Năm học 2023 – 2024, cháu Cao Công Tôn Sách, sinh năm 2011, ở xóm 3, xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu) được tiếp thêm động lực đến trường khi trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Diễn Thành (Bộ đội Biên phòng Nghệ An). Là con thứ 3 trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố Sách mất từ khi cháu mới 5 tuổi, một mình mẹ Sách là Nguyễn Thị Hiển, SN 1983 nuôi 5 người con ăn học. Cảm thông với hoàn cảnh của Sách, Đồn Biên phòng Diễn Thành đã trao đổi với gia đình, Chính quyền địa phương xã và Ban hành giáo Giáo xứ Thiên Tước để nhận cháu làm con nuôi của đồn.
Chuẩn bị cho năm học mới, Sách được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Diễn Thành đưa đi mua sắm cho quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và xe đạp để đi lại. Cháu còn được các cha nuôi mang quân hàm xanh bổ túc lại kiến thức để tự tin bước vào lớp năm học mới.
Trong ngôi nhà nhỏ ở xóm 3 xã Diễn Trung, chị Nguyễn Thị Hiển, mẹ của Sách cho biết, chồng mất sớm, bản thân chị không có việc làm ổn định, hằng ngày chạy chợ bán hàng hoặc ai thuê việc gì làm nấy, cũng chỉ mong đủ ăn cho mấy mẹ con hàng ngày, còn việc học hành của các con gặp rất nhiều khó khăn, nay Đồn Biên phòng Diễn Thành nhận cháu Sách làm con nuôi, gia đình tôi không biết nói gì ngoài lòng biết ơn. “Từ khi được các chú Biên phòng nhận làm con nuôi, cháu có động lực để học hành và học tốt hơn. Là người mẹ, tôi mong muốn con mình nỗ lực phấn đấu để không phụ lòng các chú!”, chị Hiển chia sẻ.
Được biết, cháu Cao Công Tôn Sách là học sinh duy nhất ở tuyến biên giới biển được Đồn Biên phòng Diễn Thành nhận là con nuôi. Thiếu tá Nguyễn Cảnh Sỹ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Diễn Thành cho biết, với mong muốn giúp các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn có điều kiện đến trường, Cấp uỷ, Ban Chỉ huy đơn vị đã nhận cháu Sách làm con nuôi của Đồn. Đơn vị cũng đã giao cho Ban chấp hành Đoàn Thanh niên lựa chọn các đồng chí có kỹ năng để trực tiếp đồng hành, kèm cặp, giúp đỡ cháu Sách trong học tập và trong cuộc sống.
Tại nhiều đồn biên phòng tuyến biên giới bộ, mô hình “con nuôi biên phòng” đã được triển khai và duy trì có hiệu quả từ nhiều năm nay. Đơn vị đầu tiên nhận con nuôi là Đồn Biên phòng Mường Ải ( Kỳ Sơn). Năm 2019 chúng tôi đã lên thăm và trò chuyện với hai em học sinh đầu tiên được nuôi dưỡng chăm sóc trực tiếp tại đồn biên phòng là cháu Cụt Văn Nam, SN 2010, dân tộc Khơ Mú, ở bản Xốp Lau và Xồng Bá Cha, SN 2008, dân tộc Mông ở bản Ải Khe. Bố Cha mất khi em mới được vài tháng tuổi, mẹ em sau đó tái hôn với một người Lào, em sống cùng ông bà nội đã hơn 70 tuổi ở bản biên giới Ải Khe. Còn Cụt Văn Nam mất bố, sống với mẹ và anh trai thời điểm được Đồn Biên phòng Mường Ải nhận nuôi, ngôi nhà – tài sản duy nhất của 3 mẹ con bị lũ cuốn trôi, phải ở nhờ nhà người thân.
Khi mới về đồn, Cha và Nam còn ngại giao tiếp, học lực yếu, chưa biết vệ sinh cá nhân và chưa thuộc cả bảng cửu chương. Thế nhưng, quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các chú bộ đội, được chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ đến đầu tóc, quần áo, hai cậu bé đã biết tự giặt quần áo, gấp chăn màn gọn gàng, vuông bánh chưng, chăm chỉ rèn luyện sức khoẻ và trở nên tự tin, mạnh dạn hoà nhập với mọi người xung quanh. Hiện tại Cha đã quyết định không học lên cấp ba mà đi học nghề để sau này có thể sớm tìm kiếm công việc ổn định, còn Nam đang học lớp 8 tại Trường THCS Nậm Típ và vẫn đang được Đồn Biên phòng Mường Ải hỗ trợ theo chương trình nâng bước đến trường.
