Cái khó của bà đỡ ở vùng cao xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Ở những huyện vùng cao Nghệ An, có một cái nghề tưởng chừng như đã không còn, đó là những phụ nữ chuyên đi đỡ đẻ. Dù không có bất cứ một khoản chi phí nào từ việc đỡ đẻ, nhưng khi được gọi, các chị lại lên đường.
Làm việc không công
Buổi tối trung tuần tháng 11, mâm cơm gia đình vừa dọn ra, chị Xồng Y Trử (39 tuổi), ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), lại nhận được điện thoại nhờ giúp đỡ. Ở đầu dây bên kia là một người phụ nữ Mông chưa từng quen biết, trú ở tận bản Huồi Pốc, nhờ chị Trử đến để đỡ đẻ cho cô con dâu trẻ tuổi của gia đình. Nghe xong cuộc điện thoại, chị Trử đành phải để các con ăn cơm trước, đi làm việc không công mà chị đã quen thuộc trong suốt nhiều năm qua.
Huồi Pốc là bản xa xôi nhất ở xã Nậm Cắn. Từ nhà chị Trử ở trung tâm xã, phải mất gần 2 tiếng chạy xe máy mới đến nơi. Giữa đêm tối mưa rét, chị Trử không còn cách nào khác, đành phải nài nỉ chồng đi cùng. Không phải người thân, cũng chẳng phải quen biết, thậm chí cũng chẳng được trả công đồng nào, nhưng suốt nhiều năm qua, mỗi lần nhận điện thoại nhờ đỡ đẻ, chị Trử đều nhiệt tình như vậy. Bất kể đó là lúc nửa đêm mưa gió, bất kể nơi đến là những bản nằm sâu trong khe, đường sá đi lại khó khăn, nguy hiểm.
Sau khi giúp sản phụ vượt cạn thành công, cũng đã quá nửa đêm, nhận xong những cái bắt tay cảm ơn từ gia đình, vợ chồng chị Trử lại lầm lũi trên chiếc xe máy cà tàng cắt rừng trở về ngôi nhà nhỏ ở trung tâm xã.
Nhiều lúc nửa đêm nhờ chồng đi cùng, chồng cũng phàn nàn. Cứ bảo đi làm việc không công, tiền xăng cũng chẳng có, thứ duy nhất nhận được chỉ là lời cảm ơn từ gia đình họ. Nhiều lúc tôi cũng thấy nản, nhưng ở cái xã này, ai cũng biết tôi là bà đỡ, mỗi lần họ gọi điện đến nhờ, tôi lại không từ chối được. Cứ nghĩ, nếu mình không đến, họ không có ai giúp đỡ, nếu xảy ra chuyện gì bản thân lại áy náy.
Chị Xồng Y Trử - bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn)
Năm 2013, sau 9 tháng học ở TP. Vinh, chị Trử bắt đầu làm công việc đỡ đẻ. Những năm đầu, mỗi tháng chị còn được nhận chế độ 200.000 đồng, chưa đủ để đổ xăng cho mỗi chuyến đi. Nhưng kể từ năm 2016 đến nay, khoản tiền ít ỏi đó cũng bị cắt.
Lau rửa lại bộ dụng cụ của cô đỡ thôn, bản đã theo mình cả chục năm qua, chị Trử nói rằng, phụ nữ người Mông và Khơ Mú ở xã biên giới này hiếm khi đến bệnh viện sinh con do kinh tế khó khăn, do mắc cỡ. Theo thống kê của chị Trử, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã có gần 100 phụ nữ sinh con, nhưng khoảng một nửa trong số đó đẻ tại nhà.
“Từ đầu năm đến nay, tôi đã đến tận nhà đỡ đẻ cho 17 trường hợp, ngoài ra, còn có nhiều sản phụ đến trạm y tế sinh nhưng hộ sinh chưa kịp tới, vì nhà tôi gần trạm nên nhờ đến đỡ. Ở trên này một phần vì tập tục, một phần vì điều kiện kinh tế vẫn còn quá khó khăn nên tỷ lệ sinh đẻ ở nhà còn nhiều. Nhiều trường hợp vì ở xa, không có phương tiện nên không thể đến trạm. Có trường hợp vì nghèo, không có nổi vài trăm nghìn đồng đến trạm y tế để đẻ. Về cơ bản thì hầu hết đều nghèo, nên sau mỗi lần đỡ đẻ, thứ duy nhất tôi nhận được chỉ là lời cảm ơn thôi”, chị Trử cười nói.
Theo chị Trử, việc đỡ đẻ không khó bằng việc thuyết phục phụ nữ người Mông ở vùng biên này đến trạm y tế xã sinh con. Đây cũng là điều khiến chị trăn trở và quyết bám nghề. “Chúng tôi cũng chẳng mong gì nhiều, chỉ mong mỗi tháng được trả chế độ như trước để khỏi tủi thân cũng được”, chị Trử trải lòng.
Cần được ghi nhận
Ở xã Nậm Cắn, ngoài chị Trử còn có chị Ngôn Thị Hương (46 tuổi), ở bản Khánh Thành cũng làm công việc đỡ đẻ. Chị Trử là người Mông nên thường giúp những người phụ nữ Mông vượt cạn, còn chị Hương là người Khơ Mú, nên có trách nhiệm hỗ trợ những chị em trong đồng bào mình. Đây cũng là 2 dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% dân số ở xã Nậm Cắn.
Khi chúng tôi tới, chị Hương vừa chạy xe máy mất nửa giờ đến nhà sản phụ Lữ Thị Viên về. Trước đó, khi biết Viên mang thai, chị Hương thường lui tới nhà hỏi thăm sức khỏe, tư vấn kiến thức về sinh sản, đồng thời, khuyên chị Viên đi khám thai định kỳ, đến trạm y tế xã sinh con. Nhưng gần đến ngày sinh, chị Viên đồng ý ra trạm y tế xã sinh con theo lời khuyên của chị Hương nhưng bất ngờ chuyển dạ trước ngày dự sinh cả tuần, phải gọi chị tới nhà hỗ trợ.
Bản Khánh Thành là nơi sinh sống của người Khơ Mú. Phụ nữ nơi đây vốn quen sinh con ở nhà, có người đi làm nương rẫy rồi sinh con trong chòi canh, hiếm khi đến trạm y tế xã. Chứng kiến nhiều ca sinh khó, năm 2018, chị Hương quyết định đi học khóa đào tạo cô đỡ thôn, bản miễn phí trong 6 tháng ở Trường Đại học Y khoa Vinh để về hỗ trợ chị em sinh nở. Gần 5 năm làm cô đỡ của bản, chị Hương không nhớ đã giúp bao nhiêu trường hợp “mẹ tròn con vuông” ngay tại nhà.
“Lúc đi học, họ bảo khi nào có dự án thì sẽ có hỗ trợ, nhưng có thấy gì đâu”, chị Hương ngậm ngùi nói. Cũng có những lúc, chị tính bỏ nghề, nhưng rồi không dứt ra được do đã trót yêu nghề: “Người thân cũng nói không có lương, lại còn tốn cả tiền xăng xe thì làm chi cho cực, nhưng mà giờ mình quen việc rồi, gắng vừa làm việc nhà, vừa tranh thủ giúp mọi người thôi”.
Mở cuốn sổ nhỏ đã ghi gần kín các trang, chị Hương cho hay, đây là danh sách phụ nữ có thai trong bản do chị lập. Hằng tháng, chị đều đặn tới từng nhà thăm khám, tư vấn kiến thức sinh sản, vận động bà bầu tới bệnh viện hoặc trạm y tế xã sinh con. Chị cũng khuyên nhủ thai phụ bỏ uống rượu, hút thuốc, hạn chế làm việc nặng trong thời gian mang bầu để sinh con an toàn, khỏe mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Hương - Trưởng trạm Y tế xã Nậm Cắn cho biết, dù không có trợ cấp, nhưng 2 cô đỡ thôn, bản của xã vẫn hoạt động rất năng nổ, góp phần rất lớn trong việc nâng cao kiến thức sinh sản cho phụ nữ vùng biên giới. Ngoài tuyên truyền, vận động các bà bầu đến cơ sở y tế sinh con, các cô đỡ còn đến trạm y tế để hỗ trợ các bà bầu “vượt cạn”, chẳng hạn làm thông dịch viên. Ông Hương nói: “Trạm có 4 nhân viên nhưng không ai nói được tiếng Khơ Mú, tiếng Mông nên phải gọi các cô đỡ tới phiên dịch, hướng dẫn thai phụ làm các thao tác hít sâu, rặn đẻ”.
Không chỉ ở huyện Kỳ Sơn, tại nhiều huyện vùng cao khác ở Nghệ An, vai trò của các bà đỡ vẫn rất quan trọng, đặc biệt là ở những bản xa trung tâm. Tại cụm dân cư Khe Nóng, xã Châu Khê (Con Cuông), mỗi lần có ca sinh nở, bà La Thị Hiệu (66 tuổi), là người đầu tiên người dân nhớ tới. Đây là cụm dân cư của người Đan Lai, nằm biệt lập trong rừng, cách trung tâm xã tầm 30 km. Không chỉ khoảng cách xa xôi, từ trước tới nay, phụ nữ ở đây thường không có thói quen đến trạm y tế để sinh nở.
Bà Hiệu làm công việc đỡ đẻ đã ngót nghét gần nửa thế kỷ. Hầu hết cư dân trong bản, đều một tay bà đỡ đẻ. Từ năm 20 tuổi, bà Hiệu được mẹ truyền lại cái nghề đỡ đẻ, rồi gắn bó với nó từ đó đến nay. Dù chẳng một ngày nào được đi học, nhưng suốt hàng chục năm làm nghề, bà luôn giúp phụ nữ trong bản “mẹ tròn con vuông”. “Ở đây làm chi có tiền. Sau khi đỡ đẻ xong, người thân của sản phụ sẽ bắt gà tới nhà bà đỡ trả công, làm lễ để giải xui cho bà đỡ theo phong tục của người Đan Lai”, bà Hiệu nói.
Ông Sầm Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết, trước đây có trợ cấp mỗi tháng 200.000 đồng, nên trên địa bàn huyện có rất nhiều bà đỡ, hầu như xã nào cũng có. Khoản tiền chế độ đó do Trung tâm Y tế dự phòng chi trả, nhưng những năm gần đây, sau khi sáp nhập với Trung tâm Y tế huyện thì khoản tiền này không còn nữa. Chính vì thế, toàn bộ huyện Kỳ Sơn chỉ còn 7 người làm công việc này, tất cả đều làm không công.
“Nhiều bản ở vùng sâu, phải đi cả ngày mới vào tới nơi nên lực lượng bà đỡ thôn, bản vẫn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là ở huyện Kỳ Sơn. Hơn nữa, đây là lực lượng gần dân, biết tiếng địa phương nên việc tuyên truyền, vận động cũng dễ dàng và hiệu quả”, ông Hải nói.