Hoàng Yến sinh năm 2000, nay 23 tuổi nhưng cô gái ấy đã có những nốt thăng hoa trong nghiệp diễn chưa nhiều của mình. Nhìn những động tác điêu luyện xuất thần trong đêm diễn Army Games ở Nga hay những lần tham gia các cuộc thi tài năng múa trong nước, ít ai biết cô bắt đầu học múa khi đã 17 tuổi. Nghĩa là, thường muốn được điêu luyện như thế, muốn nhập bộ môn khắc nghiệt và kén chọn này, người học ngoài thể hình thể trạng phù hợp cần phải bắt đầu ở độ tuổi lý tưởng, từ 7 – 12 tuổi. Và trong quá trình trở thành diễn viên múa thực thụ, ngoài đam mê phải có một thái độ rèn luyện nghiêm túc, bất chấp đau đớn, bất chấp thời gian và thời tiết. Múa không có chỗ cho người lười! Con đường khổ luyện của Hoàng Yến – giảng viên Khoa Múa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội là một minh chứng.
NSND Hồng Lựu kể rằng, Yến yêu múa từ nhỏ, mỗi lần theo mẹ lên đoàn diễn, thay vì chăm chú nuốt lời thoại như mẹ ngày nhỏ, thì Yến lại chỉ chú ý những hoạt cảnh hình thể, và lúc nào cũng nói “sau này con sẽ thành diễn viên múa”. Thế nhưng NSND Hồng Lựu không muốn điều đó, vợ chồng chị phân tích cho con, nghề múa nghiệt ngã và có tuổi nghề rất ngắn, có được hào quang theo nghề cũng nhanh tắt. Nhưng Yến vẫn theo đuổi ước mơ của mình. Rồi trong một lần Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội về tuyển diễn viên múa, tuyển trạch viên đã nhìn ra tố chất của Yến, liền nói với NSND Hồng Lựu: Hình thể cháu rất hợp với múa, chị cho cháu theo đi! Yến nghe vậy lập tức ráo riết thuyết phục mẹ cho luyện múa để đi thi.
Khỏi nói về sự khổ luyện đến đau đớn của một cô bé đã lớn tuổi với múa như Yến phải ép cơ, xương, khớp để tập múa. Có khi Yến phải khóc thét lên. Bố và mẹ là NSƯT An Ninh và NSND Hồng Lựu nhìn con chảy nước mắt, không dám đưa con đi múa, đêm nằm không dám động vào người con. “Thương con mà chẳng biết làm sao, vì cháu nó mê quá. Đau đớn, cực khổ thế, tưởng cháu nó bỏ, nhưng chỉ một ngày sau cháu lại tỉnh rụi nói: Con vẫn quyết tâm theo múa!. Sự kiên gan của con khiến bố mẹ của phải chịu thua!”… Chị Lựu kể.
Thế rồi cũng qua, Hoàng Yến thi đỗ vào Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội trong niềm vui khôn tả của cả nhà. Quả ngọt ắt sẽ dành trọn cho người biết chắt chiu nó từ gian nan. Năm 2020, được sự động viên, khích lệ của cô giáo trực tiếp giảng dạy, Yến tham gia cuộc thi Tài năng Múa Việt Nam với tác phẩm “Hóa vàng” của NSƯT Trần Ly Ly. Tham gia cuộc thi đã là một thử thách lớn, cần bản lĩnh và sự rèn luyện khắt khe, bởi những thí sinh tham gia là những diễn viên múa đã luyện từ tấm bé. “Cùng múa một tác phẩm như em, nhưng có bạn ở TP. Hồ Chí Minh vào trường múa từ 7 tuổi, bạn ấy biểu diễn nhiều động tác vô cùng khó, với những kỹ thuật điêu luyện. Ban đầu em có chút thiếu tự tin, nhưng cô giáo em bảo rằng em sẽ làm được vì cách kể chuyện và biểu cảm sắc thái của em rất khó trộn lẫn.” Hoàng Yến kể. Và “Hóa vàng” được Yến biểu diễn như lên đồng. Tiết mục của Yến được Ban giám khảo đánh giá vượt trội ở cách thể hiện với giải Nhì chung cuộc.
Mỗi lần có vở múa mới, Yến lại về chia sẻ với mẹ và bố về cách mình lựa chọn để chuyển tải. Bố, mẹ luôn dành thời gian trao đổi về ý tứ văn học và hình tượng sân khấu để em hình dung và lên ý tưởng. “Cũng có lần cháu nghe tôi và anh Ninh, nhưng cũng có lúc cháu tự bước riêng, theo cách nghĩ, cá tính của mình. Tôi nghĩ khi đã thẩm thấu được chất văn học của vở thì cách đi là bản ngã của từng người. Và muốn diễn giỏi bất cứ bộ môn nào thì bạn phải có kiến thức văn học mới thể hiện tốt được”, NSND Hồng Lựu nói.
Sau tác phẩm “Vì đó là mẹ” em dự Army Games tại Nga đạt giải Nhì vào năm 2022, đồng thời là phần thi tốt nghiệp đạt xuất sắc, Yến tiếp tục đoạt thêm hai giải Nhì nữa ở Army Games tại Nga trước khi em được nhà trường tín nhiệm giữ lại làm công tác giảng dạy. Những ngày chớm đông em đã nhận được quyết định theo học biên đạo múa tại Trung Quốc, một phần thưởng lớn cho sự nỗ lực không biết mệt mỏi của một tài năng múa Việt Nam.
Thế nhưng, bấy nhiêu chưa đủ để NSND Hồng Lựu cho rằng cây đã cho trái ngọt. Chị nghĩ con cần có những tháng ngày rèn giũa thêm. Nhưng ấn tượng tiếp theo của Hoàng Yến mà theo mẹ cô đó chính là “cú hat-trick niềm tin” về sự trưởng thành của con, khi em nhận được cái gật đầu vào vai Hồ Xuân Hương trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của bà.
Khi nhận chương trình này, đạo diễn Vũ Hải muốn tuyển một diễn viên múa có thể diễn được trường đoạn dài về nữ sĩ Hồ Xuân Hương từ khi bà 11 tuổi đến 50 tuổi. Cả quãng đời dài đó người diễn viên phải hóa thân vào từng cuộc đời, từng thân phận trong tác phẩm. “Có những phân đoạn tôi cũng thấy bất ngờ, cháu diễn nhí nhảnh khi còn trẻ con, diễn đằm thắm, lẳng lơ khi giao duyên với Chiêu Hổ và Nguyễn Du, cay đắng ê chề, mỉa mai, ngạo nghễ đau đớn khi thốt lên Ví đây đổi phận làm trai được/ thì sự anh hùng há bấy nhiêu, khi chứng kiến những trái ngang cuộc đời. Tất cả những chiều dài về cuộc đời qua thơ được cách điệu lên sân khấu thì Yến đều tải hết”, đạo diễn Vũ Hải cho biết.
Khi được hỏi có áp lực không khi tham gia nghệ thuật mà sinh ra trong cái nôi gia đình nghệ thuật tên tuổi? Yến cho rằng áp lực chỉ là mình phải tự tạo cho bản thân mỗi khi diễn một chương trình, một sân khấu và một thử thách mới. “Thành công vẫn còn ở phía trước, nhưng chúng ta luôn biết trân trọng quá khứ vì có nó mới thấy được trái ngọt hôm nay”, NSND Hồng Lựu nói như lời tâm sự, gửi gắm với con gái.