Học online - những câu chuyện 'dở khóc, dở cười'
(Baonghean.vn) - Việc học trực tuyến đang được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai trong điều kiện học sinh chưa thể đến trường. Hình thức mới này cũng dẫn đến nhiều câu chuyện "dở khóc, dở cười” đối với những gia đình có con nhỏ đang học trực tuyến.
Cả gia đình “loay hoay” vì con học online
Đây là năm đầu tiên việc học online được triển khai ngay thời điểm đầu năm học mới và trong tình cảnh nhiều lớp giáo viên và học sinh chưa được làm quen với nhau. Điều này, với học sinh tiểu học thì thực sự khó khăn bởi ở lứa tuổi này các em chưa có ý thức tự giác, nhiều em hiếu động và còn ham chơi...
Con mới bắt đầu làm quen với học online chỉ 2 buổi, trong đó có 1 buổi chính khóa, 1 buổi để cô giáo gặp mặt nhưng chị Mai Thanh - phường Hưng Bình, thành phố Vinh đã cảm thấy vất vả, “ong cả đầu” vì phải theo con đến hết buổi học.
Nói về điều này, chị Thanh cho biết: Cháu năm nay mới học lớp 2 còn ham chơi lắm nên cháu vào học thì bố hoặc mẹ cũng ngồi bên để kèm cặp. Gần 2 tiếng học với con, quả thực tôi thấy các cháu học không được nhiều bởi cô giáo chủ nhiệm phải dành khá nhiều thời gian để nhắc nhở học trò. Nhiều học sinh nghịch ngợm còn không tắt míc nên tiếng ồn khá nhiều...Hôm qua mới học xong tiếng tập đọc mà tôi còn nghe thấy cả giáo viên chủ nhiệm than “Mệt mỏi quá đi thôi”. Vừa thương cô mà cũng thực thương trò.
Học online với học sinh lớp 1 luôn là một điều hết sức khó khăn với các gia đình. Ảnh: MH |
Con gái chị Kim Long (xã Nghi Kim) năm nay cũng bắt đầu vào lớp 1. Thế nhưng, cách đây hơn một tháng, khi dịch mới bùng phát trở lại, chị gửi con về cho ông bà ở Quỳnh Lưu và đến nay vẫn chưa thể trở lại để đi học. Vì con ở xa, học qua zoom nên suốt buổi con học chị phải bật máy điện thoại để vừa dỗ dành, vừa nhắc con học nhưng rồi hai mẹ con cố gắng giằng co thì cũng chỉ được 35 phút và sau đó bé “trốn vào chăn nằm khóc”. Buổi học tưởng kéo dài 2 tiếng của thời khóa biểu cũng kết thúc sớm từ đó.
Mặc dù đã lường trước những khó khăn nhưng chỉ một ngày sau khi các con học bằng hình thức online rất nhiều phụ huynh đã chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình.
Tại một trong những diễn đàn dành cho các mẹ ở Nghệ An, khi đặt câu hỏi “Buổi học trực tuyến đầu tiên của con bạn diễn ra như thế nào” đã nhận được hàng trăm bình luận với nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười”. Chị Hải Lê cho biết: Cả lớp đang học nghiêm túc bỗng nhiên một bạn chưa tắt míc và sau đó là tiếng của một phụ huynh hét to lên khiến cả lớp ngỡ ngàng, hoang mang.
Nhiều gia đình rơi vào tình huống oái oăm khi con học online. Ảnh: HL |
Một phụ huynh khác thì bật cười khi nghe con hỏi “Bố ơi, cô mất mô rồi nà, các bạn đang tìm, cô đang giảng giờ mất hút luôn”. Đồng hành với con cả buổi học, chị Phương Nguyễn không biết trả lời với con thế nào khi chỉ trong hơn 1 tiếng mà hàng chục câu hỏi cứ lặp đi lặp lại “Mẹ ơi con không nghe tiếng cô nói, mẹ ơi máy con bị đơ rồi, mẹ ơi con bị out ra rồi...".
Giáo viên vất vả
Ngay từ khi triển khai dạy học online, ngành giáo dục Nghệ An đã chủ trương chia thành 3 ca, sáng, chiều và tối với nhiều khung giờ khác nhau nhưng do lượng truy cập quá đông nên tình trạng nghẽn mạng hoặc không truy cập được, không vào lớp học được là chuyện thường xuyên xảy ra.
