Hưng Nguyên: Nhiều giải pháp sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

Áp lực đồng thời phải sắp xếp, tinh giản cán bộ, công chức do sắp xếp đơn vị hành chính và giảm theo Nghị định số 34 của Chính phủ, song với tinh thần quyết liệt, huyện Hưng Nguyên đặt ra quyết tâm đến hết năm 2022 đối với các xã không sáp nhập và đến hết năm 2024 đối với các xã sáp nhập đưa số lượng cán bộ, công chức về đúng quy định.

Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng và cấp ủy các cấp. Ở Hưng Nguyên, thực hiện chủ trương sáp nhập từ 23 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 18 đơn vị, do đó số lượng cán bộ, công chức dôi dư lớn với tổng 95 người. Cùng với đó là triển khai Nghị định số 34 của Chính phủ và Quyết định số 35 của UBND tỉnh cũng tạo thêm áp lực sắp xếp, giảm cán bộ, công chức ở cấp xã trên địa bàn huyện.

Theo chia sẻ của đồng chí Hoàng Nghĩa An – Trưởng phòng Nội vụ huyện Hưng Nguyên, sắp xếp, giảm số lượng cán bộ, công chức dôi dư là bài toán vô cùng khó khăn, bởi liên quan đến việc làm, thu nhập. Mặt khác, trong số đó có nhiều người tuổi còn trẻ và thời gian cống hiến trên 10 – 15 năm, nhưng chưa đủ tuổi nghỉ theo chế độ hiện hành và thời gian qua chưa có cơ chế chính sách đủ mạnh để khuyến khích đội ngũ này chuyển đổi công việc sang lĩnh vực khác. Song xác định rõ, đây là công việc phải thực hiện và không thể trì hoãn, bởi tại Quyết định số 35 của UBND tỉnh đã đưa lộ trình giải quyết dôi dư, đến hết năm 2022 đối với các xã không thực hiện sáp nhập và đến cuối năm 2024 đối với các xã thực hiện sáp nhập phải đảm bảo số lượng đúng theo các quy định. Theo đó, cấp ủy, chính quyền huyện đặt ra yêu cầu, sắp xếp, giảm số người làm việc ở cấp xã là trách nhiệm của các hệ thống chính trị từ cấp huyện, đặc biệt nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ hoặc chuyển công việc khác; gắn với việc thực hiện đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm nghiêm túc, làm cơ sở để tinh giản, đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cán bộ, công chức các xã Xuân Lam, Hưng Nghĩa và Hưng Thịnh giải quyết thủ tục hành chính của người dân tại bộ phận một cửa. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ, công chức các xã Xuân Lam, Hưng Nghĩa và Hưng Thịnh giải quyết thủ tục hành chính của người dân tại bộ phận một cửa. Ảnh: Mai Hoa

Ở xã Long Xá, thời điểm sau sáp nhập (đầu năm 2020), địa phương dôi dư 11 cán bộ, công chức. Cùng với việc tuyên truyền, vận động 2 cán bộ, công chức nghỉ theo chế độ và 1 người đang làm thủ tục nghỉ hưu, 1 người điều chuyển vị trí trong nội bộ xã, theo chia sẻ của đồng chí Lê Xuân Quế – Bí thư Đảng ủy xã Long Xá, huyện cũng rất tích cực sắp xếp, điều chuyển 2 cán bộ, công chức sang xã khác. Tương tự ở xã Châu Nhân, sau sáp nhập, địa phương thừa 16 người. Đến thời điểm này, cùng với nỗ lực của xã và huyện, địa phương đã sắp xếp, giảm được 6 người, bao gồm 2 người nghỉ hưu theo chế độ; 3 người chuyển sang xã khác và 1 người được biệt phái lên huyện. Hiện xã đã vận động và làm quy trình thủ tục hồ sơ để có thêm 2 người nghỉ hưu theo chế độ đầu năm 2023. Hay ở xã Hưng Nghĩa, tính đến cuối năm 2022 này, xã tuyên truyền, vận động được 7 cán bộ, công chức nghỉ theo chế độ.

Ở phạm vi toàn huyện, tính đến cuối năm 2021, sau gần 2 năm thực hiện sáp nhập, Hưng Nguyên đã giải quyết nghỉ hưu đúng tuổi, chờ hưu, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND và điều chuyển sang xã khác, biệt phái lên huyện với tổng 39 người. Như vậy ở các xã sáp nhập, tính đến cuối năm 2021 còn dôi dư 56 cán bộ, công chức và ở các xã không sáp nhập dôi dư 10 cán bộ, công chức, tổng dôi dư toàn huyện là 66 người.

Theo quy định về số lượng cán bộ, công chức tại Nghị định số 34 của Chính phủ và Quyết định số 35 của UBND tỉnh (xã loại 1 được bố trí tối đa 22 người, loại 2 bố trí 20 người, xã loại 3 bố trí 19 người (không bao gồm chức danh Trưởng Công an xã do bố trí công an chính quy), ở thời điểm cuối năm 2021, toàn huyện Hưng Nguyên dôi dư 66 cán bộ, công chức cấp xã. Tuy nhiên, theo Quyết định số 80 của UBND tỉnh, ban hành ngày 28/12/2021 quy định về cơ cấu chức danh công chức xã, phường, thị trấn, xã, thị trấn loại 1 được bố trí tối đa 10 người, xã loại 2 bố trí 8 người và xã loại 3 bố trí 7 người, thì số cán bộ chuyên trách tính 12 vị trí nhưng thực tế chỉ được bố trí 11 người đối với xã loại 1, loại 2 và 11 vị trí nhưng thực tế chỉ được bố trí 10 người đối với xã loại 3 – do chức danh chủ tịch HĐND do bí thư đảng ủy kiêm nhiệm và được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm. Do vậy, số lượng cán bộ, công chức xã, thị trấn được bố trí tối đa 21 người, xã loại 2 là 19 người, xã loại 3 là 17 người. So sánh với quy định tại Nghị định số 34 của Chính phủ và Quyết định số 35 của UBND tỉnh trước đó thì mỗi đơn vị hành chính xã, thị trấn tiếp tục giảm 1 người làm việc. Như vậy, ngoài giải quyết dôi dư đối với 66 cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định số 34 của Chính phủ và Quyết định số 35 của UBND tỉnh, huyện Hưng Nguyên phải giảm tiếp 18 cán bộ, công chức cấp xã và tổng phải giảm giai đoạn 2022 – 2024 là 84 người.

Để tạo được sự tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong sắp xếp, giải quyết dôi dư, ngày 19/1/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 03 về sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Theo đó, ngày 21/02/2022, UBND huyện ban hành Đề án giải quyết dôi dư và sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo số lượng theo quy định.

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên tìm hiểu nhu cầu sản xuất vụ đông của người dân tại xã Hưng Thành; Cán bộ, công chức xã Hưng Yên Nam kiểm tra việc hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất nhà văn hóa; Cán bộ xã Châu Nhân quán triệt quy định pháp luật về nghĩa vụ quân sự cho người dân; Cán bộ, công chức xã Hưng Thịnh rà soát quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn; Cán bộ xã Hưng Tân giới thiệu sản phẩm bánh cà đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên tìm hiểu nhu cầu sản xuất vụ đông của người dân tại xã Hưng Thành; Cán bộ, công chức xã Hưng Yên Nam kiểm tra việc hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất nhà văn hóa; Cán bộ xã Châu Nhân quán triệt quy định pháp luật về nghĩa vụ quân sự cho người dân; Cán bộ, công chức xã Hưng Thịnh rà soát quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn; Cán bộ xã Hưng Tân giới thiệu sản phẩm bánh cà đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Thị Thơm – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy trong sắp xếp là phải bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương; yêu cầu cách làm phải khoa học, chặt chẽ, bài bản, thận trọng, phù hợp với thực tiễn, hiệu quả. Việc sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã phải gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ.

Ban Thường vụ Huyện ủy Nguyễn Thị Thơm cũng đặt ra yêu cầu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp xã, nhất là người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục gắn với đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm chính xác, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của mỗi cá nhân; chú trọng đảm bảo các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp, tinh giản; bố trí, sắp xếp đảm bảo đúng lộ trình”.

“Cùng với giải quyết dôi dư, tinh giản cán bộ, công chức cấp xã, huyện chú trọng  đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, gắn rà soát để sắp xếp, bố trí lại cán bộ đối với những nơi nội bộ chưa có sự thống nhất cao hoặc phong trào chậm; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị…” – Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên nhấn mạnh.

Trên cơ sở chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy và đề án của UBND huyện, các địa phương đã tích cực triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện dự kiến giải quyết dôi dư 40 cán bộ, công chức cấp xã (bởi một số trường hợp đang trình tỉnh phê duyệt), bao gồm nghỉ hưu theo chế độ, thôi việc, nghỉ việc và luân chuyển lên huyện. Như vậy, số cán bộ, công chức dôi dư còn 44 người.

Theo ý kiến của các đồng chí Trần Xuân Hiền – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Nghĩa, Lê Xuân Quế – Bí thư Đảng ủy xã Long Xá và Lê Khánh Quang – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Nhân, hiện nay, số còn lại chủ yếu sinh năm 1982 đến 1988 và đạt chuẩn về trình độ chuyên môn đại học (trong đó có người có 2 bằng đại học) và trình độ trung cấp chính trị; cho nên việc vận động những người này nghỉ sẽ khó khăn hơn. Thực tế, việc giải quyết dôi dư thời gian qua cũng chỉ tập trung những người đủ tuổi để nghỉ hưu; còn số cán bộ, công chức tinh giản theo diện thôi việc còn ít. Điều này không chỉ làm khó cho các xã sáp nhập thực hiện chỉ tiêu giải quyết dôi dư mà các xã không sáp nhập cũng khó khăn, nhất là các xã Hưng Lĩnh, Hưng Mỹ, Hưng Tây, Hưng Yên Nam…

Muốn tháo gỡ vấn đề này, một số ý kiến đề xuất tỉnh, huyện cần cân đối ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm những năm còn lại hoặc hỗ trợ kinh phí để động viên cán bộ, công chức thuộc diện dôi dư, tạo thuận lợi cho các xã trong thực hiện chỉ tiêu giải quyết dôi dư.

Một góc nông thôn mới ở Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Một góc nông thôn mới ở Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn