Hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công từ vốn vay nước ngoài
(Baonghean.vn) - Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài, sáng 1/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022.
Tại điểm cầu trung tâm ở thủ đô Hà Nội, đồng chí Tạ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ trì. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành liên quan, các cục, vụ và 59 tỉnh, thành cả nước.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các sở, ngành liên quan.
Khai mạc hội nghị, đồng chí Tạ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu một số nét cơ bản về tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài 6 tháng đầu năm. Theo đó, cùng với điểm qua tình hình, tiến độ đầu tư công toàn quốc, bao gồm tại các bộ, ngành và địa phương; những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định cũng như do giá cả các nguyên, vật liệu đầu vào gia tăng.
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2022, trên kế hoạch được giao là 34.800 tỷ đồng, trong đó, các bộ, ngành là 12.110 tỷ đồng, các địa phương là 22.690 tỷ đồng, đến nay đã nhập Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc đạt 100%. Tuy vậy, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài chưa cao. Cụ thể, tính đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân đạt trên 14%, lũy kế giải ngân (gồm vốn năm 2022 và 2021 chuyển sang) đạt 9,12%.
Công trình cầu qua kênh cầu Hào, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) được hình thành từ nguồn đầu tư công vốn vay nước ngoài năm 2021. Ảnh: Nguyễn Hải |
Tại Nghệ An, năm 2022, tỉnh được Trung ương giao kế hoạch vốn vay nước ngoài ODA là 482,14 tỷ đồng. Từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính nhập Hệ thống Thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc; đồng thời giao chi tiết 100% cho 7 dự án, đạt 100%; vốn kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022 có 53,7 tỷ đồng/3 dự án. Tính đến 30/6, Nghệ An đã giải ngân được 44,273 tỷ đồng/482,14 tỷ đồng, đạt 9,18%; chưa giải ngân vốn vay nước ngoài năm 2021 kéo dài sang năm 2022.
Cùng với nguồn trên, kế hoạch vốn vay lại từ nguồn vay của Chính phủ năm 2022 được Trung ương giao cho tỉnh là 219,9 tỷ đồng, UBND tỉnh đã giao chi tiết 157,078 tỷ đồng cho 7 dự án, đạt tỷ lệ 71,5%; tổng kế hoạch vốn vay lại được Sở Tài chính nhập Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc là 157,078 tỷ đồng, đạt 100%; còn 62,82 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết sẽ được phân bổ cho các dự án trên cơ sở kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương cấp phát điều chỉnh; tính đến 30/6 giải ngân được 10,159 tỷ đồng/kế hoạch 157,078 tỷ đồng, đạt 6,47%.
Thi công dự án đê kè sông Hoàng Mai thuộc địa bàn xã Quỳnh Đôi - Quỳnh Yên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là công trình đầu tư công từ vốn vay tài trợ ưu đãi. Ảnh: Nguyễn Hải |
Cũng như các bộ, ngành và địa phương, tại hội nghị, Nghệ An đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài còn thấp là do thủ tục thực hiện đối với chương trình dự án vốn ODA phải qua nhiều bước, quy trình đều gắn với thủ tục xin ý kiến nhà tài trợ; một số dự án trong các tháng đầu năm 2022 phải tiến hành thủ tục tuyển tư vấn lập, thẩm định trình phê duyệt bản thiết kế thi công, đấu thầu, rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng tái định cư nên chưa triển khai xây lắp, chưa có khối lượng.
Bên cạnh đó, giá cả các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh, nhất là giá thép, xăng, dầu nên các nhà thầu gặp khó khăn trong huy động nguồn lực, thi công dự án; giá đất từ cuối năm 2021 tại một số địa phương tăng đột biến nên công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng khó khăn…
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì và theo dõi hội nghị từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải |
Trên cơ sở kết quả, bài học kinh nghiệm, những khó khăn và bất cập về giải ngân trong 6 tháng đầu năm, đại diện các bộ, ngành, địa phương và Nghệ An kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 114/2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và vốn vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài; kiến nghị Chính phủ và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tài chính có ý kiến với nhà tài trợ về rà soát lại quy trình, thủ tục để hài hòa hơn giữa quy định của nhà tài trợ với quy định trong nước; các dự án thành phần tại Nghệ An đề nghị các bộ chủ quản, Ban Quản lý dự án Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo để triển khai các công việc và kế hoạch đấu thầu đảm bảo tiến độ đề ra.