Chia sẻ của những giáo viên dạy nghề tiêu biểu ở Nghệ An

Minh Quân 18/11/2023 08:37

(Baonghean.vn) - Để trở thành giáo viên dạy nghề giỏi, không những phải có kỹ năng sư phạm tốt, vững về chuyên môn mà còn phải liên tục cập nhật cải tiến kỹ thuật, thành thạo các kỹ năng thực hành như những công nhân thực thụ. Đó là chia sẻ của một số giáo viên dạy nghề mà chúng tôi đã gặp.

Trải nghiệm sản xuất để thành thạo kỹ năng thực hành

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi có dịp tham gia tiết dạy của thầy Đặng Khắc Hùng (SN 1973) – giáo viên Khoa Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.

bna_đặng khắc hùng 3.jpg
Thầy Đặng Khắc Hùng - giáo viên Khoa Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc truyền đạt lý thuyết cho sinh viên. Ảnh: Minh Quân

Tiết học diễn ra trong một lớp có khoảng hơn 30 sinh viên, tại một phòng học rộng rãi, với các thiết bị dạy học quen thuộc như bảng đen, phấn trắng, máy tính xách tay, máy chiếu, bảng trình chiếu. Chỉ khác là xung quanh các dãy bàn học có rất nhiều mô hình, thiết bị thực hành, như bộ thực hành khí cụ điện, mô hình lắp đấu dây vận hành máy, mô hình thí nghiệm đường dây truyền tải, các mô hình điều khiển động cơ 1 pha, 3 pha…

bna_đặng khắc hùng 1.jpg
Thầy Đặng Khắc Hùng và các sinh viên Khoa Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Ảnh: Minh Quân

Sau hơn 15 phút truyền đạt lý thuyết, tiết học diễn ra hào hứng hơn khi thầy Hùng hướng dẫn các sinh viên thực hành trên các mô hình.

“Đặc thù của dạy nghề là 70% dạy thực hành, 30% dạy lý thuyết. Nếu như trước đây, giáo viên dạy nghề dạy lý thuyết ở một phòng học riêng, dạy thực hành trong một phòng học riêng, thì trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc dạy học tích hợp trong dạy nghề ngày càng được chú trọng; học viên vừa được học lý thuyết, vừa được bắt tay ngay vào thực hành. Do đó, giáo viên phải có những kỹ năng đặc thù trong dạy thực hành nghề nghiệp trong môi trường xưởng và trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, có tác phong công nghiệp”, thầy Hùng chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã ven đô Hưng Hòa (thành phố Vinh), tốt nghiệp THPT năm 1991, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thầy Đặng Khắc Hùng không chọn theo học đại học mà học nghề lái máy công trình, sau đó làm nghề này tại một công ty ở tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, ước mơ được trở thành sinh viên đại học của một ngành kỹ thuật luôn cháy bỏng, nên năm 1998, sau khi tích lũy được một số tiền, anh quyết định về quê ôn thi đại học. Năm 1999, anh thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vinh (nay là Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh), chuyên ngành Điện công nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 2002, biết được thông tin Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tuyển dụng giáo viên, anh làm đơn đăng ký thi tuyển và trúng tuyển, trở thành giáo viên của trường từ đó đến nay.

Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp đào tạo nghề, bằng sự cần cù, ham học hỏi và tâm huyết với sự nghiệp trồng người, thầy Đặng Khắc Hùng đã trở thành một trong những giáo viên xuất sắc của Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Thầy đã giành nhiều giải cao trong các kỳ hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, các hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Gần đây nhất, vào tháng 10, tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2023, thầy Hùng đã giành giải Nhất với bài giảng “Xây dựng sơ đồ dây quấn động cơ không đồng bộ 3 pha kiểu đồng khuôn 1 lớp”.

Điện công nghiệp là ngành đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong cuộc sống hiện nay từ kinh doanh, sản xuất cho đến sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, các thiết bị điện ngày càng có sự cải tiến hiện đại hơn, tinh vi hơn, đặc biệt chú trọng tự động hóa. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, một giáo viên ngành Điện công nghiệp phải luôn có ý thức học hỏi nâng cao trình độ và phải trải nghiệm thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, phải tham gia các hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học; thường xuyên tham gia xây dựng làm mô hình, học cụ phục vụ tốt cho công tác dạy và học...

THẦY GIÁO Đặng Khắc Hùng

Đồng hành, gắn bó với sinh viên

Rời tiết học của thầy Đặng Khắc Hùng, chúng tôi tiếp tục đến xem tiết dạy của thầy Lê Hồng Minh – giáo viên Khoa Công nghệ ô tô. Khác với phòng học nơi thầy Hùng dạy trước đó, phòng học nơi diễn ra tiết học của thầy Minh được bố trí ngược lại, với hệ thống mô hình động cơ ô tô ở giữa, xung quanh là các dãy bàn ghế. Ở tiết dạy này, thầy Minh hướng dẫn các học viên tìm lỗi động cơ xe ô tô bằng thiết bị chẩn đoán.

bna_lê hồng minh 1.jpg
Thầy Lê Hồng Minh - giáo viên Khoa Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hướng dẫn sinh viên thực hành trên mô hình động cơ ô tô. Ảnh: Minh Quân

“Với nghề công nghệ ô tô, có rất nhiều hãng xe, với nhiều loại xe khác nhau, hàng năm đều ra các model mới với các hệ thống điều khiển phức tạp, sự ra đời và ngày càng phổ biến của xe điện. Do đó, để đào tạo ra những người thợ có khả năng vận hành và sửa chữa các xe hiện đại đó, trước hết người giáo viên phải tự nghiên cứu, học tập làm chủ công nghệ và tham gia sửa chữa thực tế. Từ đó có kiến thức và kỹ năng truyền đạt cho người học”, vừa hướng dẫn học viên, thầy Minh vừa chia sẻ.

bna_lê hồng minh 2.jpg
Thầy Lê Hồng Minh hướng dẫn sử dụng thiết bị chẩn đoán để tìm lỗi động cơ xe ô tô. Ảnh: Minh Quân

Sinh năm 1981, tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, một cơ duyên đặc biệt đã đưa thầy Lê Hồng Minh gắn bó với sự nghiệp dạy nghề ở mảnh đất xứ Nghệ. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Động cơ đốt trong, Lê Hồng Minh tình cờ gặp thầy Nguyễn Duy Nam – lúc đó là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc khi thầy đi công tác Hà Nội.

“Qua trò chuyện, thầy hỏi mình “có muốn vào Nghệ An làm giáo viên không?”. Mình xin thầy cho mình vào tham quan trường và thấy đây là môi trường phù hợp để mình công tác lâu dài. Thế là mình quyết định gắn bó với ngôi trường từ đó. Sau đó, mình nên duyên với một nữ nhân viên Trường Tiểu học, quê ở huyện Nam Đàn và xem Nghệ An như là quê hương thứ hai của mình”, thầy Minh tâm sự.

Gần 20 năm gắn bó với Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, ngoài năng lực giảng dạy, thầy Lê Hồng Minh còn là một trong những giáo viên chuyên hướng dẫn học sinh tham gia các kỳ thi tay nghề cấp tỉnh và quốc gia, từng được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An về hướng dẫn sinh viên đạt giải trong kỳ thi Kỹ năng nghề cấp tỉnh và Quốc gia các năm 2017, 2020.

bna_trao bằng khen kỹ năng nghề quốc gia.jpg
Thầy Lê Hồng Minh (thứ hai từ trái sang) nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh vì có thành tích hướng dẫn sinh viên giành thành tích cao tại Kỳ thi Kỹ năng nghề tỉnh Nghệ An năm 2023 Ảnh: Minh Quân

Gần đây nhất, tháng 9/2023, thầy Minh được tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh vì có thành tích hướng dẫn sinh viên Nguyễn Văn Duy giành giải Nhất tại kỳ thi Kỹ năng nghề tỉnh Nghệ An năm 2023.

Nhưng theo thầy Minh, trong sự nghiệp dạy nghề, những kỷ niệm sâu sắc nhất đối với thầy lại là những lần đưa sinh viên đi thực tập.

“Một trong những kỷ niệm như vậy là lần đưa sinh viên đi thực tập thực tế sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh năm 2009, trong một công ty liên doanh với yêu cầu kỷ luật lao động cao. Lượng sinh viên tham gia khá đông, trong khi công ty không có ký túc xá, do đó, sinh viên phải ở các phòng trọ bên ngoài cách công ty 2-3 km, khi đi làm phải đi bộ. Lúc đầu các em chưa quen thời gian và môi trường làm việc nên một số em còn đi muộn, nghỉ làm. Trước thực tế đó, dù được bố trí ở trong công ty nhưng tôi đã ra ngoài ở trọ để đồng hành, động viên các em chăm chỉ thực tập và chấp hành tốt nội quy của công ty. Chính vì thế, đợt thực tập đã thành công tốt đẹp, được công ty đánh giá cao", thầy Minh kể.

Theo đánh giá của Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, thầy Đặng Khắc Hùng và thầy Lê Hồng Minh là những giáo viên dạy nghề tiêu biểu xuất sắc của trường nhiều năm qua. Hai thầy nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành. Thế nhưng, món quà ý nghĩa đối với thầy Hùng, thầy Minh chính là “nhìn thấy học trò của mình có việc làm ổn định, thành công trên con đường học nghề” và đặc biệt là “học nghề ngày càng được nhìn nhận tích cực hơn và trở nên thịnh hành trong đời sống xã hội”.

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 30/6/2023, tổng số giáo viên dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh là 2.260 người (trong đó, trong biên chế là 783 người, hợp đồng 1.477 người), công tác tại 52 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm: 9 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 10 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề nghiệp).

Mới nhất
x
Chia sẻ của những giáo viên dạy nghề tiêu biểu ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO