Xây dựng thành công hình tượng Hồ Chí Minh trên sân khấu truyền thống là công việc vô cùng công phu, bởi ngoài yếu tố về kỹ thuật diễn xuất, hóa trang còn phải đạt được yếu tố về hình ảnh của một vị Cha già dân tộc vừa vĩ đại, phi thường nhưng vô cùng khiêm nhường, giản dị. Sự “trình làng” liên tiếp của nhiều tác phẩm sân khấu đặc sắc về Người thời gian qua chính là minh chứng cho tinh thần dấn thân sáng tạo, sẵn sàng chinh phục thách thức của những người làm nghệ thuật tỉnh nhà.
Nhiều vở diễn như những thước phim sống động suốt chiều dài lịch sử. Trong đó, có những vở hình tượng Bác là nhân vật trung tâm xuyên suốt, cũng có vở Bác chỉ xuất hiện ở một vài phân cảnh; có vở tập trung khai thác một sự kiện, lát cắt tiêu biểu hay một giai đoạn trong cuộc đời của Bác…
Đầu tiên phải kể đến tác phẩm về Người có tên gọi “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm”. Tác phẩm kể về thời thơ ấu của Bác đến lúc Người ra đi tìm đường cứu nước, được biểu diễn khắp các sân khấu trên địa bàn cả nước từ năm 1997 đến năm 2007, đạt nhiều giải thưởng danh giá. Trong vở diễn này, bằng những thủ pháp nghệ thuật ước lệ, cách điệu, hình ảnh người mẹ, với tiếng ru ầu ơ, những câu hò, điệu ví quê hương đã nuôi dưỡng một tâm hồn, nhân cách lớn. Từ cậu bé Nguyễn Sinh Cung lớn lên bằng những giai điệu quê hương đến người thanh niên Nguyễn Tất Thành với hành trang ra đi tìm đường cứu nước. Vở diễn còn có nhiều phân đoạn Bác ở Bắc Bộ phủ; Bác về thăm quê.
Nhắc về những lớp diễn hóa thân Chủ tịch Hồ Chí Minh, NSƯT Tạ Hồng Dương cho biết: Để có được những lớp diễn đạt đến độ giống như thật này, người nghệ sĩ phải thực sự tìm tòi, đầu tư nghiên cứu về thân thế và con người Bác trong tất cả các tài liệu, đồng thời, phải tìm ra được điều riêng có ở Bác từ cử chỉ, giọng nói đến tác phong gần gũi của Người. “Bản thân tôi không khỏi những áp lực khi lần đầu tiên đảm nhận hóa thân hình ảnh Bác, làm sao để toát lên được hình thái phong cách của Người đây ?. Tôi đã phải tập đi, tập lại hàng trăm lần trước gương, để ý từng chi tiết nhỏ nhất như Bác hay dùng từ gì khi nói chuyện với các chiến sĩ, dùng từ nào khi nói chuyện với đồng bào miền Trung, miền Nam; thói quen dùng những câu ngắn với tốc độ nói nhanh, rành mạch của Bác, cả cách Người hay sải những bước dài, nhanh khi di chuyển… Và may mắn là hình ảnh của Bác do tôi đảm nhiệm hóa thân trên sân khấu đã được người xem nồng nhiệt tán thưởng”. Sau này, Tạ Hồng Dương có hơn 100 lần hóa thân vào vai Bác Hồ, lần nào cũng cho anh những trải nghiệm mới và lần nào anh cũng được đón nhận những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả trong nỗi rưng rưng nhớ Bác.
Vở diễn thứ hai mà theo NSND Hồng Lựu là những thước phim tư liệu sống động có giá trị trường tồn theo năm tháng. Đó là vở “Lời Người lời của nước non”, đạt giải Đặc biệt trong cuộc vận động học tập và làm theo Bác. Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu cho biết: “5 tháng sau khi vở diễn ra mắt, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” như là động lực, niềm cổ vũ lớn lao cho tập thể anh, chị em nghệ sĩ Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh lúc bấy giờ”. Sau đó, liên tiếp là những đêm diễn chật khán giả, là những tiếng sụt sùi vì xúc động, là những tràng pháo tay không dứt. Đến nay, sau hơn 10 năm vở diễn ra mắt đã có hàng trăm đêm diễn ở khắp từ Bắc chí Nam, từ Trung ương đến địa phương.
“Lần nào diễn chúng tôi cũng đều tập kỹ càng cho từng tuyến nhân vật, nhiều vai diễn chỉ một diễn viên từ hơn 10 năm nay, nhưng lần nào anh, chị em cũng bồi hồi và chuẩn bị cho mình sự tươi mới cần thiết nhất. Cứ vậy, lên sân khấu là chúng tôi nhập vai, sống đời sống của nhân vật và vở diễn bao giờ cũng đạt đến độ thành công nhất”. Phân đoạn Bác Hồ về thăm quê, sự gần gũi, ân cần và những câu nói dặn dò của Người được nghệ sĩ Tạ Hồng Dương diễn rất đạt, rất giống, và dưới khán đài là những tràng pháo tay không dứt. Cho đến nay, mỗi khi có sự kiện chính trị quan trọng, vở kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh “Lời Người lời của nước non” lại được yêu cầu lưu diễn khắp trong và ngoài tỉnh.
Để vào vai Bác Hồ, người nghệ sĩ không chỉ lao động nghệ thuật bằng trách nhiệm nghề nghiệp mà còn bằng tất cả tình cảm xuất phát từ trái tim. Điều này rất đúng với NSND An Phúc, khi anh được chọn nhập vai Bác trong “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm”, giai đoạn những năm tháng cuối đời của Bác… An Phúc nói: “Việc thể hiện Bác đã là thách thức với diễn viên, nhưng diễn thế nào để người xem cuốn vào nhân vật, để người xem không phân biệt được ranh giới giữa đời thường và sân khấu mới là người diễn viên giỏi”. An Phúc cũng chia sẻ rằng, anh có tình cảm đặc biệt với vị lãnh tụ kính yêu khi đảm nhiệm phân cảnh này, bất cứ lời thoại nào cũng khiến anh trào nước mắt…
Có một điều thú vị là bên cạnh những gương mặt nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, nhiều vở diễn còn huy động sự vào vai của các diễn viên trẻ tuổi khi thể hiện hình tượng Bác. Như trong vở “Quê hương vọng mãi tên Người”, phân đoạn cậu bé Nguyễn Sinh Cung bên mẹ và em trai út do Duy Thanh đảm nhiệm đã lấy nhiều nước mắt của khán giả. Giai đoạn NSƯT Tạ Hồng Dương bận công tác, nghệ sĩ Hồ Minh Thông đã thay anh vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời Người lời của nước non”, cũng được người xem nồng nhiệt đón nhận; Thái Duy Hải – diễn viên trẻ của đoàn có giọng hát mượt mà, sâu lắng cũng từng đạt Huy chương Bạc cho vai diễn Nguyễn Sinh Cung trong “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm”. Hay Nguyễn Cảnh Sinh, diễn viên quê Yên Thành cũng được giao vai Nguyễn Tất Thành trong “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm” được người xem khen “giống quá”.
NSND Hồng Lựu cho biết thêm: “Để có những lớp diễn hóa thân vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung tâm đã cho nhân viên đi học hóa trang để có thể hóa trang nhân vật tốt nhất. Diễn viên vào vai Bác qua các thời kỳ được trực tiếp gặp gỡ học hỏi các diễn viên gạo cội có thần thái giống Bác là NSƯT Tiến Hợi, để có được trạng thái diễn tốt nhất”.