Hưng Nguyên đoàn kết, vượt khó, tạo bước phát triển toàn diện

Về xã Long Xá (Hưng Nguyên), xã thuần nông nằm dọc ven sông Lam, được thành lập năm 2020, trên cơ sở được sáp nhập từ 2 xã Hưng Long và Hưng Xá, chúng tôi được chứng kiến diện mạo tươi mới hơn sau khi địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2022. Đi trên những con đường bê tông rộng mở nối dài với những hàng cây, hệ thống điện chiếu sáng… ai cũng nhận thấy sự đổi khác về cảnh quan, môi trường làng quê.

Để có được thành quả này là từ một quá trình nỗ lực, cố gắng của địa phương để nhân dân đoàn kết một lòng quyết tâm đổi mới từ tư duy, cách làm và lối sống. Trao đổi với chúng tôi về những thành quả này, đồng chí Lê Xuân Quế – Bí thư Đảng ủy xã Long Xá chia sẻ: Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục vận động để tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM nâng cao. Đặc biệt, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập, chỉnh trang nhà cửa khu dân cư, với tổng số vốn huy động gần 294 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước các cấp gần 150 tỷ đồng; nhân dân và con em xa quê đóng góp hơn 144 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công. Đến nay đời sống tinh thần vật chất của người dân Long Xá được nâng lên rõ rệt; kinh tế có bước phát triển khá toàn diện; nhiều cánh đồng mẫu lớn, các mô hình liên kết sản xuất được đầu tư góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đảng bộ nhiều năm liên tục được công nhận trong sạch vững mạnh, chính quyền và các ban ngành đoàn thể được công nhận xuất sắc.

Xã Long Xá (Hưng Nguyên) hôm nay. Ảnh: Thành Cường
Xã Long Xá (Hưng Nguyên) hôm nay. Ảnh: Thành Cường

Nằm ở phía Bắc của huyện Hưng Nguyên, trong vùng địa hình bán sơn địa, nhiều núi đồi và vùng trũng thấp, xã Hưng Yên Nam có 2.157 hộ dân, 8.185 nhân khẩu, phân bố trên 8 xóm, tỷ lệ giáo dân chiếm gần 80% dân số, có 3 giáo xứ (Ðồng Sơn, Tràng Nứa, Yên Thịnh), 7 giáo họ, 5/8 xóm có giáo dân toàn tòng. Là xã khó khăn của Hưng Nguyên, đến năm 2021, Hưng Yên Nam mới đạt 11/19 tiêu chí, chưa đạt các tiêu chí liên quan đến thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng như trường học, đường giao thông, điện chiếu sáng.

Trước thực trạng đó, để vực dậy, Đảng ủy sắp xếp lại bộ máy nhân sự, tăng hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, tạo niềm tin trong nhân dân về sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền để vận động người dân đoàn kết lương giáo chung sức xây dựng xã đạt chuẩn NTM; huy động nhân dân đóng góp để nâng cấp, làm mới đường giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng và hệ thống điện chiếu sáng. Trong 6 năm gần đây, toàn xã huy động được hơn 109 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, điện, kênh mương, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa, trong đó nhân dân đóng góp hơn 23 tỷ đồng, chiếm 21,22%. Hưng Yên Nam đã có bước chuyển mình ngoạn mục để trở thành xã nông thôn mới, đầu năm 2023 được công nhận đạt chuẩn NTM.

Xã Hưng Yên Nam xây dựng trụ sở xã, nhà văn hóa và đường bê tông ở các xóm. Ảnh tư liệu: M.H
Xã Hưng Yên Nam xây dựng trụ sở xã, nhà văn hóa và đường bê tông ở các xóm. Ảnh tư liệu: M.H

Xây dựng Hưng Nguyên trở thành huyện Nông thôn mới là mục tiêu lớn nhất được Đảng bộ huyện quan tâm là tập trung chỉ đạo trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các xã đã tích cực vận động, xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực, đầu tư, bổ sung các cơ chế chính sách để xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2021-2023, toàn huyện đã làm mới và nâng cấp được gần 98km đường giao thông và giao thông nội đồng; gần 30km kênh mương và làm mới 130 công trình với tổng nguồn vốn 252 tỷ đồng.

Đến nay, toàn huyện có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao, dự kiến cuối năm 2023 có 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Chính từ phong trào xây dựng nông thôn mới, quê hương của phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có nhiều đổi thay và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội.

Một góc thị trấn Hưng Nguyên. Ảnh: Thành Cường
Một góc thị trấn Hưng Nguyên. Ảnh: Thành Cường

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hưng Nguyên nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định rõ mục tiêu: Phấn đấu đưa Hưng Nguyên trở thành huyện nông thôn mới và huyện khá của tỉnh. Để Nghị quyết Đại hội sớm đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, các tổ chức cơ sở đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, cụ thể hóa vào chương trình làm việc hàng tháng, quý, năm; xác định lĩnh vực trọng tâm, công tác đột phá, thế mạnh phát triển của huyện để lãnh đạo, tạo ra hiệu ứng tích cực trên các lĩnh vực.

Trong đó, Huyện ủy tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt và có nhiều chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế. Trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã phát triển theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa.

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên kiểm tra các dự án thi công trên địa bàn. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên kiểm tra các dự án thi công trên địa bàn. Ảnh: Thanh Lê
Mô hình dâu Tây sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Lê
Mô hình dâu Tây sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Lê

Đồng thời, huyện chú trọng phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Các ngành nghề đã định hình và chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế. Toàn huyện có 139 cơ sở sản xuất. Hiện nay, UBND huyện đang triển khai lập quy hoạch Cụm khu công nghiệp Hưng Yên tại xã Hưng Yên Nam với diện tích 30 ha, tổng kinh phí 165 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. Khi cụm công nghiệp hoàn thành sẽ tạo việc làm cho nhân dân các xã Hưng Trung, Hưng Yên Nam và Hưng Yên Bắc. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp VSIP hiện đã có 41 khách hàng ký cam kết đầu tư, trong đó có 37 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với số vốn 798 triệu USD và thu hút 14.000 lao động. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 13,53%, trong khi mục tiêu Đại hội đề ra 9,5-10,5%.

Cùng với phát triển các ngành nghề, huyện chú trọng huy động các nguồn lực xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, xây dựng NTM. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đầu tư 10.188 tỷ đồng. Có nhiều dự án quan trọng đã, đang và dự kiến sẽ đầu tư như: Công viên Thanh Thiếu niên thuộc dự án Quần thể khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; Bảo tồn và phát triển Xô viết Nghệ Tĩnh; Nâng cấp và mở rộng Đền ông Hoàng Mười; các khu tái định cư giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc – Nam; Trung tâm thể dục, thể thao huyện; đường vào Khu công nghiệp Hưng Yên Nam; Đường giao thông nối Quốc lộ 46A với đường 542C qua xã Hưng Đạo,…

Dự án bảo tồn, phát huy giá trị Xô Viết Nghệ Tĩnh; Di tích đền Vua Lê tại xã Hưng Thành; Nâng cấp hệ thống đê sông xã Hưng Đạo; Giờ học tin học của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong. Ảnh: Mai Hoa - Thanh Lê - Đình Tuyên
Dự án bảo tồn, phát huy giá trị Xô Viết Nghệ Tĩnh; Di tích đền Vua Lê tại xã Hưng Thành; Nâng cấp hệ thống đê sông xã Hưng Đạo; Giờ học tin học của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong. Ảnh: Mai Hoa - Thanh Lê - Đình Tuyên

Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên bức tranh về kinh tế, các hoạt động văn hóa – xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến. Chất lượng giáo dục mũi nhọn nằm trong tốp đầu của tỉnh. Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn… được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Thị Thơm – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: Những kết quả trên tạo nền tảng quan trọng, củng cố niềm tin để địa phương phấn đấu đến năm 2025, Hưng Nguyên trở thành huyện Nông thôn mới mạnh về kinh tế, văn hóa xã hội phát triển, nông thôn đổi mới, đô thị văn minh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Người dân giao dịch tại Bộ phận một cửa huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Lê
Người dân giao dịch tại Bộ phận một cửa huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thanh Lê

Đồng chí Bí thư Huyện ủy cho biết, để đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra, Huyện sẽ tập trung rà soát, phân tích từng chỉ tiêu để có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu Nghị quyết Đại hội, nhất là các chỉ tiêu đạt thấp và khó đạt. Đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết trong sản xuất, phát triển nâng cao giá trị sản phẩm OCOP; tập trung thu hút các chương trình, dự án đầu tư phù hợp với tiềm năng lợi thế của huyện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh trong Khu công nghiệp VSIP tạo đột phá lớn trong chuyển dịch cơ cấu; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điểm nhấn, phát triển huyện Hưng Nguyên theo hướng đô thị vệ tinh của thành phố Vinh.

Ảnh: Mai Hoa
Ảnh: Mai Hoa