Học sinh bị trầm cảm vì kỳ vọng quá lớn của cha mẹ, thầy cô
"Học nhiều để làm gì hả cô? Em không hiểu...", thạc sĩ Phạm Thị Bích Phượng dẫn lời của học sinh mắc bệnh trầm cảm vì quá áp lực.
Câu chuyện đau lòng của học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến (TP.HCM) tự tử, để lại thư nói rằng vì áp lực học tập, không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình, khiến nhiều người suy nghĩ.
Tuổi thơ chỉ có học
"Đây không phải trường hợp đau đớn duy nhất", đó là lời khẳng định của thạc sĩ Phạm Thị Bích Phượng - giáo viên phụ trách phòng tâm lý, trường THPT Marie Curie TP.HCM.
Cô Phương chia sẻ câu chuyện đang xảy ra chính tại trường học của mình, liên quan học sinh tên Thanh (tên đã thay đổi).
Thanh học giỏi nhất lớp, điểm tổng kết gần 9 phẩy. Thanh mới học lớp 11, còn chưa ôn thi đại học nhưng lịch học thêm đã kín cả tuần. Nam sinh không được chơi thể thao, không có nhóm bạn, cũng chưa một lần nắm tay bạn nữ. Những lúc rời mắt khỏi sách vở, em có một chiếc điện thoại thông minh để giải trí.
Giáo viên tâm lý của trường kịp thời tiếp cận khi Thanh rơi vào trầm cảm. Em có thể hành động tiêu cực nếu không được phát hiện kịp thời.
Cô Phượng cho biết Thanh từng thổ lộ với giáo viên: "Nếu bố mẹ thu nốt chiếc điện thoại này nữa, cuộc đời em sẽ chẳng còn gì".
Thanh vùi đầu vào học, không phải vì hứng thú với kiến thức. Em học để bảo vệ chiếc điện thoại - nguồn giải trí cuối cùng của mình. Trước đó, cứ mỗi lần điểm số của nam sinh giảm, bố mẹ lại cắt bớt một trò giải trí vì tin rằng đó chính là nguyên nhân khiến con sa sút.
"Học nhiều để làm gì hả cô? Em không hiểu...", cô Phượng dẫn lời của Thanh khi căn bệnh trầm cảm đã xâm chiếm lấy em.
Học thêm, học chính từ sáng đến gần 23h đêm, về nhà không kịp thay đồng phục, nữ sinh này lại ngồi vào bàn học tiếp. Ảnh: Nguyễn Hằng |
Mạng xã hội những ngày qua chia sẻ bức ảnh chụp nữ sinh lớp 9 đang học bài lúc 23h. Nữ sinh vẫn cặm cụi học với bộ đồng phục chưa kịp thay. Em vừa trở về nhà sau buổi học thêm kéo dài từ 19h.
Nguyễn Hằng - chị gái của nữ sinh - than thở: "Học kín cả tuần không nghỉ, tối về ăn vội vàng rồi lại đi học thêm. Chưa biết có học tốt hơn không nhưng sức khỏe nó đã giảm quá nhiều rồi".
Vất vả thế cũng chỉ vì năm nay em thi vào lớp 10. Mẹ là giáo viên, bố làm công chức nên áp lực học hành đặt lên nữ sinh càng lớn. Hễ bị điểm thấp, về nhà, cô bé lại bị phạt.
"Mười một rưỡi đêm rồi, nó vẫn vừa học thuộc bài ngày mai vừa xúc cơm ăn, còn một đống đề cương nữa. Không biết nó còn học đến mấy giờ đây?", chị gái lo lắng, tâm sự.
Phụ huynh bỏ ngoài tai những lời than thở đó. Chính cô chị vài năm trước cũng chẳng khác cô em, vùi đầu vào ôn thi trong sự kỳ vọng của cả gia đình: "Tuổi thơ của chị em mình chỉ có học thôi, thế nên ra ngoài xã hội vẫn ngu ngơ lắm".
