếu như trước đây bộ giải phẫu cũ mà nhà trường nhập khẩu về chỉ giảng được cho nhóm 4 học sinh, thì nay, với sự tích hợp trong bộ thiết bị này, hàng trăm học sinh có thể theo dõi qua camera. Từ đó, hiệu quả của giờ dạy nâng lên, sự tiếp thu của học sinh vì thế cũng đạt hiệu quả cao hơn hẳn. Thầy giáo Hoàng Ngọc Thảo cùng tham gia nhóm tác giả chế tạo thiết bị này cho biết: Thiết bị được hoàn thiện trong 3 năm, góp phần giải quyết được tất cả các khâu ách yếu của những thiết bị cũ như cồng kềnh, mất nhiều công đoạn. Đồng thời, chỉ 1 bộ máy nhưng đã tích hợp được nhiều thiết bị khác nên thuận lợi trong việc di chuyển cũng như rút ngắn được thời gian đào tạo.

Đoàn lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình thiết bị đào tạo tự làm tại Hội thi
Đoàn lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình thiết bị đào tạo tự làm tại hội thi. Ảnh: Tư liệu Minh Quân

Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc là đơn vị có bề dày thành tích trong các hội thi thiết bị đào tạo tự làm. Năm 2024, trường có 14 thiết bị dự thi và đạt 4 giải, 1 Nhất, 1 Nhì, 1 Ba, và 8 Khuyến khích. Hiệu trưởng nhà trường thầy Hồ Văn Đàm cho biết: Phong trào chế tạo thiết bị đào tạo đã được thực hiện từ hơn 10 năm nay, không chỉ là hưởng ứng phong trào từ tổng cục dạy nghề mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

Thiết bị dạy học tự làm, ngoài các chức năng của một loại thiết bị dạy học thông thường, còn chứa đựng những ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa sư phạm sâu sắc. Muốn làm ra một thiết bị, không những thầy và trò phải nghiên cứu kỹ nội dung bài giảng liên quan, mà còn phải hiểu biết sâu về quy trình, về các công năng, về vật liệu... Việc này còn có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, giúp bổ sung một lượng lớn thiết bị hàng năm mà ngân sách Nhà nước chưa đủ điều kiện để đáp ứng.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc Hồ Văn Đàm

"Tất cả các thiết bị đào tạo tự làm của nhà trường có kinh phí chỉ bằng 50% giá trị tài chính của một thiết bị được nhập về, lại còn tích hợp được nhiều tính năng, thực hành cùng lúc được nhiều modul. Hơn 70% linh kiện của thiết bị tự làm được tận dụng lại từ các thiết bị cũ, nhưng qua bàn tay sáng tạo của thầy và trò nhà trường, các thiết bị mới đã có giá trị sử dụng gấp 2-3 lần", thầy Hồ Văn Đàm chia sẻ.

Phát huy tính sáng tạo của thầy và trò

Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH cho biết, những năm gần đây, việc thực hiện phong trào tự làm các thiết bị đào tạo đã thu hút giáo viên, sinh viên, học viên các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia hăng hái; qua đó, vừa khuyến khích tính sáng tạo trong công tác dạy và học, vừa giảm chi phí, vừa sát với yêu cầu đào tạo tại mỗi đơn vị. Thông qua phong trào này, các giảng viên, sinh viên, học viên có cơ hội phát huy trí tuệ, sức sáng tạo trong việc thiết kế thiết bị đào tạo tự làm, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, sáng chế và áp dụng vào quá trình dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Các thiết bị tự làm có cấu tạo, thiết kế từ đơn giản đến ứng dụng kỹ thuật hiện đại, lập trình phức tạp được đưa vào giảng dạy, đem lại nhiều điểm ưu việt tập trung ở các nghề như điện, điện tử, công nghệ hàn, công nghệ ô tô, chăn nuôi, thú y…

Mô hình Bộ giải phẫu chẩn đoán thú y 2
Mô hình Bộ giải phẫu chẩn đoán thú y của Trường Trung cấp DTNT Nghệ An. Ảnh: NTCC

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm năm nay có sự vượt trội về số lượng và chất lượng. Phần lớn các thiết bị dự thi đã đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo, modul đào tạo, quy định về chuẩn đầu ra và được áp dụng hiệu quả trong quá trình giảng dạy, phù hợp với điều kiện thực tiễn và ứng dụng các công nghệ hiện đại như: công nghệ Internet vạn vật, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn...

Bà Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Một số thiết bị sử dụng các vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy giáo, cô giáo đã ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các tác giả, nhóm tác giả đã sáng chế ra các thiết bị xuất sắc, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo và khả năng ứng dụng của thiết bị vào quá trình đào tạo, như: thiết bị bàn thực hành điện công nghiệp của Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An; mô hình tủ lạnh dàn trải của Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc; thiết bị cabin hàn thông minh của Trường Cao đẳng Việt - Đức; thiết bị là đa năng của Trường Trung cấp Kinh tế công nghiệp - thủ công nghiệp Nghệ An. Qua cuộc thi này, tỉnh Nghệ An đã lựa chọn 16 thiết bị dự kiến tham gia Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 8, năm 2025 tại TP. Hải Phòng.

Mới nhất
x
x
Hiệu quả phong trào sáng chế thiết bị dạy học tại Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO