Hiệu quả sau 'dồn điền, đổi thửa' ở Anh Sơn
(Baonghean.vn) - Ở Anh Sơn trước khi BTV tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08- CT/TU về đẩy mạnh vận động nông dân "dồn điền đổi thửa" và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 cũng ban hành Nghị quyết số 03- NQ/HU về tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất.
Sau dồn điền đổi thửa ở Anh Sơn phong trào sử dụng máy nông nghiệp vào các quy trình sản xuất thực sự mạnh mẽ. Ảnh: Lãnh đạo huyện Anh Sơn trao đổi với bà con nông dân xã Đỉnh Sơn về hiệu quả sử dụng máy làm đất mini |
Nhờ chủ động trong việc ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch nên công tác vận động nhân dân dồn điền đổi thửa tại Anh Sơn đã thu được kết quả thuyết phục. 100% số hộ sử dung đất nông nghiệp trên địa bàn 20/20 xã thực hiện " dồn điền, đổi thửa", với diện tích bình quân sau "dồn điền đổi thửa" 1.277 m2; trung bình số thửa đạt 2,8 thửa/ hộ.
Nông dân các xã vùng đất bãi sau dồn điền đổi thửa đang tăng vụ, tăng hệ số quy trình sử dụng đất với nhiều loại cây trồng mới. Trong ảnh: thu hoạch ngô bán cho Trang trại bò sữa TH làm thức ăn cho bò sữa. |
Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp sau " dồn điền, đổi thửa" cho hiệu quả cao như: Mô hình trồng bí xanh tại Cẩm Sơn, Tào Sơn; trồng ớt cay xuất khẩu tại xã Hoa Sơn, Hội Sơn, Tào Sơn; mô hình cánh đồng mẫu ngô, lúa tại xã Tường Sơn; mô hình chè sạch tại xã Hùng Sơn; mô hình phân bón viên nén tại các xã, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, ứng dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại các xã Hùng Sơn, Long Sơn và Thị trấn...
Sau chuyển đổi ruộng đất nhiều mô hình trang trại, gia trại được hình thành và có hiệu quả tại xã Cẩm Sơn. |
Cùng với việc xây dựng các mô hình kinh tế, tại Anh Sơn nông dân và doanh nghiệp đồng loạt đầu tư máy móc, từng bước khép kín quy trình sản xuất bằng cơ giới hóa.
Theo báo cáo của huyện Anh Sơn hiện nay trên địa bàn đã có hơn 2.240 máy nông nghiệp, trong đó chỉ có 364 máy mua theo cơ chế hỗ trợ chính sách còn đến 1.817 máy nông dân tự mua bao gồm máy cày, máy tuốt lúa, máy tẻ ngô, sấy ngô, máy hái chè, máy phun thuốc... Những con số biết nói này đã cho thấy nhờ chuyển đổi ruộng đất thành công mà trên địa bàn Anh Sơn "cuộc cách mạng" đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã thực sự mạnh mẽ.
Công ty mía đường sông Lam sử dụng máy làm cỏ mía trong vùng quy hoạch nguyên liệu Nhà máy. |
Đồng chí Đặng Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy Anh Sơn cho biết: Việc hoàn thành tốt công tác dồn điền đổi thửa trên đất lúa và một phần đất bãi và từng bước áp dụng các loại giống mới, thay đổi quy trình sản xuất, tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất... tạo những hiệu quả đáng khích lệ. Đây là điều kiện để nền nông nghiệp huyện nhà áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, sẵn sàng cho một nền kinh tế nông nghiệp gắn với chế biến trong giai đoạn hội nhập TPP.
Hồng Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|