Đối với những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn được nhận làm con nuôi trực tiếp tại các đồn biên phòng, có một nơi trú ngụ ấm áp, an toàn, được chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, được tiếp tục cắp sách tới trường như một giấc mơ có thực. Nhờ sự quan tâm, kèm cặp của những người lính quân hàm xanh, qua mỗi năm, kết quả học tập, rèn luyện của từng em tiến bộ rõ rệt.
Như trường hợp 2 em Lô Văn Diệu và Xeo Văn Điệp, SN 2008, dân tộc Khơ mú được Đồn Biên phòng Keng Đu (Kỳ Sơn) nhận làm con nuôi từ tháng 9 năm 2019. Hoàn cảnh của cả hai đều khó khăn. Lô Văn Diệu mồ côi bố từ sớm, mẹ đi thêm bước nữa và đi làm ăn xa, gia đình thuộc diện hộ nghèo, còn Xeo Văn Điệp bố mẹ ly hôn, ở cùng gia đình chú ruột, cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn là bao.
Theo Trung tá Trần Văn Thế – Chính trị viên Đồn biên phòng Keng Đu: Ngoài sắp xếp cho các con nơi ăn, chốn ở ngay tại đồn; hỗ trợ sách vở, quần áo (kinh phí được trích từ tiền lương của cán bộ, chiến sĩ), đơn vị còn trực tiếp phân công các đồng chí là người đồng bào am hiểu phong tục tập quán như Thượng uý Lương Văn Lợi để kèm cặp, bảo ban, giúp đỡ trong học tập và sinh hoạt nên các con có nhiều tiến bộ. Cả Điệp và Diệu đều đạt học sinh giỏi huyện môn Vật lý, Lịch sử; là học sinh tiêu biểu của Trường THCS Keng Đu và năm học vừa rồi cả hai đều thi đậu vào Trường THPT Kỳ Sơn. Sự cố gắng của các con khiến những người cha nuôi quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Keng Đu rất vui mừng, phấn khởi…
Tại tổ công tác bản Lốc thuộc Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) hiện đang nuôi hai em Ngân Trần Khanh (SN 2008), học lớp 7 và Quang Nhật Linh (SN 2008) đang học lớp 8. Hai em đều có hoàn cảnh khó khăn và được cán bộ chiến sĩ ở tổ công tác yêu thương, chăm sóc như người thân trong gia đình. Hàng ngày, các anh đi khắp các bản làng, thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới. Đêm đến, bên ngọn đèn nhỏ, các chiến sĩ quân hàm xanh lại trở thành những người bố nuôi kiên trì hướng dẫn các con từng nét chữ, từng phép toán.
Từ tình yêu thương, sẻ chia, cưu mang đùm bọc của những người cha nuôi là bộ đội biên phòng, các em dần trưởng thành không chỉ trong học tập mà cả trong suy nghĩ, lối sống. Nhiều em đã coi đồn biên phòng là nhà và gọi những người lính biên phòng trực tiếp chăm sóc mình là “bố” và xưng “con” một cách tự nhiên, ấm áp.
Cùng với việc nhận con nuôi, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên tuyến biên giới của tỉnh Nghệ An còn nhận đỡ đầu cho nhiều học sinh trên địa bàn hai tuyến biên giới. Điển hình như Đồn Biên phòng Keng Đu hiện đang nhận đỡ đầu cho 7 học sinh người dân tộc Khơ Mú, sinh từ năm 2008 – 2016.
Các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 4 em mồ côi cả cha lẫn mẹ ở với ông bà nội đã già yếu, thuộc diện hộ nghèo như các em Mong Trung Sơn, SN 2015 ở bản Huồi Xui, Pịt Văn Đinh, SN 2013 ở bản Quyết Thắng; Moong Văn Chấn Thi, SN 2012 ở bản Huồi Lê… học sinh Trường. Theo đó mỗi tháng các em được Đồn Biên phòng Keng Đu hỗ trợ 500 nghìn đồng/em, ngoài ra, đồn còn vận động kinh phí thực hiện chương trình, trao quà cho các em vào dịp lễ, tết, khai giảng năm học mới hay tổng kết năm học, tiếp thêm động lực giúp các em đến trường và vươn lên trong học tập; đồng thời kết nối thường xuyên với các trường học để nắm bắt tình hình tư tưởng và kết quả học tập của các con”.
Nhờ sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, nhiều trẻ em nghèo trên địa bàn hai tuyến biên giới ở Nghệ An được tiếp tục đến trường, vượt khó vươn lên. Em Lương Văn Dậu, SN 2005, người dân tộc Khơ Mú ở bản Piêng Luống, xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương) có hoàn cảnh bố mẹ chia tay khi Dậu mới vào lớp 1; sau đó mẹ của em bỏ đi, vì gánh nặng mưu sinh bố đành gửi em cho ông bà nuôi để đi xa tìm việc làm. Nhưng khi Dậu vừa bước vào năm học đầu tiên của bậc trung học cơ sở thì ông, bà lần lượt qua đời. Cảm thông với hoàn cảnh của Dậu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã nhận đỡ đầu cho em theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Học xong cấp 2, Dậu thi đậu vào Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An.
