NSND An Ninh là chồng của NSND Hồng Lựu, và ông tự nhận mình là hậu thuẫn vững chắc cho vợ được toả sáng, nên ông lui về hậu trường để viết lách. Thế nhưng, chính “sở đoản” này lại cho ông những đam mê và hứng thú bất tận. Đến nay, ông đã có gia tài hơn 40 vở diễn được chuyển thể và hàng trăm tổ khúc, đoản khúc, đơn ca, đối ca. Trong đó, có hàng chục vở diễn đoạt Huy chương Vàng ở các hội diễn sân khấu dân ca kịch toàn quốc như: Đường đua trong bóng tối, Thầy và trò, Lời Người lời của nước non, Một cây làm chẳng nên non…
NSND An Ninh cho rằng, để có được một tác phẩm chuyển thể hay, hoặc một ca khúc dân ca chất chứa đủ nỗi niềm của người viết cũng như người trình bày, tác giả cần có vốn liếng văn hoá đủ sâu sắc, khả năng viết nhuần nhuyễn đặc biệt là phải yêu câu ví, câu giặm, điệu dân ca đến cháy lòng. Với An Ninh, người có sứ mệnh lan toả dân ca phải tìm cách chuyên chở nó đến mọi đối tượng, để ai cũng có thể hát được, có thể đắm mình được trong điệu hát quê hương mỗi khi buồn, những lúc vui, cả khi đau khổ hay khi vui sướng.
Khi nguyện làm người đứng sau cánh gà làm ánh đèn chiếu rọi cho những nghệ sĩ khác toả sáng, NSND An Ninh nghĩ rằng ví, giặm không chỉ cần người nghệ sĩ sân khấu mà còn cần những đội ngũ đứng sau ánh đèn chói sáng kia, để tạo nên một ekip cho ví giặm, giúp nó chuyên chở những giá trị sâu rộng, giản dị mà cao quý.
Quế Thương sở hữu chất giọng đẹp từ bé và niềm đam mê được đứng trên sân khấu cũng từ thuở đó. Chị sở hữu một bảng vàng thành tích dày dặn với 3 Huy chương Vàng và nhiều Huy chương Bạc cùng với danh hiệu Nghệ sĩ tiêu biểu được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao vào năm 2022. Thế nhưng, ít ai biết ngoài nỗ lực của bản thân cùng với những khả năng thiên phú, để có được những thành quả hôm nay Quế Thương đã nhận được sự hậu thuẫn vô cùng to lớn của người chồng và gia đình chồng.
Ngày tôi luyện tại Học viện Âm nhạc quốc gia để có được tấm bằng thanh nhạc loại ưu, Quế Thương đã có 2 con, đứa lên 5 và đứa lên 3. Để chị yên tâm đi học, gia đình chồng và chồng chị luôn động viên, hỗ trợ hết mức. Có những khi con ốm đau, gia đình chồng giấu nhẹm đi; có khi chồng một nách hai con nhỏ lại còn xây nhà vẫn quyết không để chị phải phân tâm.
Quế Thương chia sẻ: Để tôi yên tâm cứ tuần nào tôi bận quá không thể về được là anh ra ngay. Và có những “pha” anh xuất hiện bất ngờ khiến tôi vui mừng khôn xiết. Đó là khi anh điện thoại bảo tuần này anh không ra được nhưng “tặng em một món quà bất ngờ, em xuống sảnh lấy nhé”. Tôi chạy bay xuống sảnh của Học viện thì thấy anh đứng đó, miệng cười thật tươi. Có lẽ đó là một món quà tặng quý giá nhất mà tôi nhận được từ anh.
Chập chững bước chân vào nghề khi vừa độ tuổi trăng tròn với tâm nguyện sẽ nỗ lực cố gắng hết mình để được đứng trên sân khấu. Vào Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh năm 2005, NSƯT Thiên Huế được đánh giá là diễn viên có năng khiếu thiên bẩm về dân ca.
Ấy nhưng NSƯT Thiên Huế đã từng có một thời gian dài vô cùng gian khó để được trao những vai diễn nặng ký, khi chị từng không ít lần bị đuổi khỏi sân khấu vì hát sai nhịp, diễn không nhập vai… Vượt lên tất cả, chị đã có được những vai kép chính với sự ghi nhận của Ban Giám đốc và của cả Hội đồng nghệ thuật các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Ấy là những Hương Ly trong “Đường đua trong bóng tối” (Huy chương Vàng toàn quốc Hội diễn nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc, năm 2016); Lê Quốc phu nhân trong Cương Quốc công Nguyễn Xí (Huy chương Vàng năm 2019); Linh trong “Một cây làm chẳng nên non” (Huy chương Bạc năm 2010)…Tất cả những hành trang ấy, theo Thiên Huế, là sự khổ luyện, học hỏi và trên hết là tình yêu trong sáng, thuỷ chung với dân ca.
Thiên Huế kể: Cha em nhắn nhủ với em khi em mới vào nghề rằng: “chắc hẳn sân khấu cũng là một cái nghề không dễ, và con đã lựa chọn nó thì hãy trau lấy nghề”. Lời căn dặn ấy đã theo em cả những lúc vinh quang lẫn lúc gian khó, cả khi chập chững lẫn khi đã thành diễn viên cứng của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh.