Hoạt động nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tuần qua

10/09/2016 15:13

(Baonghean.vn) - Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016; Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Cử thành viên tham gia BCĐ phòng, chống rửa tiền; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần qua

1 - Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016

Chính phủ họp thường kỳ tháng 8/2016.
Chính phủ họp thường kỳ tháng 8/2016.

Chính phủ yêu cầu từng Bộ, ngành, địa phương phải đề ra giải pháp hữu hiệu, quyết tâm hành động, nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách, kiên quyết không thay đổi mục tiêu... để tạo chuyển biến rõ nét về tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2016.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; cải tiến và công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính, người đứng đầu; thực hiện ngay việc thiết lập kênh để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp để kịp thời tiếp thu, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

2- Thúc đẩy hoàn thành kế hoạch phát triển KTXH năm 2016

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Công điện 1576/CĐ-TTg về thúc đẩy hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các Hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân và toàn thể Nhân dân tranh thủ những thời cơ, khắc phục những khó khăn thách thức, tổ chức lao động sản xuất, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và Nhân dân tổ chức sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả, đúng pháp luật; truyền cảm hứng sáng tạo và khởi nghiệp tới các doanh nhân, các nhà đầu tư, khát vọng vươn lên làm giàu cho mình và cho đất nước.

3- Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ

Trụ sở Bộ Nội vụ - Ảnh minh họa.
Trụ sở Bộ Nội vụ - Ảnh minh họa.

Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ dành Chương II với 11 Điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ về: Pháp luật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; hợp tác quốc tế; cải cách hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác; hội, tổ chức phi Chính phủ; tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; về cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra, thanh tra; quản lý tài chính, tài sản.

Cơ cấu tổ chức của Bộ gồm: Vụ; Văn phòng; Thanh tra; Cục (nếu có); Tổng cục (nếu có); đơn vị sự nghiệp công lập.

4- Cử thành viên tham gia BCĐ phòng, chống rửa tiền

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa Quyết định cử thành viên tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban chỉ đạo. Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng (Phó Trưởng ban thường trực); Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương.

Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, cơ chế và giải pháp trong công tác phòng, chống rửa tiền; chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) và kế hoạch tiến tới thực hiện đầy đủ 40+9 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF); phối hợp với các lực lượng nòng cốt trong công tác chống khủng bố nhằm nghiên cứu, đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chính sách pháp luật, chương trình, biện pháp chống tài trợ cho khủng bố trên lãnh thổ Việt Nam.

5- Xây dựng giải pháp cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ Quỹ BHXH

Xây dựng biện pháp cụ thể để quản lý chặt chẽ Quỹ Bảo hiểm xã hội . Ảnhminh họa
Xây dựng biện pháp cụ thể để quản lý chặt chẽ Quỹ Bảo hiểm xã hội . Ảnhminh họa

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và bền vững Quỹ bảo hiểm xã hội, trước hết là cân bằng thu chi, gắn với lộ trình tăng phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Thông báo nêu rõ, về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19 trong mấy năm gần đây, công tác bảo hiểm xã hội đã chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả bước đầu căn bản như đã rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không còn phù hợp, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan bảo hiểm xã hội của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội tập trung của cả nước.

6- Mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020: Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1% - 1,5%/năm

Một trong những mục tiêu của Chương trình là 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân.
Ảnh minh họa

Theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình đặt mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.

Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).

7- Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Chỉ thị 25/CT-TTG về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án. Chủ đầu tư, cơ quan quyết định, phê duyệt đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề môi trường trên địa bàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành, địa phương.

8 - Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền. Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; phải đeo thẻ công chức, viên chức, nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ.

9 - Đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại văn bản 7469/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đảm bảo việc chấp hành các qui định của pháp luật về hoạt động thanh toán.

Đồng thời có biện pháp khuyến khích, yêu cầu các ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, an ninh các dịch vụ thanh toán; tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách sử dụng các dịch vụ thanh toán an toàn, hạn chế rủi ro và phòng tránh tội phạm.

10- Giải quyết dứt điểm các tồn đọng chính sách đối với Cựu TNXP

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.

Thông báo kết luận nêu rõ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách đối với Thanh niên xung phong. Gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2016/QĐ-TTg ngày 05/7/2016 điều chỉnh chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTgngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng văn bản giải quyết chế độ đối với Thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975.

11- Kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo điều hành giá

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa ký Quyết định kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo này. Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng làm Phó trưởng ban.

Ban Chỉ đạo điều hành giá có nhiệm vụ nghiên cứu, giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt hoặc quyết định những chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá trong từng thời kỳ; thực hiện đồng bộ các chính sách về giá các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu; quyết định các biện pháp điều hành giá cụ thể đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu phù hợp trong từng thời kỳ; thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu.

Ban Chỉ đạo còn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về giá phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ về kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ; xử lý một số vấn đề khác liên quan đến điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khi được Thủ tướng Chính phủ giao.

12- Phấn đấu đến 2020 có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Mục tiêu của Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước; tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; số xã còn lại đảm bảo đạt 5 tiêu chí trở lên.

Mỗi tỉnh có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Hoạt động nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tuần qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO