Hỗ trợ hơn 260 nghìn lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố cá chết
Những người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố cá chết được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.
263.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó 100.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 người bị ảnh hưởng gián tiếp bởi sự cố môi trường do công ty Fomosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung sẽ được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp thông tin chiều 5/7, tại Hà Nội.
Mới đây, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội đã có chuyến khảo sát tại 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, dự kiến sẽ tiếp tục làm việc với tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh để có giải pháp tổng thể hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do công ty Fomosa gây ra.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp |
Việc quan trọng nhất là hỗ trợ sinh kế cho người dân. Làm việc với các tỉnh bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định cần có một dự án tổng thể về dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, trong đó ưu tiên một số huyện nghèo ven biển bị ảnh hưởng.
Đối với chương trình xuất khẩu lao động, ngoài chương trình EPS xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Đức cũng sẽ được ưu tiên cho các địa phương này. Bện cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường đưa lao động sang làm việc tại Thái Lan với các nghề đánh bắt gần bờ, xây dựng với chi phí thấp.
Đối với việc hỗ trợ dạy nghề và việc làm, những lao động nào thuộc hỗ nghèo ở vùng ảnh hưởng được hỗ trợ chi phí đào tạo, giới thiệu việc làm. Ngoài ra, Bộ sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ vay vốn, chuyển đổi việc làm, ưu tiên giới thiệu việc làm không chỉ tại địa phương mà còn ở tỉnh lân cận.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, kinh phí hỗ trợ ngư dân vùng ảnh hưởng được trích từ ngân sách Nhà nước chứ không phải từ số tiền đền bù của Công ty Fomusa:
“Chúng tôi nghĩ rằng, trong bất kỳ tình huống nào thì cũng phải chuẩn bị phương án chủ động nhất để hỗ trợ người dân có sinh kế mới. Dự án thì đang được xây dựng theo tinh thần khẩn trương nhất. Có những chính sách cần trình Thủ tướng thì chờ Thủ tướng quyết định nhưng có những chính sách thì Bộ có thể làm được ngay thì Bộ sẽ làm.
Đề án này không chỉ kéo dài 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm, chừng nào môi trường biển trở lại trong sạch, chừng nào người dân có thể sống được với nguồn lợi từ biển thì chừng đó đề án này mới có thể kết thúc”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói./.
Theo VOV