Hội thảo ‘Đền Khai Long – Giá trị lịch sử - văn hóa, giải pháp bảo tồn và phát huy’
Sáng 2/11, tại huyện Đô Lương, Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đô Lương và UBND xã Trung Sơn phối hợp tổ chức Hội thảo “Đền Khai Long - Giá trị lịch sử - văn hóa, giải pháp bảo tồn và phát huy”.
Tham dự Hội thảo có các nhà nghiên cứu đến từ Viện Sử học, Viện Hán Nôm, Đại học Sư phạm Hà Nội; các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu ở Nghệ An; lãnh đạo huyện Đô Lương và xã Trung Sơn; đại diện Hội đồng họ Ngô Việt Nam và đại diện dòng họ Nguyễn Cảnh.
Đền Khai Long tọa lạc dưới chân Rú Đền, làng Đông Bích, xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn (nay là xóm 1, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Đền là nơi thờ quân vương Ngô Xương Xí (946 - 967), vị vua cuối cùng của triều đại nhà Ngô và Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan. Đền có kiến trúc gồm 3 tòa: Thượng đường, Trung đường, Hạ đường và Nghi môn, là công trình văn hóa tâm linh nổi tiếng linh thiêng trong vùng.
Hiện nay, chưa xác định được một cách chính xác thời điểm đền được xây dựng. Qua khảo sát nguồn tư liệu sắc phong, thì đạo sắc phong sớm nhất cho thần Khai Long sứ quân là sắc phong có niên hiệu Đức Long thứ 5 (năm 1633). Từ đây, chúng ta có thể hiểu rằng đền Khai Long có trước năm 1633.
Trải qua thời gian dài, dưới sự tác động của thiên nhiên và con người đều bị xuống cấp và được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, trong đó phải kể đến hai lần trùng tu lớn vào cuối thời Nguyễn đó là năm Tự Đức thứ 25 (1872) và năm Thành Thái thứ 13 (1901).
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đền Khai Long và một số công trình khác phải tháo dỡ để phục vụ kháng chiến và dân sinh. Từ đó, đền Khai Long đã trở thành phế tích, nhưng trong ký ức của người dân 20 làng thuộc xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn vẫn lưu giữ hình ảnh của đền Khai Long xưa với bức Đại tự Khai Long linh từ và sự tôn kính Khai Long sứ quân trong tiềm thức.
Tuy đền đã trở thành phế tích, nhưng với sự linh thiêng của đền, nhân dân xã Trung Sơn đã lập một miếu thờ trên nền đất của đền để tiếp tục phụng thờ. Đến tháng 1 năm 2022, từ nguồn kinh phí xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, hội đồng họ Ngô và đóng góp của nhân dân quê hương Trung Sơn, chính quyền nhân dân xã Trung Sơn đã tổ chức phục dựng ngôi Thượng điện đền Khai Long.
Hiện nay, khuôn viên đền Khai Long có tổng diện tích 1079,7m2, ngoài Thượng điện mới được phục dựng vẫn còn lưu giữ được 2 cột quyết, một số chân các tảng đá màu xanh và 1 biển ký bằng chữ Hán khắc ngày 19 tháng 8 năm Tự Đức thứ 25 (1872)….
Hội thảo Đền Khai Long - Giá trị lịch sử - văn hóa, giải pháp bảo tồn và phát huy quy tụ 18 tham luận tập trung vào 3 chủ đề chính: Giới thiệu về vùng đất xã Trung Sơn và những nhân vật liên quan đến đền Khai Long; tư liệu lịch sử về đền Khai Long; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa đền Khai Long.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Đinh Quang Hải - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử yêu cầu các nhà nghiên cứu tiếp tục sưu tầm tài liệu thư tịch cổ để có những phát hiện mới trong việc tìm hiểu về đền Khai Long và các vị thần được thờ tại đền. Các cấp chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa cần có kế hoạch trùng tu, quy hoạch và phát huy giá trị của đền Khai Long. Tăng cường công tác giáo dục về đền Khai Long nhằm khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.