HTX Nông nghiệp Lam Cầu - 'bà đỡ' của nông dân
(Baonghean) - Là đơn vị đầu tiên ở huyện Quỳnh Lưu hoàn thành chuyển đổi đất và xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, HTX nông nghiệp Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu còn tổ chức liên kết, gắn chuỗi giá trị để bao tiêu sản phẩm cho bà con.
HTX nông nghiệp Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm 290 ha, với 300 hộ xã viên. Trước khi chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, HTX nông nghiệp Lam Cầu là đơn vị đầu tiên của huyện hoàn thành chuyển đổi ruộng đất, xây dựng cầu cống, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Kinh phí phục vụ cho công tác chuyển đổi ruộng đất hơn 1,3 tỷ đồng đều là nguồn huy động từ đóng góp của bà con xã viên và một phần nguồn vốn của HTX.
Mô hình VAC cho thu nhập cao của gia đình anh Hồ Văn Nam, xóm 10, xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu). |
Ngay trong sản xuất vụ xuân năm 2013, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được hình thành. Những ứng dụng kỹ thuật mới lần đầu tiên đã xuất hiện trên nhiều cánh đồng của HTX như: Máy làm đất, bắc mạ vào khay, máy gặt, máy cấy lúa… đã giúp bà con giảm được rất nhiều công sức lao động, chi phí sản xuất. Vụ lúa xuân đầu tiên sau chuyển đổi ruộng đất đạt năng suất 7 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay ở vùng này. Ông Đặng Ngọc Nhạc – Giám đốc HTX nông nghiệp Lam Cầu chia sẻ: “Sau khi chuyển đổi ruộng đất, bà con xã viên sản xuất lúa có hiệu quả, năng suất, sản lượng cao. Từ thành công ban đầu, HTX tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mở rộng liên kết gắn với chuỗi giá trị sản xuất, bao tiêu sản phẩm để đem lại hiệu quả cho bà con xã viên”.
Để thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho người nông dân, HTX nông nghiệp Lam Cầu đã có nhiều cách thức hoạt động mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, sau khi chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, HTX nông nghiệp Lam Cầu tiếp tục kế thừa phương thức hoạt động của thời kỳ trước, và đồng thời quan tâm tốt các mảng dịch vụ, nông nghiệp như: khâu tưới tiêu, bảo vệ đồng; dịch vụ cung ứng giống, vật tư và phân bón. Vào đầu vụ sản xuất, HTX đã đầu tư cho bà con 60 - 70% lượng phân bón để sản xuất; cung ứng kịp thời thuốc bảo vệ thực vật; chủ động nguồn nước sản xuất và lên các phương án chống hạn, khắc phục thiên tai đảm bảo gieo cấy đúng thời vụ. Cùng với đó, HTX đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình bán trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, toàn HTX có trên 20 mô hình bán trang trại như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Ví như gia đình anh Hồ Văn Nam, xóm 10, xã Quỳnh Thạch là hộ vươn lên khá giả từ mô hình tổng hợp VAC. Trước đây, tại vùng đất sâu trũng, trồng lúa kém hiệu quả, anh đã chuyển đổi hơn 1 ha sang phát triển mô hình tổng hợp VAC, từ mô hình này đã giúp gia đình anh có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. “Mới đầu nhận thầu 1 ha đất ở vùng sâu trũng này thực sự tôi không biết làm gì để có hiệu quả, trong thời gian đó, cán bộ HTX đã đến tận nơi để khảo sát và vận động gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa sang phát triển mô hình VAC. Sau 1 năm chuyển đổi, gia đình bắt đầu có lãi, từ đó đời sống được nâng lên”. Anh Nam chia sẻ.
Đưa máy gặt đập liên hoàn vào sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn của HTX Lam Cầu, Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu). |
Đổi mới ở HTX nông nghiệp Lam Cầu sau chuyển đổi đó là không chỉ thực hiện tốt chỉ tiêu định mức ở 3 khâu dịch vụ: Bảo vệ thực vật - khoa học kỹ thuật, thuỷ nông, thuý y mà còn đạt hiệu quả cao trong các dịch vụ kinh doanh thỏa thuận như: sản xuất giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm... góp phần quan trọng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Ngoài ra, HTX còn huy động vốn nhàn rỗi của các xã viên và vốn tự có của HTX cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất; đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới cho xã viên, người lao động thông qua việc triển khai các dịch vụ phục vụ đời sống và phát triển ngành nghề.
Ông Nguyễn Văn Hưng, xã viên HTX nông nghiệp Lam Cầu cho biết, sau khi chuyển đổi, HTX đã có nhiều đổi mới và hoạt động có hiệu quả, nhất là liên kết, liên doanh bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Trước chuyển đổi, sản phẩm nông nghiệp làm ra đều do người dân “tự bơi” trên thị trường, hiện nay, việc cung ứng giống đến bao tiêu sản phẩm đều do HTX liên kết với công ty bao tiêu sản phẩm với giá cao, đem lại lợi ích cho bà con.
Cánh đồng sản xuất lúa giống của HTX Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu). |
Về Quỳnh Thạch hôm nay, diện mạo mới của vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi. Vùng sản xuất lúa mênh mông được quy hoạch thành từng vùng, năng suất lúa hàng năm đạt từ 11,5 - 12 tấn/ha/năm; hạ tầng giao thông nội đồng từng bước được kiên cố hóa phục vụ bà con đi lại sản xuất dễ dàng. Các mô hình trang trại được đầu tư quy mô, cho thu nhập cao. Có được thành công trên, HTX nông nghiệp Lam Cầu đã triển khai đúng quy trình, tích cực tuyên truyền bà con tham gia trên tinh thần tự nguyện; mục tiêu của HTX đề ra là xây dựng kinh tế tập thể, phát triển bền vững, tạo điều kiện phát triển kinh tế thành viên, xã viên.
Nhờ quản lý tốt các khâu, chỉ đạo điều hành sản xuất, đảm bảo thu, chi đúng nguyên tắc nên mỗi năm HTX nông nghiệp Lam Cầu thu lợi nhuận từ 600 - 700 triệu đồng; là đơn vị dẫn đầu toàn huyện về hiệu quả hoạt động cũng như doanh thu kinh tế hàng năm.
Từ những kết quả trên, HTX nông nghiệp Lam Cầu nhiều năm liền là đơn vị điển hình, được tham dự Đại hội lần thứ 5 Liên minh HTX Việt Nam. Từ năm 2011 đến 2016, HTX được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Sau khi HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Có thể nói, HTX dịch vụ, nông nghiệp Lam Cầu là “bà đỡ” cho nông dân trong phát triển kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con xã viên.
Việt Hùng
TIN LIÊN QUAN |
---|