Hội nghị Trung ương 5 bàn về kinh tế và xem xét kỷ luật cán bộ

05/05/2017 14:15

Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc sáng 5/5 tại Hà Nội sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đổi mới doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, xem xét kỷ luật cán bộ...

Diễn ra trong 5 ngày (5-10/5), Hội nghị Trung ương 5 sẽ thảo luận các nội dung về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Hội nghị cũng cho ý kiến vào báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xem xét thi hành kỷ luật cán bộ và một số nội dung quan trọng khác.

hoi-nghi-trung-uong-5-ban-ve-kinh-te-va-xem-xet-ky-luat-can-bo

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trung ương xem xét, đánh giá ưu khuyết điểm Bộ Chính trị, Ban bí thư

Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, để chuẩn bị cho Hội nghị, từ tháng 10/2016, Ban bí thư đã thành lập các Ban chỉ đạo xây dựng đề án, báo cáo về những nội dung nêu trên để Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét, quyết định...

"Bộ Chính trị, Ban bí thư đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng báo cáo trình Hội nghị Trung ương lần này", Tổng bí thư nói và cho biết việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã được thực hiện bài bản, theo từng bước hợp lý.

Cũng theo Tổng bí thư, "không khí kiểm điểm dân chủ, đoàn kết, thẳng thắn, chân tình. Các nhân sự được góp ý đã tiếp thu nghiêm túc, cầu thị, coi đây là cơ hội quý để học tập, chia sẻ lẫn nhau". Trong quá trình kiểm điểm, từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư đã liên hệ đến trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực được phân công, thấy rõ những ưu điểm để phát huy, nhận ra những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục.

Tổng bí thư đã đề nghị Trung ương với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) trên các lĩnh vực. Đặc biệt, cần chỉ rõ những nguyên nhân, bài học và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Ban hành nghị quyết mới về kinh tế

Theo Tổng bí thư, nhiệm vụ của Hội nghị lần này là ban hành một nghị quyết mới của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Tổng bí thư cho biết Đảng và Nhà nước đã bàn nhiều lần, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và trên thực tế đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư.

Tổng bí thư nêu rõ: Có một câu hỏi lớn đặt ra cần được giải đáp thấu đáo là, vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?

Sau khi chỉ ra một số nguyên nhân, Tổng bí thư cho biết tờ trình của Bộ Chính trình gửi Trung ương, xin ý kiến về các vấn đề như: Khái niệm và vai trò của DNNN trong bối cảnh đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại DN 100% vốn Nhà nước; xây dựng mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.

Cùng với đó, Trung ương cũng sẽ cho ý kiến về việc đổi mới tổ chức và hoạt động của DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn; phương án đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của tổ chức đảng và công tác cán bộ trong DNNN; sự cần thiết phải ban hành một nghị quyết mới của Trung ương để tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN trong thời gian tới…

Thúc đẩy kinh tế tư nhân

Bên cạnh các nội dung trên, việc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân cũng là một nội dung chính sẽ được Trung ương cho ý kiến.

Hiện tỉ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39-40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế... Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Nhấn mạnh nghị trình kỳ họp này là những vấn đề "rất lớn và quan trọng" với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội cũng như xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng bí thư đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét quyết định vào cuối kỳ họp.

hoi-nghi-trung-uong-5-ban-ve-kinh-te-va-xem-xet-ky-luat-can-bo-1

Theo chương trình, Hội nghị Trung ương 5 họp đến 10/5.

Trước đó từ ngày 24 đến 26/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 14 kết luận việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và thi hành kỷ luật với Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cùng một số cá nhân giai đoạn 2009-2015.

Cơ quan kiểm tra kết luận Ban thường vụ Đảng uỷ PVN giai đoạn nêu trên và một số cá nhân trong đó có ông Đinh La Thăng (Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN) có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

Từ kết luận này, Ủy ban kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng.

Theo quy trình thi hành kỷ luật với Ủy viên Bộ Chính trị, đề nghị của Ủy ban Kiểm tra cần được Bộ Chính trị xem xét trước khi trình Ban chấp hành Trung ương quyết định.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Hội nghị Trung ương 5 bàn về kinh tế và xem xét kỷ luật cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO