Hơn 4 thập kỷ hòa bình: Một Việt Nam rất khác
(Baonghean.vn) - Ngày lịch sử 30/4/1975 đánh dấu thời khắc cuối cùng của cuộc chiến đau thương kéo dài hàng thập kỷ trên đất nước hình chữ S.
Đó là khoảnh khắc người Việt Nam thống nhất về một nhà, cũng là thời điểm bắt đầu cho sự hồi phục, hòa giải. 41 năm sau thời điểm đó, đất nước Việt Nam giờ đã mang một hình ảnh thật khác trong mắt báo chí quốc tế.
Tp. Hồ Chí Minh hơn bốn thập kỷ sau ngày thống nhất tiếp tục là đầu tàu kinh tế của Việt Nam (Nguồn: Los Angeles Times) |
Nhớ về cuộc chiến, học từ cuộc chiến
Hơn 4 thập kỷ sau ngày trở thành 1 quốc gia thống nhất, Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi. Đó là điều hiển nhiên ở quốc gia mà mỗi người dân luôn hướng tới tương lai và mong chờ cuộc sống tốt hơn.
Tạp chí Time của Mỹ nhận định, điều đó ẩn chứa sau ánh mắt của những người trẻ - một thế hệ đã ở xa quá khứ đau thương.
Đó là điều người ta thấy ở những nhiếp ảnh gia trẻ như Maikan Elan, người săn những bức ảnh mô tả cuộc sống của một Việt Nam đương đại. Tạp chí Time có bài phỏng vấn Maikan Elan về những gì mà cô nghĩ về quá khứ đã xa của đất nước.
“Người Mỹ và người Việt Nam dường như vẫn còn những quan niệm khác nhau về cuộc chiến này.” Elan nói với phóng viên Alice Gabriner. “Trong khi nước Mỹ vẫn còn đang bận rộn với nhiều cuộc chiến khác thì Việt Nam đã không còn là bãi chiến trường nữa. Đây thực sự là một đất nước hòa bình.”
Ra đời hơn 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Elan chỉ cảm nhận được sự tàn khốc của nó qua các bức ảnh và những bộ phim trên truyền hình. Bố cô, dù phải mang trên người những hậu quả của cuộc chiến nhưng hiếm khi nói về nó.
Ông chỉ dạy cô con gái cách để “vượt qua những khó khăn hơn là than vãn hay ca cẩm về quá khứ. Cô gái nói với phóng viên của tờ Time “Với tôi, bố luôn là người hạnh phúc và tràn ngập sự lạc quan”.
Ở một góc khác, câu chuyện đau thương của quá khứ giờ được Channel News Asia mô tả là bài học để Việt Nam đương đầu với những thách thức mới trong quá trình phát triển. Bài báo có đoạn viết: Luôn có một quan điểm kiên định vào hòa bình tại Việt Nam, và mọi thứ đều dựa trên nền tảng đó.
“Người dân Việt Nam đã phải đứng lên để đấu tranh trong ít nhất 13 cuộc chiến suốt lịch sử đất nước. Nhu cầu hòa bình của cả dân tộc này vì thế, là có thể hiểu được. Mọi người cố gắng hết sức mình để vượt qua những mất mát trong chiến tranh”. Kênh truyền hình danh tiếng tại khu vực Đông Nam Á dẫn lời giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nhà xã hội học và là cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam.
“Vậy điều này còn có ý nghĩa gì trong cuộc sống hiện nay?” – “Sự nguy hiểm là nếu như thế hệ trẻ Việt Nam xem thường vị trí địa chính trị khá nhạy cảm của đất nước và mất cảnh giác trước những láng giềng lớn hơn.” Giáo sư Thuyết trả lời Channel News Asia.
Nước Mỹ không còn là kẻ thù. Sự tự do và sức hút của giá trị vật chất đã đưa nước Mỹ tới gần người Việt hơn. (Nguồn: Time) |
Một Việt Nam rất khác
Kênh truyền hình Al Jazeera lại quan tâm tới câu chuyện “thay da đổi thịt” của nền kinh tế đất nước sau hơn 4 thập thoát khỏi bom đạn. Bài báo cho rằng, người Việt Nam đã chiến thắng nước Mỹ trong một cuộc chiến sống còn nhưng giờ đây lại đang đón chào sự trở lại của Mỹ với những sức mạnh của chủ nghĩa tư bản.
Không còn bài toán về ý thức hệ, câu chuyện giờ đây chỉ là tăng trưởng kinh tế bao nhiêu và doanh số tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ sẽ ở mức thế nào. Hơn 4 thập kỷ từ ngày thống nhất và sau 30 năm tiến hành công cuộc cải cách mở cửa với bên ngoài, rõ ràng Việt Nam đã thực sự lột xác trở thành một ngôi sao đang lên.
“Dựa trên nền tảng thị trường tự do, nền kinh tế Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí thấp nhất để trở thành thị trường nóng nhất Đông Nam Á trong suốt 20 năm qua.” Phóng viên Kevin Doyle của Al Jazeera khẳng định.
Nhưng sự thay đổi ngoạn mục nhất là việc quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã xoay trục. Nước Mỹ không còn là kẻ thù nữa, và văn hóa Mỹ có vẻ như đã giành được thiện cảm trong trái tim và khối óc của thế hệ mới ở Việt Nam một cách hòa bình nhất có thể.
Sự kết hợp giữa những biểu ngữ tuyên truyền có hình búa liềm với các biển hiệu của các cửa hàng thời trang Chanel và Cartier cho thấy sự hội nhập mạnh mẽ và độc đáo của nền kinh tế Việt Nam.
USA Today đã đi tìm câu trả lời trong làn sóng khởi nghiệp tại các đô thị lớn. Nguyễn Hữu Tuấn Thanh, ông chủ của 3 cửa hàng café nhanh Caztus Coffee tại Tp. Hồ Chí Minh có vẻ như đã học hỏi được tinh thần từ CEO của thương hiệu toàn cầu Starbucks Howard Schultz để ứng dụng vào môi trường Việt Nam.
Những người trẻ như Denise Thi, giám đốc điều hành của Emerald Consultant là chân dung của một nước Việt Nam đổi mới. (nguồn: USA Today) |
Cô gái 30 tuổi Denise Thi – nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành một công ty marketing số có thâm niên 6 năm trên thị trường đang tất bật với những dự án của mình. Công ty của Thi giờ đã được Dentsu Aegis Network – người khổng lồ đa quốc gia mua lại.
Cô chia sẻ quan điểm với USA Today rằng dịp kỷ niệm này nên là lý do để hướng về phía trước chứ không phải là quá khứ. “Đó là cách bạn cảm thấy tự hào về đất nước của mình, vì những điều chúng ta đã đạt được, về cách mà chúng ta chiến đấu vì tự do.” Cô nói “Nhưng giờ đây là hãy nhìn về tương lai”.
Thanh Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|