Dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất chuyên canh ở huyện Đô Lương
(Baonghean.vn) - Đô Lương đang thực hiện hiệu quả việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, ưu tiên phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó, hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
Động lực Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi
Một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư rất hiệu quả ở Đô Lương là Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi tại xóm 12, xã Thịnh Sơn và xóm 2, xã Văn Sơn. Đây là kết quả của sự nỗ lực của nhà đầu tư và chính sách thu hút đầu tư của huyện Đô Lương.
Anh Nguyễn Công Hải - chủ đầu tư Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi cho hay: “Tháng 2/2022, Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi ở xóm 12, xã Thịnh Sơn bắt đầu san lấp mặt bằng, dựng nhà lưới. Đây là vùng đất hoang hóa, nền đất lại thấp trũng, nên phải đầu tư hàng tỷ đồng để san lấp mặt bằng và cải tạo đất. Mặc dù phải đầu tư lớn và gặp một số khó khăn khi triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhưng được chính quyền địa phương và người dân ủng hộ, nên sau thời gian khẩn trương thi công, đã hoàn thành các phân khu nhà kính như: vườn trồng chanh không hạt rộng 3.200 m2; vườn nho rộng 3.000m2; vườn dưa lưới 3.200m2; vườn dâu tây và cà chua rộng 8.000 m2”.
Đến nay Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi ở xã Thịnh Sơn trên diện tích 15 ha được đầu tư đồng bộ, với hệ thống nhà kính công nghệ tưới nước theo dõi độ ẩm và nhiệt độ được áp dụng công nghệ của Israel hiện đại, từ đó, hạn chế tối đa việc sâu bệnh, côn trùng xâm nhập, các công đoạn sản xuất nông sản rất nghiêm ngặt nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những sản phẩm hữu cơ là dưa lưới, nho xạ đen, nho mẫu đơn, dưa chuột baby, dưa chuột, dâu tây, cà chua Bee, các loại rau, quả… được thị trường đón nhận nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đặc biệt, một số sản phẩm đã lên kệ các siêu thị lớn ở Hà Nội, các thành phố lớn. Thành công của Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi theo hướng công nghệ cao đầu tiên ở huyện Đô Lương là động lực quan trọng để anh Nguyễn Công Hải tiếp tục đầu tư Trang trại Đồi Chồi thứ 2 tại xóm 2, xã Văn Sơn.
Dự án triển khai vào tháng 3/2023, trên diện tích 8,4 ha và được đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ với các sản phẩm như nho mẫu đơn 3,2 ha, dưa lưới 700 m2, dưa chuột baby và các sản phẩm rau, củ, quả khác.
“Tổng nguồn vốn đầu tư Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi lớn và do quy mô đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài (theo tính toán, thời gian thu hồi vốn sau 10 năm) trong lúc đó, việc thuê đất với thời gian ngắn ảnh hưởng đến thời gian thu hồi vốn và hiệu quả dự án. Bởi vậy, mong muốn các cấp, ngành liên quan, xem xét chấp thuận ký hợp đồng thuê đất lâu dài để nhà đầu tư có kế hoạch bố trí tài chính, nhân lực trong đầu tư, đồng thời, tiếp tục đàm phán với nông dân để mở rộng diện tích nhằm tận dụng hạ tầng có sẵn”, anh Nguyễn Công Hải chia sẻ.
Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh
Với xu thế sản xuất phát triển theo hướng nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao, trên cơ sở tích tụ ruộng đất, tạo nên những cánh đồng mẫu lớn và từng bước hình thành nên các vùng chuyên canh, thời gian gần đây, huyện Đô Lương đã có những giải pháp thực hiện rất hiệu quả.
Năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương ban hành Chỉ thị số 15-CT/HU ngày 22/8/2023 về Kế hoạch tập trung tích tụ đất đai, hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn huyện Đô Lương, giai đoạn 2023-2025; Cơ chế, chính sách hỗ trợ mô hình sản xuất công nghệ cao...
Nhờ đó, năm 2023, huyện Đô Lương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất mô hình trồng rau sạch rộng 11,6 ha ở xã Trung Sơn. Mô hình Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi rộng 8,4 ha ở xã Văn Sơn. Mô hình trồng rau rộng 0,3 ha ở xã Lam Sơn. Mô hình trồng chuối ở xã Đại Sơn rộng 30 ha...
Năm 2023, huyện Đô Lương đã chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả các mô hình thâm canh lúa thuần chất lượng cao vụ xuân (với quy mô 131,06 ha) tại các xã Văn Sơn, Thịnh Sơn, Tân Sơn, Thuận Sơn, Lưu Sơn, Đông Sơn, Đại Sơn, Trung Sơn và Lạc Sơn. Vụ hè thu (với quy mô 105 ha) tại các xã Đại Sơn, Trù Sơn, Thái Sơn, Đông Sơn, Trung Sơn và Ngọc Sơn, kết quả thực hiện mô hình giảm chi phí đầu tư, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; trong đó, vụ xuân hiệu quả kinh tế tăng so với đối chứng từ 4 - 6,9 triệu đồng/ha và vụ hè thu hiệu quả kinh tế tăng so với đối chứng từ 2,5 - 5 triệu đồng/ha.
Huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các quy trình, kỹ thuật cho nhân dân chăm sóc mô hình trồng chanh không hạt tại các xã Giang Sơn Tây, Thịnh Sơn, Thuận Sơn, Thượng Sơn và mô hình trồng tràm chiết xuất tinh dầu tại xã Lam Sơn.
Đô Lương hiện có 8.479 ha/8.912 ha lúa hình thành vùng sản xuất tập trung và 2.000 ha ngô ngô sinh khối, ngô lấy hạt, có 500 ha rau màu cung cấp cho các siêu thị trong cả nước, đặc biệt là hợp đồng cung cấp rau, củ, quả cho hệ thống siêu thị WinMart…
Hiện nay, trên địa bàn huyện thu hút nhiều nhà đầu tư trang trại ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 66 ha và đã hình thành những vùng chuyên canh hiệu quả cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất quy mô lớn gắn với bao tiêu đầu ra sản phẩm theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 15-CT/HU ngày 22/8/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy và Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 02/10/2023 của UBND huyện xây dựng một số mô hình, hình thành vùng sản xuất chuyên canh tại các xã Thịnh Sơn, Tân Sơn, Văn Sơn, Trung Sơn, Lưu Sơn, Lam Sơn... đồng thời, tiếp tục và phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như trồng rau trong nhà màng, trồng lúa chất lượng cao ...