Nhận diện và đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
(Baonghean.vn) -Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực những năm qua luôn trở thành tâm điểm để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, chống phá, từ đó gây xói mòn niềm tin, chia rẽ mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Hiện nay, khi Đảng ta càng quyết tâm cao đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại càng điên cuồng chống phá. Chúng không từ bất kỳ một thủ đoạn nào, ra sức bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thể chế chính trị và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chủ yếu hiện nay gồm: Các tổ chức phản động người Việt lưu vong, có thể kể đến như tổ chức khủng bố “Việt Tân”,“Triều Đại Việt”,“Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS”; Các trung tâm truyền thông, tâm lý chiến, trang tin nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ như “BBC News Tiếng Việt”,“RFA”, “VOA”, RFI”, “Luật khoa tạp chí”, “thờibáo.de”, “Chân Trời Mới Media”; “Đàn Chim Việt”,…; Những đối tượng tự xưng là nhà “dân chủ”,“luật sư”, “nhà báo”,“facebooker”,“blogger”,“youtuber”núp bóng dưới các chiêu bài đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự, tôn giáo, dân tộc.
Nhận diện và phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc
Có khá nhiều các thông tin xấu độc, luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng trên không gian mạng, chủ yếu tập trung vào những luận điệu sai trái, xuyên tạc sau:
- “Chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay chỉ là thanh trừng nội bộ, đấu đá các phe phái trong Đảng Cộng sản”.
Các thế lực chống đối đã hư cấu, xuyên tạc, thổi phồng, lấy hiện tượng quy kết thành bản chất, đăng tải thông tin thật - giả lẫn lộn, thêm thắt, tô vẽ những câu chuyện mà chúng dựng nên, đưa ra các “tài liệu thâm cung bí sử” để tuyên truyền, xuyên tạc, cho rằng chống tham nhũng là “thanh trừng nội bộ”, là “đấu đá” giữa “lãnh đạo cấp cao này với lãnh đạo cấp cao kia, phe phái này với phe phái kia”, “có những phe nhóm không may và những phe nhóm gặp may”, “sự củng cố quyền lực của phe này và sự “hết thời” của phe kia”; “cùng cho vào lò để đốt nhưng có sự phân biệt giữa những người đồng chí của mình”.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta luôn được tiến hành chặt chẽ, thận trọng, từng bước cụ thể theo đúng quy định, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản nhất trong tổ chức và mọi hoạt động của Đảng. Mọi quyết định đều thuộc về tập thể lãnh đạo, được công khai bàn bạc, thảo luận và thiểu số phục tùng đa số trên cơ sở dân chủ. Từ những vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến một số cán bộ cấp cao thời gian qua đã cho thấy sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ bằng kết quả bỏ phiếu cho ý kiến xử lý kỷ luật trên cơ sở đánh giá, phân tích những căn cứ chính trị, pháp lý thuyết phục. Vì vậy, hoàn toàn không có chuyện tồn tại “phe nhóm” để can thiệp công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hơn 10 năm qua, Đảng ta đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, hàng trăm “quan tham” lớn nhỏ bị đưa “vào lò”, có những người nhận mức án chung thân nhưng không có bất cứ ai cho rằng hành vi của bản thân oan sai, không thấu tình đạt lý mà chỉ xin được nhận tội, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ hình phạt. Hoàn toàn không hề có việc “thanh trừng”, “đấu đá nội bộ”, “tận diệt phe nhóm” như các thành phần chống đối ra sức xuyên tạc.
- “Chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay theo kiểu “tắm từ vai trở xuống, chịu sự chi phối của nước này, nước kia”;“không xử lý triệt để những người đứng đầu thì như bắt cóc bỏ đĩa”; “việc thành lập Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh chứng tỏ công cuộc chống tham nhũng không hiệu quả, không chuyển biến”.
Đây là một trong những luận điệu hết sức thâm độc và nguy hiểm, nhằm hướng dư luận cho rằng Đảng ta chống tham nhũng theo kiểu “nửa mùa”. Thực tế công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã đạt nhiều thành công lớn với nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đặc quyền, bất kể người đó là ai, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Hàng loạt “tư lệnh ngành”, “tướng lĩnh cấp cao” kể cả Ủy viên Bộ Chính trị đều bị xử lý hình sự như: Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son, Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Tô Anh Dũng, Tất Thành Cang,… Các trường hợp khác, đồng bộ giữa thi hành kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, vừa nghiêm minh vừa nhân văn.
Gần đây, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng như: Vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố; các vụ án xảy ra tại các Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC,… được đưa ra ánh sáng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã mở rộng phạm vi ra ngoài Nhà nước, chạm vào những lĩnh vực có chuyên môn sâu, khép kín, trước nay cho là không xử lý được (đấu giá đất, chứng khoán, y tế, giáo dục,…).
Đặc biệt, sau khi thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, cho thấy Đảng ta đã tiến hành bài bản, đồng bộ từng bước, giống như việc “quét cầu thang”, quét từ trên xuống dưới, loại bỏ từ tham nhũng lớn cho đến tham nhũng vặt. Điển hình như tại tỉnh Nghệ An, nhiều vụ việc phạm tội kinh tế, tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện, xử lý triệt để, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực, trong đó có một số vụ án về “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”; “Đưa, môi giới, nhận hối lộ” xảy ra tại một số sở, ngành.
Tỉnh Nghệ An được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá là một trong số các địa phương có nhiều vụ án khởi tố mới liên quan đến tham nhũng, với 33 vụ án 1 năm qua; trong đó, có 40 cán bộ, đảng viên bị khởi tố.
-“Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng thành công vì “tham nhũng là con đẻ của chế độ độc đảng”;“Muốn chống tham nhũng thành công thì phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phải xóa bỏ Đảng Cộng sản, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin”.
Chúng cho rằng chỉ có “quan chức Cộng sản Việt Nam mới cần tham nhũng, muốn tham nhũng, dám tham nhũng và không sợ khi tham nhũng”. Thực tế, ở các nước tư bản chủ nghĩa có chế độ đa đảng thì tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra rất phổ biến. Điển hình là một số nguyên thủ quốc gia ở Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, Pakistan, Brazil,… đã bị xử lý hình sự tội phạm tham nhũng.
Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 của Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố Việt Nam đạt 42/100 điểm, xếp hạng 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ là 1 trong 6 quốc gia châu Á có nhiều tiến bộ.
Các chỉ số trên cho thấy Việt Nam đứng trên 103 quốc gia được xếp hạng, trong số đó có tới hơn 90% là quốc gia đa đảng. Bởi vậy, không thể nói nguyên nhân của tham nhũng là do cơ chế một đảng hay đa đảng./.