Dạy học online là một trải nghiệm đặc biệt với nhiều giáo viên. Ảnh: PV |
Lớp 4C con của chị Thảo Nguyên có 48 cháu và qua khảo sát số học sinh có máy tính để học online chiếm trên 70%. Thế nhưng, trong buổi học đầu tiên, theo quy định 5h là lớp bắt đầu vào tiết 1 nhưng đến hơn 6h chiều vẫn có bạn chưa vào được. Học được một thời gian ngắn thì tình trạng rớt mạng diễn ra thường xuyên...
Có những bạn khởi động được lại máy thì buổi học lại vừa kết thúc. Trong suốt quá trình các con theo học, trong nhóm kín Zalo của lớp các phụ huynh tương tác liên tục vì máy của con gặp sự cố. Buổi học thứ 2, dù mạng có cải thiện hơn nhưng vẫn có khá nhiều phụ huynh gặp khó khăn khi con vào lớp, thậm chí có phụ huynh chuyển đến 4 máy nhưng chưa thể vào được lớp.
Qua những ngày đầu làm quen và dạy học online, một giáo viên tiểu học ở thành phố Vinh cũng cho biết: Dạy một tiết học online vất vả gấp 2, gấp 3 so với dạy bình thường. Dù chúng tôi rất cố gắng và vẫn muốn truyền tải được nhiều kiến thức cho con nhưng quả thực với cách học này, các cháu tiếp thu được 50 - 60% là cũng thành công lắm rồi.
Các giáo viên ở Trường THCS Trà Lân dạy học trực tuyến tại nhà trường. Ảnh: PV |
Ở bậc THCS, THPT dù cho học sinh có ý thức hơn và đã làm quen với hình thức học online nhưng việc quản lý lớp học cũng không dễ dàng.
Chị Thanh Thủy có con đang học lớp 7 ở Vinh cho biết: Tôi thấy giáo viên vất vả quá vì vừa phải dạy học sinh, vừa phải tương tác với phụ huynh để thông báo tình hình của con. Lớp con tôi sáng nay, cô chụp lại màn hình những bạn không bật camera để yêu cầu phụ huynh nhắc nhở con, sợ các cháu học bài không nghiêm túc. Rồi việc ra bài tập, kiểm tra bài làm của học sinh cũng sẽ khó khăn và nếu giáo viên nào không nhiệt tình, không tâm huyết thì sẽ dễ “buông lỏng”.
Dù đã có hướng dẫn của Sở GD và ĐT nhưng nhiều trường học vẫn xếp Thời khóa biểu cho học sinh tiểu học quá nhiều môn. Ảnh: MH |
Xung quanh việc học online nhiều phụ huynh, học sinh cũng có những băn khoăn. Như hiện tại, theo quy định của ngành giáo dục, bậc tiểu học chỉ tập trung vào ba môn Toán, Tiếng Việt và Ngoại ngữ nhưng thực tế thời khóa biểu học online không khác ngày thường. Như lớp của con chị Mai Thanh, thời khóa biểu thứ 3, bắt đầu từ 7h tối, tiết đầu tiên là tiết Thể dục. Với việc bố trí môn học bất hợp lý như thế này chị cho biết “cháu vừa ăn xong rồi bắt cháu tập thể dục không biết sẽ tập thế nào”.
Với bậc THCS, nhiều trường cũng bố trí các tiết như Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật vào lịch học online và nhiều phụ huynh cũng cho rằng điều này là chưa thực sự cần thiết. Chị Phạm Liên có con đang học lớp 8 cho biết: Tôi cho rằng môn học nào cũng quan trọng nhưng không phải môn học nào cũng phù hợp với hình thức dạy học online. Nên chăng nhà trường cần linh hoạt trong việc bố trí thời khóa biểu để việc học online hiệu quả và không “gây khó” cho cả giáo viên và học sinh...
Qua hai ngày học online, bên cạnh những mặt tích cực thì những khó khăn, bất cập rõ ràng cũng đã nảy sinh. Và để thích ứng với hoàn cảnh mới, ngoài nỗ lực, cố gắng và đồng tình của phụ huynh, học sinh thì việc điều hành và quản lý làm sao để dạy online hiệu quả vẫn đang cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của ngành giáo dục và của các nhà trường. Sớm tháo gỡ khó khăn cũng sẽ giúp cho việc học online được dễ dàng hơn và đạt được mục tiêu đề ra./.