Xã hội

Kỳ 2: ‘Khoảng trống’ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất

Thanh Nga – Mỹ Hà 26/08/2024 08:58

Trong các hạn chế, bất cập do nhiều yếu tố khách quan như đã đề cập (ở bài 1 chuyên đề này - P.V), thì việc thiếu giáo viên dạy nghề, hoặc cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học là một thực tế ở các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Nghệ An nói riêng.

sapnhaptruongnghe-b2-cover.png
sapnhaptruongnghe-b2-sapo.png

Thanh Nga Mỹ Hà • 26/08/2024

sapnhaptruongnghe-b2-tit1.png

Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật huyện Nghi Lộc trước đây từng được kỳ vọng là đơn vị giáo dục nghề nghiệp vùng cửa ngõ TP. Vinh với các ngành nghề đáp ứng được nhu cầu học sinh, người lao động trên địa bàn và vùng phụ cận. Có những thời điểm trường thu hút tới 400 - 500 lượt học sinh theo các ngành nghề may, hàn, điện, điện lạnh, cơ khí…

Thế nhưng, trong những năm gần đây việc tuyển sinh đứng trước nhiều khó khăn, một phần vì quan điểm của nhiều phụ huynh, học sinh không muốn cho con học nghề, phần nữa vì điều kiện dạy học của trường còn nhiều khó khăn. Chia sẻ về điều này, thầy giáo Lương Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật huyện Nghi Lộc trăn trở: "Trường chúng tôi có 1 lớp may, 1 lớp điện, 1 lớp điện lạnh, 1 lớp hàn, là những ngành nghề đòi hỏi phải có đủ yêu cầu cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy và trò nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có lớp may là đáp ứng được nhu cầu cơ sở vật chất trên đầu người học, nghĩa là 1 máy/1 học sinh, phòng học đủ thoáng mát, rộng rãi, máy may công nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, với lớp hàn và lớp điện nhà trường đang phải sử dụng lại cơ sở vật chất từ nhiều năm trước, chưa có máy hàn chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế".

Lớp học hàn tại Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Nghi Lộc. Ảnh: NTCC
Lớp học hàn tại Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Nghi Lộc. Ảnh: NTCC
sapnhaptruongnghe-b2-box2.png

Chia sẻ về điều này, thầy giáo Lương Anh Tuấn nói thêm: Bây giờ đi hướng nghiệp thu hút học sinh, các em toàn đặt câu hỏi “vào học trường thầy có đi xuất khẩu lao động được không, lương bao nhiêu, đi ở ngành nghề nào”. Nói thế để thấy việc đào tạo nghề hiện nay không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà còn phải vươn ra thế giới, quan tâm đến chất lượng tay nghề đầu ra. Học sinh cần được trang bị tay nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng rất muốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhưng ngân sách cấp mấy năm qua rất hạn hữu, không đủ để mua sắm mới.

Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật thành phố Vinh cũng là một trong những ngôi trường năng động trong công tác tuyển sinh. Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, việc thu hút học viên theo học ngày một khó khăn và 2 năm gần đây số lượng mỗi năm chỉ khoảng 300 em (thấp nhất trong vài năm trở lại đây).

Tiết học văn hóa của Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Vinh
Tiết học văn hóa của Trường Trung cấp kinh tế- kỹ thuật Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Để khắc phục vào điểm thiếu hụt này, thời gian qua trường đã động viên giáo viên viết các sáng kiến kinh nghiệm trong nâng cấp và hoàn thiện các thiết bị dạy nghề như trang cấp thêm các tính năng thông minh phục vụ cho nghề điện, điện tử; cải tạo các thiết bị cũ thành dàn phơi thông minh, và các thiết bị này từng đạt các giải cao trong các cuộc thi thiết bị dạy nghề cấp tỉnh. Tuy nhiên, nếu nói là đáp ứng được nhu cầu tay nghề chất lượng cao thì chưa thể. Gần nhất cách đây 3 năm nhà trường được cấp kinh phí mua 1 máy ép kính, máy may. Và từ đó đến nay nhà trường không được đề xuất mua sắm hoặc nâng cấp cơ sở vật chất, thầy giáo Nguyễn Huy Lương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Vinh cho biết.

Qua kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An mới đây cũng cho thấy, những năm qua, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, chưa đồng bộ, chưa hợp lý. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đào tạo ngành nghề trọng điểm, trường chuyên biệt đào tạo cho lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

bna _ Giờ học thực hành nghề sửa chữa ô tô
Giờ học thực hành nghề sửa chữa ô tô tại Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Bên cạnh đó, công tác đầu tư đang chú trọng đầu tư xây dựng phòng học mà chưa chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy học bên trong. Một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp kéo dài nhiều năm dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất chưa được bàn giao sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí trong đầu tư. Cá biệt như Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Bắc Nghệ An được đầu tư hơn 10 năm, với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, số phòng học thực hành, xưởng thực hành, thiết bị dạy nghề còn thiếu, nhiều thiết bị lạc hậu, cũ kỹ, không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể như Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật miền Tây được đầu tư xây dựng tòa nhà học lý thuyết 5 tầng không sử dụng hết công suất, trong khi đó lại thiếu nhà xưởng thực hành.

Khu nhà thực hành của Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Tây Bắc
Khu nhà thực hành của Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Tây Bắc. Ảnh: Mỹ Hà

Hay như Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Vinh, trong giai đoạn 2015 - 2020, nhà trường được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo với số tiền 5,9 tỷ đồng; trong đó, riêng xây dựng cơ sở vật chất là 5,2 tỷ đồng, nhưng đầu tư mua sắm thiết bị chỉ có 700 triệu đồng và chỉ đảm bảo mua sắm thiết bị cho một số nghề với kinh phí thấp như: Sửa chữa điện thoại di động, tin học, điện tử.

sapnhaptruongnghe-b2-tit2.png

Khủng hoảng về giáo viên dạy nghề cũng là vấn đề nan giải của các trường nghề hiện nay và điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo của nhà trường. Tại Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An, thầy giáo Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mỗi năm, trường chúng tôi đào tạo trung cấp, sơ cấp nghề cho 700 - 900 học sinh. Tuy nhiên, hiện nhà trường chỉ có 30 giáo viên, trong đó, có 18 giáo viên trong biên chế, 12 giáo viên hợp đồng, còn thiếu 40 giáo viên so với nhu cầu thực tế”.

Giờ học may tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An.
Giờ học may tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Thầy giáo Lê Anh Tuấn cho biết thêm: Việc thiếu giáo viên tập trung chủ yếu ở các nghề “hot” hiện nay như: May thời trang, hàn, thú y, điện dân dụng. Trong khi đó, việc tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên với một địa bàn xa trung tâm như huyện Con Cuông gặp nhiều khó khăn. Cách đây mấy năm giáo viên trong diện hợp đồng của nhà trường khi đưa học sinh đi thực tập tại một công ty ở tỉnh Bắc Ninh và kết thúc đợt thực tập, cả 2 giáo viên đều xin nghỉ việc vì công ty sở tại thu hút vào làm với mức lương cao gấp 3-4 lần mức lương được hưởng tại trường. Nhà trường đã cố công thuyết phục và đưa ra một vài chính sách đãi ngộ nhưng các giáo viên này vẫn “dứt áo ra đi”. Trên thực tế việc này cũng dễ hiểu vì mức thu nhập ở trường nghề vẫn còn thấp, trong khi nhà trường chưa nhận được chủ trương biên chế giáo viên hợp đồng lâu năm.

Nói về vấn đề thiếu giáo viên, thầy Trần Trung Thuận - Phó Hiệu trưởng phụ trách điều hành Trường Trung cấp kỹ thuật huyện Yên Thành chia sẻ câu chuyện của thầy giáo Trần Văn Thọ (kỹ sư cơ khí) của nhà trường đã hợp đồng hơn 10 năm nhưng chưa được vào biên chế. Đáng nói, với quy mô hơn 700 học sinh như hiện nay, theo quy định nhà trường phải có 35 giáo viên mới đủ để đứng lớp, nhưng hiện nay biên chế của trường chỉ có 16 người. Gần 20 giáo viên còn lại đang là hợp đồng thính giảng hoặc là đã hợp đồng rất nhiều năm nhưng không có cơ hội để được tuyển dụng.

Đào tạo nghề may trường trung cấp Kxy thuật Yên Thành Ảnh Thanh Nga
Giáo viên nghề may hướng dẫn học sinh tại Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành. Ảnh: Thanh Nga

Thầy Trần Trung Thuận – Phó Hiệu trưởng phụ trách điều hành Trường Trung cấp kỹ thuật huyện Yên Thành nói: "Tôi rất hiểu tâm tư của những giáo viên hợp đồng, bởi thu nhập, quyền lợi họ đều thiệt thòi hơn giáo viên biên chế. Giáo viên hợp đồng dù họ có rất nhiều cơ hội để đến làm các doanh nghiệp với thu nhập cao và ổn định, nhưng một phần vì gắn bó với công việc đã lâu, một phần vì hoàn cảnh gia đình nên họ mới ở lại. Còn đối với giáo viên trẻ thì không thể thu hút được. Năm nay, trường chúng tôi có 4 học sinh vừa đạt học sinh giỏi tỉnh, nhà trường vận động các em ở lại đào tạo bồi dưỡng để các em phát triển thành giáo viên nhưng không ai mặn mà, bởi thu nhập ở trường chúng tôi chỉ vài triệu đồng. Trong khi đó, mới ra trường, doanh nghiệp đã đến tận nơi tuyển dụng trả từ 9 – 10 triệu đồng/tháng. Còn năm ngoái, trường chúng tôi được bổ sung 1 biên chế ngành Du lịch từ Vinh về. Thế nhưng, chỉ về trường được 1 - 2 ngày là xin chuyển công tác vì trường chúng tôi ở xa trung tâm, thu nhập giáo viên mới ra trường không đảm bảo để các thầy, cô yên tâm công tác xa nhà".

sapnhaptruongnghe-b2-box1.png
Trường Trung cấp Kỹ thuật Yên Thành. Ảnh: FB nhà trường
Trường Trung cấp Kỹ thuật Yên Thành. Ảnh: FB nhà trường

Về cơ cấu đội ngũ giáo viên, trước đó, Nghị định 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải “bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; đối với các nghề yêu cầu về năng khiếu, bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 15 học sinh/giáo viên".

Như vậy, theo số liệu học viên của năm 2022 là 65.498 thì Nghệ An phải có hơn 2.600 giáo viên dạy nghề. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6/2023, tổng số giáo viên dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có 2.260 người (trong đó, trong biên chế là 783 người, hợp đồng 1.477 người).

sapnhaptruongnghe-b2-dohoa1.png
Đồ họa: H.Q

Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Đào tạo nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Theo các khảo sát của sở thì từ năm 2020 đến nay, tình trạng thiếu hụt giáo viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng. Nếu như giữa năm 2020, theo khảo sát về nhu cầu bổ sung đội ngũ giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý, số giáo viên còn thiếu so với nhu cầu là 207 người thì đến ngày 30/6/2023, số giáo viên còn thiếu đã lên đến 340 người.

Một giờ học theo chương trình liên kết giữa Trung tâm GDNN - GDTX huyện Anh Sơn và Trường Cao đẳng Việt Đức (5)
Một tiết học theo chương trình liên kết giữa Trung tâm GDNN - GDTX huyện Anh Sơn và Trường Cao đẳng Việt - Đức. Ảnh: Mỹ Hà

Trong khi việc thiếu giáo viên đang diễn ra phổ biến thì tình trạng chảy máu chất xám giáo viên dạy nghề cũng là nỗi trăn trở của các nhà trường. Theo một báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 170 giáo viên dạy nghề bỏ ra ngoài làm việc, chủ yếu là giáo viên hợp đồng. Từ đó đến nay, dù chưa có số liệu khảo sát mới nhưng qua tìm hiểu thực tế ở các trường, số giáo viên bỏ công việc giảng dạy để ra ngoài làm việc vẫn xảy ra hằng năm.

Bên cạnh việc thiếu hụt về số lượng, đội ngũ giáo viên dạy nghề của tỉnh hiện nay cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là về kỹ năng nghề, khi mà toàn tỉnh hiện mới chỉ có 1.191/2.260 giáo viên đạt chuẩn kỹ năng nghề, chiếm tỷ lệ 52,7%. Đồng thời với đó, dù trên địa bàn tỉnh có đến 4 trường dạy nghề đang được định hướng xây dựng thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao (Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt – Đức, Cao đẳng nghề thương mại – du lịch, Cao đẳng nghề kỹ thuật số 4) nhưng toàn tỉnh chỉ có chưa đến 300 giáo viên đạt chuẩn bậc 3/5.

Tiết học nghề ở Trường Cao đẳng Việt Nam Hàn Quốc
Tiết học nghề ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam Hàn Quốc. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài ra, số giáo viên có chứng chỉ sư phạm mới có 2.225/2.260, tức là vẫn còn 35 giáo viên không có chứng chỉ sư phạm mà vẫn đứng lớp. Mặt khác, qua trao đổi, lãnh đạo một số trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh cho biết, xu hướng dạy nghề hiện nay đang hướng đến đạt chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế. Chính vì vậy, việc đòi hỏi giáo viên dạy nghề phải thành thạo ngoại ngữ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên dạy nghề ở địa phương hiện nay chưa đủ khả năng ngoại ngữ để giao tiếp, tự nghiên cứu các tài liệu hoặc dạy nghề bằng tiếng Anh.

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Cấp thiết sắp xếp lại mạng lưới trường nghề
>> Kỳ 3: Sáp nhập là xu thế tất yếu

Mới nhất
x
x
Kỳ 2: ‘Khoảng trống’ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO