Hồ Khe Chung - nơi trú ngụ của bò tót
(Baonghean) - Hồ Khe Chung, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn từng là hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An, nơi từng có những đàn bò tót trú ngụ.
Từ quốc lộ 7, chúng tôi bắt chuyến đò qua sông Lam về Tào Sơn. Đang là ngày mưa nên nước sông Lam đục ngầu. Từ tả ngạn sông Lam phải đi xe theo đường rừng mất gần 5 km nữa chúng tôi mới đặt chân tới hồ Khe Chung. Mấy ngày qua dầm dề mưa, trên lối đi bùn đọng thành từng vũng nhão nhoẹt. Cái lạnh căm căm giữa núi rừng khiến ai nấy rùng mình khi đứng trước hồ nước rộng mênh mông.
Hồ Khe Chung là nơi hợp lưu của 4 dòng chảy chính là: Khe Mì, Khe Cát, Khe Rang, Khe Cấy. |
Nơi cư trú của bò rừng
Ông Nguyễn Văn Sửu là người đấu thầu hồ Khe Chung thả cá từ năm 1993 nên hiểu rõ nó như lòng bàn tay. Đưa chúng tôi đi tham quan hồ nước rộng hơn 25 ha, ông chẳng khác nào 1 hướng dẫn viên du lịch. Ông cho biết hồ Khe Chung được hình thành bởi hàng chục khe nước lớn nhỏ từ khắp núi rừng của 3 huyện Anh Sơn, Tân Kỳ và Đô Lương.
Trong hàng chục khe nước ấy có 4 suối chính đổ về là Khe Mì, Khe Cát, Khe Rang và Khe Cấy. Và khi hợp lưu tại đây nó có tên mới là Khe Chung. Ngày trước, nơi đây là bạt ngàn rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ rậm rạp. Để vào được khu vực này người dân phải đi thành từng tốp hàng chục người bởi nơi đây rất nhiều thú dữ nhất là lợn rừng và bò tót.
Rồi ông giơ tay chỉ cho chúng tôi khe nước đằng xa kia cứ đến mùa tháng ba là hoa quạch, một loài cây dây leo lá nhỏ như lá phượng vĩ lại nở đỏ rực cả một vùng. Còn ở ngay bên trại cá của ông Sửu bây giờ trước năm 1970 cũng tồn tại 3 đây đa hàng trăm năm tuổi. Ông bảo rằng ngày nhỏ, ông cùng đám bạn chăn trâu thường vào đây ngồi dưới những gốc đa câu cá. 3 cây đa chụm lại với nhau hình tam giác, mỗi cây có chu vi hàng chục mét.
Sau này khi làm xong hồ Khe Chung, người dân đ`ã chặt bỏ hết.Ông Sửu nhớ lại: Cách đây 4 năm, cứ chiều về đàn bò tót từ trên rừng lại xuống khu vực ven đập. Con nào con nấy to đùng đen trùi trũi, hai con mắt đỏ rực trong nắng chiều. Có một điều ngạc nhiên là đàn bò rừng này sống chung với bò nhà trong thời gian dài một cách hòa thuận. Ông cũng nghe các cụ kể lại, trước đây bò tót ở khu vực này nhiều vô số kể, chúng theo khe Mì từ khu vực động Kiệt phía trên núi kia về tập trung sinh sống ở Khe Chung này. “Bây giờ thì thỉnh thoảng mới có một vài con xuất hiện rồi lại bỏ đi nơi khác” – giọng ông Sửu chùng xuống.
Bên cạnh hồ Khe Chung còn dấu tích của một thành lũy cổ, người dân trong vùng quen gọi là đồn ông Đề. Ông Nguyễn Văn Yêm (xóm 8) cho chúng tôi biết, ngay cả những người già nhất trong làng không còn ai biết rõ tại sao lại gọi đó là đồn ông Đề. Bản thân ông chỉ nghe kể lại là ngày xưa có một người tên gọi là Đề đã từng tụ hợp dân chúng đứng lên chống lại quan lại và lập đồn ở khu vực này. Vì thế khu vực xóm 8, xóm 9 trước đây còn được gọi là Vịa Đồn.
Từng là hồ thủy lợi lớn nhất Nghệ An
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Huy (xóm 8) – người hiếm hoi còn lại từ những ngày tham gia đắp đập ngăn hồ. Ngày ấy ông là cán bộ của phòng thiết kế cơ bản Ty Thủy lợi Nghệ An. Ông được điều làm chủ nhiệm đào hồ đắp đập. Ông kể rằng, trước kia khu vực Khe Chung bây giờ là rừng núi rậm rạp. Xã Tào Sơn đồng ruộng mênh mông nhưng phần lớn không đủ ăn vì thiếu nước sản xuất. Cả vùng ven phía ngoài cũng chỉ trồng được khoai và sắn, không thể cấy lúa nước. Qua nhiều lần khảo sát, nhận thấy khu vực này có lợi thế để dẫn nước về tưới tiêu ruộng đồng nên Ty Thủy lợi đã đề xuất với Bộ Thủy lợi cho phép làm công trình đập Khe Chung.
Những ngày đầu, để xây hồ phải huy động nhân dân 3 huyện Anh Sơn, Đô Lương và Thanh Chương. Ông Huy nói rằng, thời điểm chưa có máy móc nên phải huy động lên đến hơn 1000 nhân công. Ngày ấy, 1 nhân công chỉ được cấp 3 lượng gạo mỗi ngày nhưng ai cũng ra sức làm vì nghĩ tới một ngày không xa nước sẽ được dẫn về đồng ruộng phục vụ sản xuất. Những năm 1967-1970, nhân công không chỉ làm việc cực khổ mà còn bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá ác liệt. Trong năm 1968 trên tuyến đường từ xã Giang Sơn (Đô Lương) lên hồ Khe Chung đã có 6 công nhân hi sinh do bom Mỹ. Phải đến năm 1970, công trình mới hoàn thành.
Ông Nguyễn Văn Sửu, người dân sống bên hồ Khe Chung |
Hồ Khe Chung có thể nói là hồ nước thủy lợi lớn bậc nhất miền Tây Nghệ An tính ở thời điểm đó với sức chứa hơn 2 triệu m3 nước. Hồ cung cấp nước tưới cho hơn 300 ha lúa nước của xã Tào Sơn. Từ ngày có hồ, nhân dân Tào Sơn không phải chịu cảnh hạn hán, đồng ruộng lúc nào cũng đầy ắp nước tưới.
Trong đợt nắng hạn vừa qua, toàn huyện Anh Sơn bị ảnh hưởng nặng nề nhưng riêng ở xã Tào Sơn lúa ngô vẫn xanh mơn mởn. Nước từ hồ Khe Chung luôn cung cấp đủ để tưới tiêu cho 12 thôn trong xã. “Bây giờ Tào Sơn đã trở thành một trong những xã phát triển mạnh của huyện Anh Sơn rồi” – ông Nguyễn Đình Huy cười mãn nguyện.
Ngày trước, khi chưa có hồ Khe Chung, nhân dân Tào Sơn hầu như không có giếng nước sinh hoạt. Toàn xã chỉ có 2 cái giếng chung của làng. Có điều lạ là dù đã cố gắng hết sức nhưng đào giếng ở địa điểm nào cũng không có lấy một giọt nước. Sau năm 1970, khi dòng nước từ hồ Khe Chung được dẫn về thì càng lạ lùng hơn nữa, đào giếng nào lên cũng đầy ắp nước. Cả xã vui mừng không nói hết.
Đào Thọ
TIN LIÊN QUAN