Khi về thành phố Vinh nhập học, Đồn đã cử cán bộ đưa Dậu đến hoàn thiện các thủ tục đồng thời giữ mối liên hệ mật thiết với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để nắm tình hình học tập, thường xuyên thăm, động viên Dậu cố gắng học tập. Từ đó, hình ảnh người lính quân hàm xanh đã in sâu trong lòng cậu bé dân tộc Khơ mú một cách tự nhiên và nuôi dưỡng trong Dậu ước mơ lớn lên cũng sẽ được khoác lên mình bộ quân phục của người lính Biên phòng. Và rồi mọi sự cố gắng đã được đền đáp khi trong năm 2023, Lương Văn Dậu trúng tuyển vào Học viện Biên phòng để viết tiếp ước mơ trở thành sĩ quan quân hàm xanh bảo vệ bản làng, bảo vệ biên giới.
Không chỉ nhận con nuôi và đỡ đầu cho học sinh nghèo theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, nhiều đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn có những cách làm, mô hình phù hợp ghi dấu ấn với cấp ủy, chính quyền và người dân.
Đồn Biên phòng Môn Sơn đã phối hợp UBND xã Môn Sơn và Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông) triển khai hiệu quả mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”. Trường THCS Môn Sơn hiện có 82 học sinh dân tộc thiểu số là người Đan Lai. Cấp 1, các cháu học tại điểm trường lẻ tại bản Búng, bản Cò Phạt (nằm sâu trong Vườn Quốc gia Pù Mát, cách trung tâm xã từ 15-20 km). Vào cấp 2, các cháu phải ra trường chính trọ học do đường từ nhà đến trường xa xôi, cách trở. Nhiều cháu còn bỡ ngỡ trong sinh hoạt, học tập do lần đầu tiên rời xa bản làng, xa gia đình, người thân. Bên cạnh đó, học sinh Đan Lai vốn quen lối sống biệt lập ở rừng sâu nên rất nhút nhát, không dám tiếp xúc với người lạ, chưa biết tự chăm sóc bản thân, các cháu còn có thói quen bỏ học. Do vậy về phía nhà trường gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh, trật tự, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học…
Trước thực tế đó, Đồn Biên phòng Môn Sơn cử một tổ công tác thuộc đội vận động quần chúng thường trú tại khu nội trú của trường THCS Môn Sơn để giúp đỡ học sinh người Đan Lai sớm làm quen, hòa nhập với cộng đồng; trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt, học tập gần với môi trường quân đội; tạo đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh, hỗ trợ, rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Theo chia sẻ của thầy Lân Thế Thanh, giáo viên Trường THCS Môn Sơn: Các chiến sĩ biên phòng về đây đảm bảo an ninh, hướng dẫn, chăm sóc các em như bố mẹ, người thân trong gia đình, giúp các em duy trì nếp sinh hoạt, học tập… Bởi vậy, khu nội trú với những bố mẹ nuôi biên phòng đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em.
Đại tá Lê Như Cương – Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết: Năm học 2023 – 2024, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh đang nhận nuôi đến hết cấp học phổ thông 18 học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đỡ đầu 96 cháu có hoàn cảnh khó khăn được nâng bước tới trường. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu thương của những người lính biên phòng đối với con em đồng bào các dân tộc trên hai tuyến biên giới.
Các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An không chỉ nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đóng quân, mà còn nhận đỡ đầu các cháu ở bản đối diện thuộc nước bạn Lào. Theo đó, học sinh Lào được các đơn vị nhận đỡ đầu đều là những cháu có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ, không có nhà ở, con những người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới… Tùy hoàn cảnh, vị trí địa lí mà các đơn vị Bộ đội Biên phòng Nghệ An sẽ quyết định việc hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc lương thực, thực phẩm hàng tháng cho các em. Hiện tại, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã nhận đỡ đầu 19 em học sinh Lào, qua đó tạo dấu ấn tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc của nước bạn Lào ở khu vực biên giới.
Với sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng từ các chương trình như “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” và Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, điều kiện học tập, ăn ở của nhiều học sinh nghèo vùng cao đã được cải thiện. Sự đùm bọc, yêu thương, sẻ chia của những người lính biên phòng đã mở ra cơ hội để các em vươn lên trong cuộc sống, trong học tập, nuôi dưỡng ước mơ mai này góp sức xây dựng bản làng no ấm, giàu đẹp và bình yên.