Học tập tấm gương cộng sản Chu Huy Mân, xây dựng Đảng bộ Nghệ An vững mạnh

Đồng chí Chu Huy Mân, tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17 tháng 3 năm 1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Đồng chí sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường, là quê hương của nhiều nhà yêu nước vĩ đại, trong đó tiêu biểu nhất là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, đồng chí Chu Huy Mân đã sớm được nuôi dưỡng bằng bầu máu nóng, lòng nhiệt huyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của các thế hệ cha anh.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo Khoa học về Đại tướng Chu Huy Mân

Từ những buổi đầu tham gia hoạt động cách mạng và được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 17 tuổi. Bằng ý chí cách mạng và lý tưởng của người Cộng sản, đồng chí Chu Huy Mân đã thề trước cờ Đảng “nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng. Nếu bị bắt bớ, cực hình, tra tấn quyết không khai, dù phải chịu tù đầy quyết không nản chí, vào sống ra chết không sờn lòng”.

Đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Khu ủy cùng các sĩ quan Bộ Tham mưu theo sát chiến trường, chỉ huy các mũi tấn công giải phóng vào thành phố Đà Nẵng; Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm đơn vị xe tăng T54 trước giờ tiến công vào giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu
Đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Khu ủy cùng các sĩ quan Bộ Tham mưu theo sát chiến trường, chỉ huy các mũi tấn công giải phóng vào thành phố Đà Nẵng; Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm đơn vị xe tăng T54 trước giờ tiến công vào giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã nhiều lần bị địch bắt, tra tấn và tù đày, nhưng đồng chí vẫn không hề nản chí, sờn lòng và đã tìm cách vượt ngục trở về hoạt động cách mạng. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lăn lộn trên các chiến trường từ Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu Việt Bắc, Tây Bắc đến mặt trận Tây Nguyên, chiến trường miền Trung, Lào và Campuchia… đồng chí luôn nêu cao tấm gương sáng về ý chí và hoài bão của một người con yêu nước, luôn nỗ lực phấn đấu và trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng văn võ song toàn của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, về đức hy sinh, lòng dũng cảm, trí thông minh, tài thao lược để các thế hệ học tập noi theo.

Bước vào cuộc đấu tranh cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân đã sớm xác định những khó khăn, thử thách phải vượt qua. Ngay từ những năm tháng hoạt động ở quê nhà đến thời gian bị giam cầm trong lao tù của thực dân, đồng chí luôn nêu cao tinh thần và ý chí bất khuất của người Cộng sản trước sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Trong suốt hai cuộc trường chinh của dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Chu Huy Mân luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân; suốt đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đặc biệt, trên cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Chu Huy Mân luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng;  tác phong lãnh đạo, chỉ huy kiên quyết, mưu lược, sáng tạo, tôn trọng nguyên tắc, phát huy dân chủ và giữ nghiêm kỷ luật, đồng thời luôn chân tình, gần gũi thương yêu đồng chí, đồng đội. Không chỉ là vị tướng mẫu mực của Quân đội, đồng chí còn có nhiều cống hiến có giá trị cho sự nghiệp quốc tế cao cả của Đảng.

Đại tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói chuyện với các nữ dân quân dân tộc Tày ở Lạng Sơn (1984); Đại tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm phòng thí nghiệm của Bệnh viện Quân y 103 nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Tý (1984); Thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ đoàn không quân Thăng Long nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Tý (1984). Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN
Đại tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói chuyện với các nữ dân quân dân tộc Tày ở Lạng Sơn (1984); Đại tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm phòng thí nghiệm của Bệnh viện Quân y 103 nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Tý (1984); Thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ đoàn không quân Thăng Long nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Tý (1984). Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “giúp bạn là tự giúp mình”, đồng chí đã cùng Trung đoàn 74 tham gia giúp cách mạng Trung Quốc tiêu diệt quân Tưởng Giới Thạch, mở rộng căn cứ địa Hoa Nam (năm 1948) và sát cánh cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (năm 1949). Từ năm 1954, đồng chí nhiều lần được Đảng, Bác Hồ cử sang giúp cách mạng Lào. Với cương vị Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 100 chuyên gia quân sự Lào, Tổng cố vấn Việt Nam cho Chính phủ Lào, đồng chí đã tổ chức, giáo dục, động viên anh em trong Đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.

Là người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc tài ba, thao lược trên chiến trường, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân luôn gắn liền với hầu hết các sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Trưởng thành từ một cán bộ cơ sở, đồng chí Chu Huy Mân nhanh chóng trở thành một nhà lãnh đạo, một tướng lĩnh chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dấu chân của đồng chí in đậm khắp chiến trường từ Nam đến Bắc, ở đâu, bất cứ nhiệm vụ gì đồng chí cũng luôn thể hiện tác phong lãnh đạo, một người chỉ huy xuất sắc. Trên cương vị là Chính ủy, Tư lệnh Bí thư Đảng ủy Quân khu IV; Chính ủy kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng chí đã cùng với Thường vụ Quân khu ủy lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong những giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, phương pháp tư duy khoa học, sáng tạo, đồng chí Chu Huy Mân luôn chủ động phân tích, đánh giá, dự báo sát đúng những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn để tìm ra phương pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp, mang lại hiệu quả cao.

Trong hơn 11 năm ở Quân khu V, đảm nhiệm các cương vị Trưởng đoàn kiểm tra của Đảng ủy Quân sự Trung ương nghiên cứu tình hình Khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 – Tây Nguyên; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, các chiến dịch do đồng chí Chu Huy Mân trực tiếp chỉ huy đều giành thắng lợi. Đồng chí luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần tư tưởng chiến lược tiến công; phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp đánh địch bằng “hai chân, ba mũi”: tiến công bằng hai chân (quân sự, chính trị), ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh-địch vận)” trên cả ba vùng chiến lược, giành thắng lợi cả về chính trị và quân sự, giữ vững thế chủ động chiến lược.

Thượng tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Thượng tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Sau thất bại ở “chiến lược chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đổ quân vào chiến trường miền Nam, tham chiến ở Tây Nguyên, đồng chí đã chủ động đề xuất Khu ủy, Đảng ủy Quân khu 5 ra chủ trương xây dựng vành đai diệt Mỹ với phương châm: “vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu, vừa rèn luyện”. Những quyết định sáng suốt, quyết đoán của đồng chí Chu Huy Mân và tập thể Đảng ủy Mặt trận, Quân khu 5 đã góp phần quan trọng vào làm thất bại mọi âm mưu và ý đồ của địch. Trải nghiệm, tôi luyện trong thử thách, trong thực tế lãnh đạo, điều hành các cấp, với tác phong sâu sát quần chúng, với bản lĩnh cách mạng và tài trí kiên cường, đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường của cách mạng miền Nam, đóng góp to lớn vào sự thắng lợi của đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chiến tranh kết thúc, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hòa bình. Đồng chí Chu Huy Mân được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong các kỳ Đại hội IV và V, giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước)… Là một vị lãnh đạo, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chủ trương và quyết sách đúng đắn, đồng thời trực tiếp lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo xây dựng Quân đội theo hướng: “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Đồng chí Chu Huy Mân là nhà lãnh đạo và tổ chức hoạt động thực tiễn tài năng của Đảng và Quân đội cả trong chiến tranh và hòa bình, đồng chí Chu Huy Mân là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay học tập, noi theo. Học tập đồng chí Chu Huy Mân, chúng ta nguyện noi theo tấm gương suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân; học tập tinh thần cách mạng tiến công, bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ Cộng sản trước mọi khó khăn, thử thách không hề lùi bước; tác phong và phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát, tỉ mỉ; luôn bám sát và nắm chắc thực tiễn để sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi yêu thương đồng bào, đồng đội.

Tự hào là quê hương của đồng chí Chu Huy Mân và các vị cách mạng tiền bối, cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghệ An, cùng nhân dân cả nước đã vượt qua gian khổ, hy sinh, đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám; làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An qua các thời kỳ đã phát huy những truyền thống tốt đẹp, nêu cao tinh thần tiến công, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước.

Đồng Chí Chu Huy Mân (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh cùng Bác Hồ lúc về thăm Nghệ An (1961). Ảnh tư liệu
Đồng Chí Chu Huy Mân (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh cùng Bác Hồ lúc về thăm Nghệ An (1961). Ảnh tư liệu

Trong công cuộc đổi mới, đặc biệt, những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực vươn lên giành được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, năm 2022 đạt 9,08%, là mức tăng trưởng đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 22 của cả nước. Đây là mức tăng cao nhất trong 12 năm qua. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Kết thúc năm 2022, Nghệ An đã hoàn thành cơ bản hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH đề ra. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 21.805 tỷ đồng, tăng 45,2% so với dự toán, tăng 9,1% so với năm 2021. Thu hút đầu tư năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả rất tích cực. Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn xấp xỉ 1 tỷ USD.

Các lĩnh vực văn hoá – xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, sôi nổi, tạo sự phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tỉnh đã chủ động các giải pháp phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; tiếp tục giữ vững thành tích chất lượng giáo dục mũi nhọn, tiếp tục thuộc tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Các giải pháp về giải quyết việc làm, nhất là cho người lao động Nghệ An ở nước ngoài về nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được đẩy mạnh, tăng cường.

Thành phố Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quang Dũng
Thành phố Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quang Dũng

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội của tỉnh. Nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng củng cố cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động chính trị xã hội và an toàn các vùng đặc thù được thực hiện có hiệu quả. Việc đề cao cảnh giác, đã chủ động đấu tranh có kết quả, góp phần làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh được xác định là nhiệm vụ hàng đầu với mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, có đức, có tài, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng lý luận và năng lực thực tiễn. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị được triển khai sâu rộng, đã có sức lan tỏa và chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Từ nhận thức “làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác” đã dần trở thành ý thức tự giác, tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Những kết quả mà Nghệ An đạt được trong nhiều lĩnh vực rất đáng trân trọng, nhưng chỉ mới là bước đầu, còn rất khiêm tốn, vẫn còn thấp so với nhiều tỉnh có cùng điểm xuất phát. Tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nút thắt… chưa có được những giải pháp hay, hữu hiệu để tháo gỡ trong quá trình phát triển. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; một số nơi thuộc vùng đặc thù còn tiềm ẩn những yếu tố dễ mất ổn định về an ninh, trật tự. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Học tập và phát huy tinh thần cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân, phát huy truyền thống cách mạng và văn hóa của quê hương, Đảng bộ và nhân tỉnh Nghệ An quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường đoàn kết, thống nhất; đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2025; tạo cơ sở để đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Ngày mùa (Nam Đàn). Ảnh: Võ Thành Vinh
Ngày mùa (Nam Đàn). Ảnh: Võ Thành Vinh

XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU ĐỀ RA, TRONG THỜI GIAN TỚI, NGHỆ AN TẬP TRUNG THỰC HIỆN TỐT CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM SAU ĐÂY:

Thứ nhất: Đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế và những bất lợi của tỉnh trên quan điểm phát triển hiện đại, nhất là ở những khâu đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, thông qua đó, phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế và hóa giải những khó khăn, bất cập, điểm nghẽn trong sự phát triển của tỉnh. Lựa chọn cách tiếp cận phát triển mới, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình dài hạn phù hợp với xu thế chung, bền vững, bao trùm, với tinh thần “đi đầu, dậy trước”, “đột phá phát triển”, “bứt phá, tăng tốc” trong tiến trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai: Quyết tâm biến khát vọng về “Kỳ tích sông Lam” trở thành chương trình hành động phát triển, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách về thay đổi tư duy, thay đổi hiện trạng với tinh thần quyết liệt, kiên trì, bám sát và thực hiện bằng được mọi mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, dựa trên nền tảng phát huy cao độ sức mạnh nhân dân, tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích trước hết của tỉnh và của đất nước.

Thứ ba: Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đào tạo nghề gắn với sử dụng nghề để tạo việc làm cho nhân dân tại các khu công nghiệp của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chuyên môn hóa để tập trung nguồn lực xây dựng thành phố Vinh mở rộng trở thành đô thị thông minh, trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ trên các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, thương mại, du lịch, y tế, từng bước trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Thứ tư: Gắn chặt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững với đảm bảo về quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, giải quyết tốt các vấn đề dân tộc, tôn giáo. Giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, tình hữu nghị đặc biệt với các địa phương giáp biên của nước bạn Lào.

Thứ năm: Chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Các cấp ủy đảng quan tâm củng cố xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của đồng chí Chu Huy Mân, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ về mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên hết, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Chu Huy Mân, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An nguyện phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, tiếp bước các thế hệ cách mạng tiền bối, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, xây dựng tỉnh Nghệ An trở thành tỉnh khá như Bác Hồ hằng mong muốn, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thành phố Vinh nhìn từ xa (thành phố Vinh nhìn từ trên đỉnh rú Lam Thành): Ảnh: Hải Vương
Thành phố Vinh nhìn từ xa (thành phố Vinh nhìn từ trên đỉnh rú Lam Thành): Ảnh: Hải Vương