Hướng dẫn cách xịt mũi, súc họng đúng cách để phòng, chống Covid-19
Dùng nước muối sinh lý xịt vào một bên mũi sau đó bịt mũi bên kia để hỉ mũi đã xịt; súc họng là phải ngửa cổ, thè lưỡi trước khi "khò", bạn sẽ tránh được nguy cơ mắc Covid-19.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Nam Hà, chuyên khoa Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, virus trước khi xâm nhập xuống phổi và gây các hậu quả nguy hiểm hơn thì phải đi qua đường hô hấp trên. Vùng mũi, họng được xem là chốt chặn ngăn sự xâm nhập của virus. Vệ sinh đường hô hấp trên bằng cách xịt mũi, súc họng đúng cách giúp hạn chế tối đa virus từ mũi, họng xuống phổi, giảm khả năng nhiễm bệnh.
Dung dịch dùng để chăm sóc mũi hàng ngày là nước muối sinh lý. Dụng cụ để rửa mũi là bình xịt mũi nước muối sinh lý dạng phun sương pha sẵn (nasal spray).
Xịt mũi hàng ngày bằng cách xịt một bên mũi 3 nhát, lưu ý chúc đầu xịt hướng xuống đất, lau đầu xịt bằng khăn giấy sạch. Sau đó, bịt mũi bên còn lại để hỉ mũi bên đã xịt. Lặp lại tương tự 2-3 lần cho mỗi bên.
Lưu ý trường hợp nước muối dư chảy ngược lại, đọng vào chân đầu xịt, phải lấy đầu xịt ra lau khô bình xịt. Cất bình xịt nơi khô ráo sau khi dùng. Bình xịt là dụng cụ vệ sinh cá nhân, tránh dùng chung, nhất là trẻ em. Phải nhắc nhở trẻ đây là dụng cụ cá nhân.
Người đang mắc Covid-19 chỉ thực hiện xịt mũi ở phòng vệ sinh riêng, tránh làm phát tán giọt bắn khi hỉ mũi.
Chăm sóc mũi đúng cách ngoài việc giúp hạn chế lây nhiễm Covid-19 còn hỗ trợ điều trị, phòng ngừa viêm mũi cấp và mạn tính, viêm mũi xoang cấp và mạn tính, sau phẫu thuật mũi xoang... Đặc biệt, với nhân viên y tế thì hốc mũi chứa nhiều tác nhân gây bệnh nên rất cần chăm sóc mũi, tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.
Dung dịch dùng để súc họng hàng ngày dùng cho người bình thường và không tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19 là nước muối sinh lý, có thể dùng được cho trẻ em, thậm chí là trẻ nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy nước muối sinh lý hầu như không làm thay đổi hệ vi sinh thường trú trong họng. Trong khi đó, các dung dịch có chứa chất khử khuẩn làm thay đổi số lượng các loại vi sinh thường trú ở vùng họng. Chưa kể, khi sử dụng lâu dài nước súc miệng có tinh dầu, chất khử khuẩn có thể kích thích họng gây bệnh "viêm họng mạn do nước súc miệng".
Có thể sử dụng là chai nước muối sinh lý y tế pha sẵn (tiện dụng nhưng tốn tiền) hoặc nước muối sinh lý tự pha tại nhà với công thức một muỗng cà phê muối đầy trong một lít nước sôi để nguội. Dung dịch muối loãng tự pha này chỉ nên sử dụng trong ngày, để tránh nhiễm khuẩn do để qua đêm.
Đối với bệnh nhân Covid-19 và người tiếp xúc gần, các bác sĩ sẽ chỉ định súc họng dung dịch có các chất khử khuẩn như povidone iodine, chlorhexidine.
Trước khi súc họng cần súc miệng bằng cách cho nước vào miệng súc rồi nhổ bỏ, không cần ngửa cổ, tư thế đầu thẳng.
Ảnh minh họa. |
Sau đó, súc họng bằng cách cho ra ly (cốc) một lượng nước vừa đủ khoảng 5-10 ml rồi đưa vào miệng. Để súc họng có hiệu quả, ngoài tư thế ngửa cổ, cần lưu ý thè lưỡi ra trước khi kêu "khò... khò... khò...". Đây là động tác quan trọng, giúp nước len qua khe hở xuống được họng miệng. Khi không thè lưỡi ra trước, dù có ngửa cổ tối đa cũng chỉ là súc miệng chứ chưa súc họng. Sau khi súc họng xong, cần nhổ bỏ nước.
Nên súc họng ít nhất 5 lần vào sáng, tối, sau ba bữa ăn. Đây là các thời điểm họng đọng dịch nhầy từ mũi, họng mũi hoặc chất kích thích trong thức ăn. Nên súc họng ngay khi đi ra ngoài về nhà, sau khi nói chuyện hoặc tiếp xúc với người ngoài, ngay sau khi bơi lội...