Đừng cố tình ‘chính trị hóa’ các vụ án trốn thuế
(Baonghean.vn) - Một số "nhà hoạt động" xã hội và báo nước ngoài cố tình làm sai lệch bản chất các vụ án trốn thuế để suy diễn, quy kết Việt Nam vi phạm bảo vệ quyền con người về môi trường. Luận điệu sai trái đó không thể chấp nhận.
VOA tiếng Việt vừa phát đi tài liệu “Chuyên gia Liên hợp quốc cáo buộc Việt Nam đàn áp những người bảo vệ quyền môi trường”. Trong nội dung bản tài liệu này có trích dẫn phát biểu của ông Surya Deva – chuyên gia đặc biệt (theo cách gọi của VOA tiếng Việt) về quyền phát triển của Liên hợp quốc nói rằng: “Việc bắt giữ và kết án một số người bảo vệ quyền con người về môi trường với các tội danh như trốn thuế đang có tác động tiêu cực đến sự sẵn sàng đóng góp của các tổ chức phi chính phủ độc lập cho Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP)”. Cần phải thấy ở đây rằng VOA tiếng Việt và ông Surya Deva đã cố tình làm sai lệch bản chất các vụ án trốn thuế để suy diễn, quy kết Việt Nam vi phạm bảo vệ quyền con người về môi trường.
Chúng ta chẳng lạ gì chiêu trò “chính trị hóa” các vụ án hình sự để rồi quy kết thành những vấn đề chính trị nhạy cảm như dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, môi trường... nhằm chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động và các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí.
Luận điệu của VOA tiếng Việt và ông Surya Deva nêu trên càng cho thấy rõ về âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò ấy. Các vụ án trốn thuế mà VOA tiếng Việt và ông Surya Deva muốn nói tới ở đây là vụ: Ngụy Thị Khanh (trốn thuế với số tiền 456 triệu đồng); Đặng Đình Bách (trốn thuế với số tiền 1,38 tỷ đồng); Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương trốn thuế với số tiền gần 2 tỷ đồng và gần đây nhất là Hoàng Thị Thu Hồng (trốn thuế với số tiền 6,7 tỷ đồng)...
Thực tế đó là những vụ án hình sự về tội danh trốn thuế đã được điều tra, truy tố và đưa ra xét xử công khai theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, với các tài liệu, chứng cứ kết tội rõ ràng. Trước tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật, ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình và mong được hưởng lượng khoan hồng.
Sự thật từng vụ án rất rõ ràng, minh bạch. Ấy vậy mà VOA tiếng Việt và ông Surya Deva lại đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất các vụ án; cố tình tô vẽ, thêu dệt tạo dựng ra các bị cáo trong từng vụ án như những “người hùng về bảo vệ môi trường”. Thực chất đây vẫn là chiêu trò “chính trị hóa” các vụ án hình sự mà các thế lực thù địch, phản động thường sử dụng bấy lâu nay. Từ các vụ án hình sự đơn lẻ, họ bẻ lái vấn đề sang hướng khác để rồi suy diễn, quy kết rằng “Việt Nam đàn áp những người bảo vệ quyền môi trường”; “Việt Nam ngăn cản những người hoạt động môi trường”; Việt Nam bỏ tù những người lên tiếng bảo vệ môi trường”...
VOA tiếng Việt và chuyên gia đặc biệt của Liên hợp quốc cho rằng, số bị cáo trong các vụ án nói trên “bị đàn áp” do các hoạt động “vận động về vấn đề môi trường” là không đúng với bản chất của vụ việc, cố tình phớt lờ sự thật, để xuyên tạc, suy diễn, dựng chuyện vu cáo Nhà nước Việt Nam. Phát ngôn của VOA tiếng Việt và ông Surya Deva là thái quá, phớt lờ sự thật và nhằm dụng ý xấu đối với Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam rất coi trọng việc bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trọng tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững”. Môi trường cũng là vấn đề được Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm với nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách cụ thể trong suốt quá trình lãnh đạo.
Với Việt Nam, bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm tăng trưởng kinh tế luôn gắn kết với bảo vệ môi trường trong từng bước và từng chính sách phát triển; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu;…
Việt Nam luôn khẳng định mạnh mẽ cam kết của mình trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Ở Việt Nam, các hội, nhóm, cá nhân, các tổ chức phi chính phủ đều được bảo đảm hoạt động bình thường theo đúng quy định; đồng thời tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của mình.
Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi cá nhân, hội, nhóm, tổ chức phi chính phủ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững đất nước theo đúng quy định của pháp luật. Những tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường đều được Nhà nước Việt Nam ghi nhận và tôn vinh.
Mặc dù các bị cáo trốn thuế như đã nêu có những đóng góp nhất định cho lĩnh vực môi trường, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì trốn thuế vẫn là một hành vi vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, chỉ có những người vi phạm pháp luật, những người phạm tội mới bị bắt, giam giữ và điều tra, xét xử. Không có chuyện Việt Nam giam giữ tùy tiện các “nhà bảo vệ môi trường” như tài liệu mà VOA tiếng Việt và ông Surya Deva thông tin.
Khoác áo “bảo vệ môi trường” vào các vụ việc trốn thuế để thực hiện ý đồ chính trị, dựng chuyện, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền con người về môi trường, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam là hành động không thể chấp nhận. Việt Nam kiên quyết phản đối, lên án, bác bỏ những luận điệu sai trái đó./.