Kinh tế

Hồi sinh cây sâm quý ở miền Tây Nghệ An

Trân Châu 29/07/2024 14:53

Sâm bảy lá một hoa, sâm Puxailaileng và nhiều loài thảo dược quý khác đang được cư dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học ở huyện biên giới Kỳ Sơn bảo tồn, nhân giống và phát triển.

Sâm bảy lá một hoa thuộc bộ thảo, sống lâu năm, cao 0,5-0,7cm. Thân rễ mập, chia nhiều đốt, có những ngấn ngang và sẹo to. Thân thẳng đứng, cao đến 1 m, không phân nhánh, màu lục hoặc hơi tím, giữa thân có một tầng lá mọc vòng từ 6-8 cái, thường là 7, lá hình trứng-bầu dục hoặc mác thuôn, dài 15-20cm, rộng 8-10cm, gốc tròn hoặc hình tim, đầu nhọn, lá không có khía, mặt dưới màu lục nhạt hoặc hơi tím đỏ, có 3 gân, cuống lá dài.

sâm bảiỷ lá 2
Sâm bảy lá trồng ở Mường Lống - Kỳ Sơn. Ảnh: Trân Châu

Đặc điểm nổi bật của cây là chỉ ra 7 lá xếp thành vòng trên thân và 1 hoa mọc đơn độc ở đỉnh cành, cuống hoa dài 15-30cm. Vì thế cây này còn có tên gọi là sâm "thất diệp nhất chi hoa" (sâm 7 lá 1 hoa).

Tại Trạm dược liệu Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (trạm thuộc Tập đoàn TH) đang phát triển vườn ươm sâm bảy lá một hoa với hơn 1.000 gốc. Hiện sâm được gần 3 năm tuổi. Các kỹ sư ở đây cho biết, việc ươm trồng và chăm sóc sâm bảy lá một hoa được ví như "chăm con mọn". Cây ưa ẩm nhiều bóng râm nhưng lại không chịu được ngập úng. Đất phải nhiều mùn. Hằng ngày cán bộ kỹ thuật phải kiểm tra, theo dõi độ sinh trưởng của cây, ghi chép sổ sách các biển đổi, tình hình sâu bệnh, hấp thụ chất dinh dưỡng.

Sâm bảy lá một hoa ở Kỳ Sơn. Ảnh: Trân Châu
Sâm bảy lá một hoa ở Mường Lống - Kỳ Sơn. Ảnh: Trân Châu

Sâm ra hoa vào tháng 10 và mỗi hoa được rất ít hạt. Bảy lá một hoa là loại cây đặc biệt ưa bóng râm, vì vậy phải trồng dưới tán cây khác hoặc ở vườn có mái che.

Hiện nay, sâm sinh trưởng tốt, ra củ to. Phần củ sâm là phần giá trị nhất của cây sâm. Giá trị của củ sâm cứ tính theo khắc, tức mắt sâm, tương ứng với tuổi sâm.

Bảy lá một hoa thường được dùng làm thuốc trị nhiều bệnh. Ngoài tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, sâm còn có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều loài vi khuẩn gây bệnh, dùng chủ yếu làm thuốc chữa sốt, giải độc và chữa ho. Tại vùng Quảng Tây (Trung Quốc) trong nhân dân có câu ngạn ngữ: “Ốc hữu thất diệp nhất chi hoa, độc xà bất tiến gia”, nghĩa là trong nhà có cây bảy lá một hoa thì rắn độc không vào được. Ngoài công dụng chữa sốt và rắn độc, cây sâm bảy lá một hoa còn dùng chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, sốt rét, ho lao, ho lâu ngày, hen suyễn…

Sâm Puxailaileng ở Kỳ Sơn. Ảnh: Trân Châu
Sâm Puxailaileng ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Trân Châu

Ngoài sâm bảy lá, hiện ở Kỳ Sơn còn có nhiều loại dược liệu quý như nấm linh chi, lan hộc tía, sâm Puxailaileng, chè hoa vàng, giảo cổ lam, đẳng sâm…

Với mong muốn phát triển, duy trì và bảo tồn các nguồn gen thảo dược và cây nhân sâm quý hiếm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp triển khai một loạt các đề tài nghiên cứu và dự án trồng thử nghiệm một số cây dược liệu ở các huyện miền Tây, nhất là cây sâm Puxailaileng và đạt được kết quả khả quan ban đầu. Hiện nay, Sở KHCN Nghệ An cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp triển khai các đề tài nghiên cứu và dự án trồng thử nghiệm một số cây dược liệu trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

bna- tamthaats
Tam thất được ươm trồng ở Mường Lống. Ảnh: Trân Châu

Theo chương trình phát triển sâm Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu diện tích trồng sâm đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Sản lượng khai thác sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương. Định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Phạm vi của chương trình là các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm Việt Nam, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Đặc biệt, theo chương trình, ngoài việc phát triển, chế biến thương mại ở quy mô hàng hóa đối với sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu thì sâm Puxailaileng ở vùng núi Kỳ Sơn của Nghệ An là một trong những đối tượng được bảo tồn, gây trồng, phát triển quy mô thử nghiệm ở khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp. Đây thực sự là cơ hội tốt để loài sâm quý hiếm này có cơ hội được nhân giống, phát triển, từng bước trở thành hàng hóa, góp phần tạo ra sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Chế biến nấm linh chi ở Mường Lống (Kỳ Sơn. Ảnh: Trân Châu
Chế biến nấm linh chi ở Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Trân Châu

Box: Năm 2017, Chính phủ có Nghị định số 65/CP về chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ trong phát triển nuôi trồng và khai thác dược liệu. Theo đó hỗ trợ một lần 50% tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (cải tạo đồng ruộng, thuỷ lợi, giao thông nội đồng, nhà lưới, nhà kính, chuồng trại, kho bảo quản…) cho các cơ sở nhân giống tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên đối với cây dược liệu, 0,5 ha trở lên đối với vật nuôi làm dược liệu ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/1 cơ sở.

Hỗ trợ 1 lần 60% chi phí sản xuất giống gốc, 30% chi phí sản xuất giống thương phẩm theo định mức kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Trường hợp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, mức hỗ trợ tương ứng là 80% và 50%... Với chương trình này, một số dự án dược liệu đã được gây dựng và cho kết quả tốt.

Ông Nguyễn Trọng Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược liệu Mường Lống, cho biết: Ngoài các loại sâm, hiện nay ở Kỳ Sơn, một loại dược liệu quý đang được trồng khá nhiều. Đó là lan thạch hộc. Loại này thu hái cả cây, dùng được toàn bộ cả cây.

Trong Y học cổ truyền Trung Quốc, Thạch Hộc được coi là có tác dụng giúp ích cho dạ dày, làm tăng tiết dịch, dưỡng âm, trừ nhiệt, thuốc bổ và tăng sức lực toàn thân, chữa liệt dương, khát nước do âm hư hoặc suy giảm dịch cơ thể, ăn không ngon, buồn nôn, suy nhược cơ thể sau khi bệnh nặng, thị lực giảm.

Mới nhất
x
x
Hồi sinh cây sâm quý ở miền Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO