Học sinh Nghệ An lúng túng khi đăng ký vào lớp 10
Ngày 7/5, học sinh thi vào lớp 10 bắt đầu đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến. Dù có đến 3 nguyện vọng được đăng ký, nhưng nhiều học sinh vẫn cho rằng không có nhiều lựa chọn để vào các trường công lập.
Không sử dụng hết quyền đăng ký
Đã tham gia 2 lần thi thử và đều đạt trên 24 điểm, nhưng học sinh Trần Hà An (lớp 9A) – Trường THCS Nghi Trung (Nghi Lộc) chỉ đăng ký 1 nguyện vọng vào Trường THPT Nguyễn Duy Trinh.

Thí sinh này nói rằng, em cũng muốn thử sức ở các trường công lập khác, nhưng phần lớn các trường tốp đầu chỉ tuyển thí sinh theo nguyện vọng 1 nên học sinh không có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Các trường công lập có tuyển NV2 đều ở các huyện miền núi hoặc cách xa nơi em ở đến gần 60km, nên nếu có trúng tuyển em cũng không thể theo học. Việc chỉ được đăng ký 1 nguyện vọng vào trường công lập khiến em khá lo lắng, vì nếu bị trượt em sẽ không còn một cơ hội nào khác.
Học sinh Trần Hà An
Đến sáng 7/5, phần lớn học sinh của lớp 9A đã chọn xong ngôi trường các em dự định đăng ký thi. Qua tổng hợp, đến hơn 90% học sinh chọn Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Một số ít học sinh còn lại, chọn đăng ký vào Trường THPT Nghi Lộc 4.
Cô giáo Hoàng Thị Phương – chủ nhiệm lớp cho biết: Năm ngoái Trường THPT Nguyễn Duy Trinh lấy hơn 18 điểm và Trường THPT Nghi Lộc 4 lấy hơn 16 điểm. Đây là một phần căn cứ để chúng tôi tư vấn, định hướng cho học sinh. Nếu em nào có lực học yếu hơn, chúng tôi sẽ tư vấn học sinh có điểm chuẩn thấp để tăng cơ hội trúng tuyển vào công lập.
.jpg)
Điều khó khăn nhất của học sinh đó là hiện nay các trường công lập có tuyển sinh NV2 rất ít, nên dù có đến 3 NV được đăng ký nhưng học sinh không sử dụng hết quyền của mình. Một lo lắng khác của các em đó là phải cạnh tranh với học sinh từ thành phố Vinh ra Nghi Lộc dự thi nên điểm chuẩn sẽ cao.
Cô giáo Hoàng Thị Phương
Trước mùa thi năm nay, cô giáo Lê Thị Thúy Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Trung cũng thừa nhận có nhiều khó khăn. Cụ thể, đây là lứa học sinh chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid – 19, hơn một học kỳ của lớp 6 các em phải học online không được học thêm. Đây cũng là khóa học sinh đầu tiên thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và đặt trong bối cảnh các nhà trường thực hiện Thông tư 29 nên việc ôn tập của học sinh không được nhiều như các năm trước.
Cô giáo Lê Thị Thúy Hằng nói thêm: Năm ngoái, trường chúng tôi xếp thứ 26 trong số hơn 400 trường THCS về kết quả thi vào lớp 10 với điểm trung bình của học sinh là trên 20 điểm. Nhưng năm nay, tôi nghĩ khó đạt được kết quả này. Đây chính là lý do khiến các em lưỡng lự khi đăng ký nguyện vọng vào lớp 10. Sẽ có nhiều học sinh của trường chúng tôi sẽ thi vào các trường Nghi Lộc 4 hoặc lựa chọn phân luồng, thay vì vào ngôi trường tốp 1 của huyện là Trường THPT Nguyễn Duy Trinh.

Khó tránh tình trạng hồ sơ “ảo”
Tại Trường THCS Hà Huy Tập (thành phố Vinh), dù mấy ngày trước học sinh đã được cấp mật khẩu và đã được đăng ký thử nhưng trong sáng nay nhiều học sinh cho biết vẫn chưa “chốt” phương án lựa chọn. Học sinh Nguyễn Tùng Lâm – lớp 9C cho biết: "Em đã thi thử 2 lần và đều đạt trên 23 điểm nên đang dự định đăng ký NV1 vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Các nguyện vọng còn lại em không phải băn khoăn nhiều, vì trên địa bàn thành phố Vinh chỉ có trường ngoài công lập là có các NV2, NV3.

Năm nay, toàn Trường THCS Hà Huy Tập có 8 lớp với 335 học sinh, giảm khá nhiều so với năm học trước. Dù dự báo kỳ thi vào lớp 10 sẽ bớt áp lực, nhưng việc đăng ký dự thi vẫn được nhiều học sinh, phụ huynh quan tâm.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mỗi năm có khoảng 80% học sinh trường chúng tôi sẽ thi đậu vào các trường công lập. Vì thế, khi tư vấn cho học sinh chúng tôi yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được năng lực của từng học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức 2 kỳ thi thử cho học sinh lớp 9, bám sát đề thi minh họa và chấm, chữa bài kỹ lưỡng cho học sinh. Kết quả của các kỳ thi này sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để học sinh xác định được khả năng của bản thân và đăng ký vào các ngôi trường phù hợp.
Do năm nay ngành Giáo dục Nghệ An tiếp tục cho học sinh được thay đổi nguyện vọng sau khi thi xong nên nhiều giáo viên cho rằng, việc đăng ký ban đầu chỉ mang tính chất “tương đối” và không tránh được hồ sơ ảo.

Thực tế, các năm trước, sau khi thi xong, số lượng học sinh thay đổi nguyện vọng khá nhiều, dẫn đến những biến động “đi – đến” ở các nhà trường.
Từ khó khăn này, nhiều giáo viên và học sinh mong muốn trong 2 ngày đổi nguyện vọng, Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường THPT cần công khai số lượng học sinh có điều chỉnh nguyện vọng. Từ đó, nhằm đảm bảo công bằng khách quan trong công tác tuyển sinh và tránh tình trạng ồ ạt rút hồ sơ dẫn đến “thiệt đơn”, “thiệt kép” cho một số học sinh có năng lực.