Cắt hết nguồn giải trí, sai lầm tai hại
Theo thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Bích Phượng, áp lực học hành sẽ khiến học sinh mắc những vấn đề về tâm lý. Một phút bồng bột, đứa trẻ có thể hành động tiêu cực để bày tỏ thái độ, bỏ nhà đi để thử xem bố mẹ lo lắng thế nào, hoặc nhịn ăn, nhốt mình trong phòng vì giận dỗi người thân.
"Chưa năm nào tỷ lệ học sinh trầm cảm vì học tập của trường em Thanh lại cao như năm nay. Nhiều năm trước, học sinh chỉ đối mặt các vấn đề tâm lý thông thường như yêu đương, tình cảm bạn bè", thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Bích Phượng nói.
Tuổi học trò đâu chỉ có điểm số và thành tích. Các em cũng phải có những hồn nhiên, tinh nghịch trong câu thành ngữ "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Đứa trẻ không được sống đúng với lứa tuổi của mình sẽ phát sinh những suy nghĩ lệch lạc.
Cô Phượng đang trực tiếp điều trị cho 3 trường hợp học sinh bị trầm cảm tại trường. Để tiếp cận những trường hợp này, cô Phượng đã phải rà soát từng lớp thông qua bài trắc nghiệm tâm lý.
Những trường hợp này đều có điểm chung là thời gian học hành lấn át hết hoạt động khác. Nếu các em sa sút trong học tập, phụ huynh lại cắt bớt những thú vui giải trí. Môi trường sống của các em bị bó hẹp dần đến khi không còn gì khác ngoài sách vở.
Đối mặt với những áp lực, đứa trẻ sẽ có 2 lựa chọn. Một là phá tung các rào cản, trở nên ương bướng và nổi loạn. Hai là thu mình lại, trở nên ngại giao tiếp và rơi dần vào trầm cảm.
"Chính ở giai đoạn trầm cảm này, chỉ cần thêm một động tác kích hoạt nữa là đứa trẻ sẽ hành động tiêu cực", cô Phượng nhận định.
Ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản, nêu thực trạng: "Thi cử đã trở thành hoạt động trung tâm của giáo dục và trường học thực chất đã biến thành trung tâm luyện thi. Dạy thêm ngoài giờ, dạy phụ đạo, dạy thêm, dạy bồi dưỡng… cũng là để phục vụ thi".
Ông Vương cho rằng trường học - nơi có chức năng phát hiện, khai mở tối đa phẩm chất năng lực của con người để họ biết sống như một người bình thường, một người biết kiếm tìm hạnh phúc cho mình và xã hội - đã biến thành một cỗ máy luyện thi lạnh lùng và tàn nhẫn.
Gia đình, nhà trường nên giảm áp lực
Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Bích Phượng cho biết không chỉ riêng trường THPT Nguyễn Khuyến, áp lực thi cử đang đè lên học sinh của toàn TP.HCM. Các em hầu như không có thời gian để tìm hiểu năng khiếu, sở thích của bản thân. Nguy cơ trong tương lai, tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử sẽ gia tăng.
TP.HCM là đơn vị đi đầu trong việc triển khai phòng tư vấn tâm lý ở các trường phổ thông. Tuy nhiên không phải tất cả các trường trong thành phố đều làm tốt công tác này. Áp lực thi cử tăng cao khiến nhu cầu phải có chuyên gia tâm lý ngày càng lớn.
Chuyên gia tâm lý cho rằng người ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý học sinh vẫn là phụ huynh. Thay vì cắt hết các nguồn giải trí, bố mẹ phải hiểu rõ con mình muốn gì? Điều gì khiến cho con hạnh phúc?
Khi thấy đứa trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, thu mình, sinh hoạt thất thường, ngại giao tiếp, gia đình nên có biện pháp tìm hiểu ngay trước khi quá muộn.