Hơn 6.120 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An

Mai Hoa 06/06/2022 12:01

(Baonghean.vn) - Trong vòng 5 năm, từ năm 2017 đến 2022, thông qua 17 chính sách từ Trung ương và 5 chính sách của tỉnh, nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn được hỗ trợ hơn 6.120 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội. 

Sáng 6/6, Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh có cuộc làm việc với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính theo chương trình giám sát việc thực hiện đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2017 đến nay. Bà Lô Thị Kim Ngân - Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh hiện đang sinh sống ở vùng có diện tích lớn, nhiều tiềm năng chưa được khai thác, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn cần phải đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế và xoá đói, giảm nghèo.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư và trách nhiệm triển khai tích cực từ tỉnh đến cơ sở cùng với nhận thức của người dân nâng lên đã tạo ra nhiều thay đổi về hạ tầng giao thông, hệ thống y tế, trường học, kể cả nhà ở, tư liệu sản xuất của người dân; tỷ lệ giảm nghèo mỗi năm đạt 5 – 7%.

Ông Phan Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần xem xét và xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng đặc thù để tập trung đầu tư phát triển. Ảnh: Mai Hoa

Riêng đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người như Ơ Đu, Đan Lai và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn như Khơ Mú, Mông được đặc biệt quan tâm hơn.

Theo báo cáo từ lãnh đạo Sở Tài chính, Trung ương đã ban hành 17 chính sách liên quan hỗ trợ học sinh, sinh viên, phát triển giáo dục – y tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo…

Phía tỉnh có 5 chính sách liên quan đến hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP giai đoạn 2016 – 2020; hỗ trợ các mô hình giống chăn nuôi, chính sách vay tín dụng ưu đãi…

Bà Đậu Thị Minh Loan - Phó Giám đốc Sở Tài chính báo cáo tổng nguồn giải ngân thực hiện các dự án đầu tư đối với nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc khó khăn. Ảnh: Mai Hoa

Từ năm 2017 đến nay, tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn hơn 6.120 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương với hơn 5.927 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 193 tỷ đồng.

Nhiều tồn tại cần được đánh giá

Trên cơ sở giám sát trực tiếp tại 2 huyện Kỳ Sơn, Con Cuông của Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh và thực tiễn triển khai các chính sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số nói chung, nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nói riêng của các ngành; tại cuộc làm việc, các thành viên tham gia cuộc làm việc đã trao đổi nhiều bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai cũng như hiệu quả mang lại có những nội dung chưa đạt như mong muốn.

Đáng quan tâm nhất là việc triển khai các chính sách còn giao cho nhiều Bộ, ngành Trung ương, theo đó về tỉnh cũng được giao cho nhiều sở, ngành, vì vậy chưa có sự đồng bộ và hiệu quả.

Bà Quế Thị Trâm Ngọc – Phó trưởng ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh nêu ví như tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương được đầu tư nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng do Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch triển khai tổng hơn 6 tỷ đồng với công năng sử dụng khoảng 1 lần/tháng, trong khi đó nhà ở của người dân còn rất khó khăn.

Bà Quế Thị Trâm Ngọc – Phó trưởng ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh nêu một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn triển khai các dự án thuộc nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc khó khăn. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, theo ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện uỷ Tương Dương, thành viên Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh, các dự án cơ bản kéo dài, dẫn đến trượt giá, vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh và nguồn bố trí bổ sung khó khăn, lại tiếp tục kéo dài dở dang, tạo thành vòng luẩn quẩn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Hàng loạt vấn đề liên quan xây dựng các mô hình kinh tế tạo sinh kế bền vững và giảm nghèo được nhiều ý kiến quan tâm nêu, như tình trạng hết tiền, hết mô hình; tình trạng người dân không mặn mà việc hỗ trợ bằng hiện vật, con, cây giống do quãng đường xa, đi lại khó khăn, tiền xe ôm có khi nhiều hơn hiện vật được hỗ trợ và giá trị sinh lời để chăn nuôi trên mỗi vật nuôi thấp do chủ yếu chăn nuôi theo thủ công.

Ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện uỷ Tương Dương, thành viên Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh phản ánh các dự án bố trí dân cư cơ bản kéo dài. Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các thành viên, kết luận tại cuộc làm việc, bà Lô Thị Kim Ngân - Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh dù chiếm tỷ lệ ít nhưng không phải vì thế mà không được quan tâm, bởi đây là các dân tộc còn nhiều khó khăn và thực tế đã được Trung ương ban hành bằng các quyết định, trong đó có Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025.

Các thành viên đoàn giám sát của Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh tại cuộc làm việc với các sở, ngành. Ảnh: Mai Hoa

Để các chính sách, dự án đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và nhóm dân tộc rất ít người, dân tộc còn nhiều khó khăn hiệu quả, tạo sự phát triển bình đẳng giữa các dân tộc; Trưởng ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành cần đánh giá cơ chế phối hợp, đồng thời chủ động đề xuất với tỉnh cũng như các bộ, ngành Trung ương để định hướng rõ chiến lược phát triển cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư mang tính đồng bộ, hiệu quả; gắn với nâng cao năng lực triển khai và quản lý các chương trình, dự án đảm bảo hiệu quả, tránh sai sót, sai phạm đáng tiếc vừa qua.

Mặt khác, các sở, ngành cần rà soát, đánh giá lại các dự án, mô hình đã triển khai, đối với các dự án có hiệu quả cần có giải pháp để nhân rộng và dự án chưa hiệu quả cần đề xuất bãi bỏ, thay thế…

Hơn 6.120 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO