Vụ 4 người tử vong ở Nghệ An: Vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn lưới điện

Phạm Bằng 28/06/2018 14:20

(Baonghean.vn) - Lãnh đạo Công ty Điện lực Nghệ An khẳng định, việc thi công dựng cột để kéo cáp viễn thông Viettel đã vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn lưới điện, trong khi dựng cột đã vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện.

2 ngày sau vụ tai nạn lao động ở xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp) làm 4 người tử vong, 3 người bị thương do bị dòng điện 35KV phóng, Công an tỉnh Nghệ An vẫn đang tích cực điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Sáng 28/6, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Bành Hồng Hiển - Phó Giám đốc, người phát ngôn của Công ty Điện lực Nghệ An xung quanh vụ tai nạn trên.

Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng. Ảnh: H.N
Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng. Ảnh: H.N

Tai nạn rất nghiêm trọng

Bắt đầu cuộc làm việc, ông Bành Hồng Hiển - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An khẳng định, vụ tai nạn lao động ở xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp) là rất nghiêm trọng, thể hiện là có 4 người tử vong, 3 người bị thương.

“Nguyên nhân chính thức đang chờ kết luận của cơ quan công an, nhưng đánh giá sơ bộ ban đầu của ngành điện là do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Trong khi nhóm người dựng cột để kéo cáp viễn thông Viettel đã vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện”, ông Hiển nói.

Giải thích cho vấn đề này, ông Hiển cho biết, theo Nghị định 14/2014 của Chính phủ về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp quy định, đối với điện áp 35KV thì khoảng cách an toàn là 3m tính từ dây ngoài cùng về mỗi phía. Thực tế, vị trí cột viễn thông được chôn có khoảng cách thấp hơn 3m và như thế là vi phạm về hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Theo quy định, khoảng cách an toàn đối với điện cao áp 35KV là 1m. Nhưng thực tế, trong quá trình thi công, từ vị trí vi phạm (đỉnh cột viễn thông - PV) đến đường điện là dưới 1m nên đã vi phạm khoảng cách an toàn đối với điện cao thế. “Trong cột có xương thép, được phủ một lớp bê tông nên khi gặp dòng điện cao áp thì nó dẫn điện qua cột xuống đất, gây đứt cáp. Những người ở Hạ Sơn khi tiếp xúc với cột viễn thông đã bị giật và tử vong”, ông Hiển cho biết.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã trực tiếp vào hiện trường để nắm bắt, đánh giá, chỉ đạo việc khắc phục thiệt hại. Trong ngày 27/6, Công ty Điện lực Nghệ An đã có báo cáo nhanh vụ tai nạn cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.

Vị trí cột viễn thông được dựng trong hành lang bảo vệ an toàn toàn lưới điện cao áp. Ảnh: N.H

Báo cáo nêu, địa điểm xảy ra vụ tai nạn tại khoảng cột số 13 đến cột 14 nhánh rẽ cấp điện cho TBA phân phối Công ty TNHH Massan, thuộc lộ đường dây 372 E15.3. “Đây là nhánh rẽ do Công ty TNHH Massan đầu tư vào năm 2016, và sau đó đã được kết nối với lưới điện do Công ty Điện lực Nghệ An quản lý”, ông Hiển cho biết.

Không chỉ vậy, trong vụ tai nạn ở xã Hạ Sơn cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng về đảm bảo an toàn lao động trong thi công công trình. Những người trực tiếp dựng cột viễn thông đều là người dân địa phương, chưa được đào tạo, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động. Người trực tiếp đưa những người này đi làm là anh Trương Minh Tuấn, chỉ là cán bộ địa chính xã. Những người này còn không được trang cấp các thiết bị an toàn lao động trong quá trình làm việc.

Không thông báo cho ngành điện

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Nghệ An, đối với các công trình xây dựng trong hành lang an toàn lưới điện thì đơn vị thi công, chính quyền địa phương nên thông báo, lấy ý kiến của ngành điện. Đối với việc thi công dựng cột để kéo cáp viễn thông ở xã Hạ Sơn, ngành điện đã không nhận được thông báo nào của đơn vị thi công cũng như chính quyền địa phương.

“Chưa nói về việc cấp phép, trong quá trình thi công thì đơn vị thi công hoặc chính quyền địa phương phải báo cho ngành điện để giám sát thi công và hướng dẫn an toàn điện. Những công trình lớn thì phải ký hợp đồng với ngành điện. Nhưng ở đây là họ tự ý làm và đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Nếu như có thông báo và giám sát, hướng dẫn kịp thời thì mọi chuyện đã khác”, ông Hiển nói.

Cáp điện sau vụ phóng điện bị đứt và làm cháy bụi mía. Ảnh: H.N

Thực tế, quá trình dựng cột để kéo cáp viễn thông đã được nhóm người ở xã Hạ Sơn thực hiện trong một thời gian dài nhưng phía điện lực không phát hiện ra. Giải thích cho vấn đề này, ông Hiển cho biết, quá trình thi công, ngành điện không nắm được và trước đó chưa vi phạm hành lang an toàn lưới điện. “Tại vị trí này mới vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Nhưng do họ thi công quá nhanh, chỉ đào một hố nhỏ để chôn cột viễn thông nên rất khó phát hiện”, ông Hiển khẳng định.

Theo quy định của ngành điện, định kỳ sẽ kiểm tra an toàn lưới điện vào ban ngày là 1 tháng/lần, ban đêm thì 3 tháng/lần. Và ngành điện cũng cho rằng, không phải ngày nào cũng kiểm tra được để phát hiện sự cố, bất thường cũng như vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Khẳng định trong vụ tai nạn trên cũng có trách nhiệm quản lý của ngành điện nhưng ông Hiển cho rằng, công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện là nhiệm vụ chung của các ngành, chính quyền địa phương, người dân, không chỉ là trách nhiệm riêng của mỗi ngành điện lực.

Đường
Hệ thống đường điện 35KV bị hư hỏng sau vụ tai nạn. Ảnh: N.H

“Hiện ở các cấp đều đã thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, và ngành điện lực chỉ là thành viên. Vì vậy, ngoài trách nhiệm của ngành điện thì chính quyền các địa phương phải thực sự quan tâm, phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Sự việc ở xã Hạ Sơn, nếu chính quyền địa phương quan tâm thì chắc chắn hậu quả có thể đã không xảy ra”, ông Hiển khẳng định.

Ông Hiển cũng cho biết, hướng giải quyết tiếp theo của ngành điện là phân tích vụ việc, đưa ra nguyên nhân, rút kinh nghiệm qua vụ tai nạn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về công tác an toàn điện trong nhân dân dưới mọi hình thức để mọi người dân được biết và phòng ngừa có hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt là trong mùa mưa bão./.

Mới nhất

x
Vụ 4 người tử vong ở Nghệ An: Vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn lưới điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO