Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024 – 2025, hơn 6.000 học sinh lớp 9 ở thành phố Vinh đang thực sự ngồi trên đống lửa. Tính hơn 10 năm trở lại đây, đây có lẽ là thời điểm con đường để vào trường công lập đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi học sinh trên địa bàn thành phố Vinh tăng hơn 800 em. Trong khi đó, chỉ tiêu của các trường công lập chỉ trên dưới 2.000 em. Do số lượng học sinh dự thi đông, cơ hội thấp nên việc đánh giá đúng năng lực học sinh, phân hóa đúng đối tượng sẽ giúp các em có định hướng phù hợp khi đăng ký chọn trường, chọn nghề.
Tại Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh) – ngôi trường có số lượng học sinh đông nhất tỉnh, việc phân hóa đối tượng học sinh cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng. Những năm qua, dù được xem là ngôi trường có chất lượng hàng đầu của thành phố Vinh nhưng tỷ lệ học sinh đậu vào các trường chuyên, trường công lập của trường Hà Huy Tập chỉ khoảng 60%, trong đó tỷ lệ đậu vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và các trường chuyên khoảng 30%.
Để chuẩn bị tốt tâm thế cho học sinh, thời điểm này, nhà trường thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như tổ chức ôn tập, thi thử, kiểm tra đánh giá và tổ chức phụ đạo cho học sinh. Kết quả của các bài kiểm tra sẽ là một trong những cơ sở quan trọng giúp phân hóa học sinh.
Nói thêm về điều này, cô giáo Hà Lê Hòa Bình – hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc thi vào lớp 10 ở thành phố Vinh quá khó khăn và năm sau sẽ khó hơn năm trước. Vì thế, từ điểm thi của học sinh chúng tôi có thể chia 3 ra đối tượng học sinh. Trong đó, tốp 1, đó là những học sinh có thể thi vào các trường công lập và các trường chuyên. Tuy nhiên nhóm này cũng chia thành mấy mức để định hướng các em thi vào các trường công lập tương đương với năng lực. Nhóm thứ 2, những học sinh yếu hơn, khó có khả năng thi đậu vào các trường công lập (như học lực trung bình khá), chúng tôi sẽ định hướng các em đăng ký vào các trường ngoài công lập. Nhóm thứ ba, với những em năng lực hạn chế, chúng tôi sẽ định hướng để các em học nghề.
Trong số 558 học sinh của năm học này, hiện Trường THCS Hà Huy Tập cũng đã rà soát bước đầu vào có khoảng 100 học sinh nằm ở 2 tốp dưới. Thời điểm từ nay đến cuối kỳ thi, giáo viên chủ nhiệm sẽ rà soát lại năng lực từng học sinh và có kế hoạch để phụ đạo, bồi dưỡng thêm cho các em để các em có thể tham gia Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức cuộc họp riêng với các phụ huynh này để thông báo kết quả học tập, dự báo những khó khăn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới. Nhà trường cũng đưa ra các phương án khác để phụ huynh lựa chọn trong tình huống các em không đậu vào lớp 10 công lập. Hiệu trưởng nhà trường cũng nói thêm: Nhà trường chỉ định hướng dựa trên năng lực còn quyền quyết định là ở phụ huynh, học sinh. Đây là giai đoạn nước rút, nếu có tâm thế chuẩn bị tốt thì gia đình sẽ có sự chủ động để lựa chọn ngôi trường phù hợp.
Không chỉ ở thành phố Vinh, việc phân hóa để phân luồng đúng đối tượng cho học sinh cũng được nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh quan tâm. Tại Trường THCS Phúc Lợi – Hưng Nguyên, hội nghị tư vấn phân luồng hướng nghiệp cho 130 học sinh lớp 9 vừa được nhà trường phối hợp với các trường nghề tổ chức vào đầu tháng 4. Trong chương trình này, ngoài việc giới thiệu cho học sinh về ngành nghề, phương án tuyển sinh của các trường nghề thì việc định hướng tư vấn phân luồng, hướng nghiệp cũng được nhà trường chú trọng. Trước đó, không chỉ với học sinh lớp 9 mà nhiệm vụ này được nhà trường quan tâm thường xuyên, từ khi các em bắt đầu mới vào trường. Chia sẻ về điều này, thầy giáo Nguyễn Đình Nguyên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Một trong những căn cứ quan trọng trong định hướng phân luồng đó là kết quả học tập của các em và điều này phải được đánh giá trong quá trình 4 năm các em học THCS. Kinh nghiệm của chúng tôi thấy rằng, với những em học lực trung bình yếu hoặc trung bình thì khó có khả năng đậu vào công lập. Như năm ngoái, Trường THPT Phạm Hồng Thái – vùng tuyển sinh của trường chúng tôi, điểm chuẩn cũng lên đến 16,75 và chỉ có 82% học sinh nhà trường trúng tuyển. Năm nay việc tuyển sinh sẽ khó hơn vì không chỉ học sinh Hưng Nguyên mà học sinh thành phố Vinh đều tăng. Rất nhiều học sinh thành phố Vinh sẽ chọn Hưng Nguyên để thi vào lớp 10 công lập nên tính cạnh tranh sẽ cao hơn. Nếu các em không có năng lực thì rất khó trúng tuyển.
Qua quá trình thực hiện, hiệu trưởng Trường THCS Phúc Lợi cũng nói rằng nhà trường thực hiện việc phân luồng cho học sinh theo tinh thần tự nguyện. Trong quá trình đó, nếu phụ huynh cùng kết nối với nhà trường thì việc phân luồng sẽ hiệu quả hơn: Năm ngoái trường chúng tôi có 10 học sinh không thi lớp 10 mà các em định hướng học nghề ngay từ đầu vì năng lực các em có những hạn chế nhất định. Cá nhân tôi thì mừng với kết quả này vì không phải học sinh nào cũng có thể học và thi tốt. Việc định hướng sớm sẽ tránh cho các em áp lực tuyển sinh và tạo cho các em tâm thế thoải mái khi vào trường nghề, giúp các em phát huy sớm khả năng của mình – thầy giáo Nguyễn Đình Nguyên cho biết thêm.
Mỗi một mùa tuyển sinh vào lớp 10, Nghệ An có khoảng 40.000 học sinh tham gia dự thi. Do chỉ tiêu có hạn nên số học sinh vào các trường công lập chỉ chiếm khoảng 70 – 75%. Số còn lại, có hai sự lựa chọn, hoặc là vào học các trường ngoài công lập, các trung tâm Giáo dục thường xuyên hoặc các em sẽ đi học nghề theo định hướng nghề nghiệp.
Nhằm triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông, ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 – 2025” . Tại Nghệ An, việc phân luồng – hướng nghiệp cũng đã thực hiện khá lâu. Gần đây nhất, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3129/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025 và đặt mục tiêu mỗi năm Nghệ An sẽ có 20 – 25% học sinh sẽ được phân luồng để đi học nghề.
Thực tế cũng cho thấy, việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh là điều cần thiết. Bởi lẽ, cơ sở vật chất của các trường công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Trong khi đó, nếu không làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng sẽ dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học sau khi tốt nghiệp lớp 9. Vấn đề này càng thiết thực với các miền núi cao, vì nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh lớp 9 tiếp tục theo học lớp 10 còn rất thấp như Kỳ Sơn 48%; Tương Dương 52%; Con Cuông 63%; Quế Phong 55%; Quỳ Châu 60%.
Để tăng cường hiệu quả của công tác phân luồng, hướng nghiệp, hiện các địa phương đều xây dựng kế hoạch và tạo mọi điều kiện để các trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề được thuận lợi trong công tác tuyển sinh. Qua thống kê, số lượng học sinh phân luồng tham gia học ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp, hoặc học ở các trường nghề tăng theo hàng năm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua quá trình triển khai cũng cho thấy, mỗi năm Nghệ An đang còn rất nhiều học sinh tốt nghiệp lớp 9 nhưng không đi học hoặc không học nghề.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Lê Văn Hoa – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn trăn trở: Mỗi năm Kỳ Sơn có khoảng 1.400 học sinh lớp 9 tốt nghiệp và chỉ tiêu vào công lập là gần 800 em. Số còn lại, về lý thuyết sẽ thuận lợi cho các trường nghề hoặc các trung tâm Giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế không vậy, năm nào, chúng tôi cũng được duyệt chỉ tiêu 4 lớp với 180 học sinh nhưng thực tế chỉ tuyển được khoảng 3 lớp. Số học sinh sau 3 năm học cũng rơi rớt dần và duy trì so với đầu năm học chỉ có khoảng 81,71%. Hơn 500 học sinh còn lại, số đi học nghề có lẽ rất ít và các em sẽ bỏ học.
Phân tích nguyên nhân, ông Lê Văn Hoa cho rằng, sở dĩ một bộ phận học sinh chưa hào hứng với việc tiếp tục đi học bởi các em ngại khó, ngại khổ, lười học. Bên cạnh đó, một số em lại muốn đi làm sớm với bố mẹ, có em lại thích ở nhà hoặc lấy chồng, lấy vợ sớm, nhất là các huyện miền núi cao.
“Tôi nghĩ rằng với độ tuổi của học sinh lớp 9 nếu các em đi làm sớm thì sẽ không hiệu quả và các em cũng không có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc phát triển nghề nghiệp. Thế nên, nếu định hướng đúng việc phân luồng sẽ giúp các em trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và nghề nghiệp để sau này dễ dàng có việc làm, tăng thu nhập, tránh được tình trạng học sinh bỏ học sớm, lêu lổng hoặc tình trạng tảo hôn” – ông Lê Văn Hoa nói thêm.